Mùa xe cuối năm: Muôn kiểu bán ô tô, hàng tá chiêu kích cầu
(Dân trí) - Để giải phóng nhanh hàng tồn, các hãng, đại lý dùng nhiều chiêu thức dụ người mua xe. Trong những "mánh" kích cầu, nhiều nhất vẫn là thông tin khan hiếm xe, mua trả góp ưu đãi lãi suất lớn.
Mua trả góp 0% lãi suất trong nhiều năm
Chiêu thức được nhiều hãng, đại lý xe áp dụng hiện nay là tặng ưu đãi phí trước bạ 50 -100%, khuyến mại thêm bảo hành, bảo dưỡng xe hơi theo các năm. Để tăng tính hấp dẫn, nhiều đại lý tại Hà Nội đã quyết định tặng tiền mặt trực tiếp đối với khách hàng mua xe hoặc chiết khấu trực tiếp vào giá bán hàng.
Theo các đại lý xe hơi tại Hà Nội, cách khuyến mãi hiệu quả nhất là giảm trực tiếp tiền mặt cho khách hàng. Thông thường, ngoài giảm từ vài trăm triệu đồng so với đầu năm, các đại lý xe hiện nay đều giảm từ 10 đến 50 triệu đồng. Đây được xem là tiền chiết khấu của đại lý, của người bán cho khách hàng.
Tuy nhiên, việc giảm giá nhiều nhất hiện nay chủ yếu xảy ra ở các mẫu xe doanh số ít, xe bán chậm. Đầu tháng 10/2020, một số mẫu xe có doanh số cao đã không còn được khuyến mại nhiều như trước đây. Các hãng, đại lý đã âm thầm hạn chế hoặc cắt hết khuyến mãi để tối đa hoá doanh số, chỉ thực hiện giảm giá nhẹ cho các mẫu xe bán thanh lý, ế khách.
Một chiêu khuyến mãi nữa cũng rất phổ biến và được nhiều doanh nghiệp đưa ra là cho vay mua xe 0% lãi suất từ 2 năm trở lên. Theo đó, người mua chỉ cần đóng số tiền ban đầu từ vài chục đến hơn 100 triệu đồng là đã có thể rước xe về nhà.
Đơn cử, một thương hiệu xe tại Việt Nam vừa tuyên bố, chỉ cần dưới 100 triệu đồng khách cũng có thể lái xe hơn 1,4 tỷ đồng về nhà. Số tiền khách trả 2 năm đầu tiên được ấn định, và không phải chịu lãi suất. Sau 2 năm, lãi suất theo thỏa thuận, thông thường là lãi suất cơ bản + biên độ 3,5%.
Với hình thức khuyến mãi này, người tiêu dùng chỉ phải trả số tiền lẻ đã được sở hữu và sử dụng xe. Trong vòng 2 năm đầu tiên, người mua xe sẽ chỉ phải trả khoảng 200 đến 600 triệu đồng tuỳ theo giá trị xe.
Đối với người có thu nhập tốt, số tiền lãi và gốc cố định được trả dần theo các năm sẽ có lợi hơn vì người mua xe đã được nợ 2 năm không lãi suất, tận dụng số tiền lớn của hãng, đại lý. Tuy nhiên, sau 2 năm đầu tiên, đến năm thứ 3, mới là vấn đề của người mua xe. Đối với xe trên 1,4 tỷ đồng, nếu 2 năm đầu tiên khách trả được 400 triệu đồng, năm thứ 3 trở đi số lãi của 1 tỷ đồng còn lại sẽ khá nặng đối với người mua xe và phải chịu mức lãi suất khá cao trung bình từ 10,5% đến 12%/năm.
Vì vậy, theo nhiều người có kinh nghiệm, người mua xe nên tìm hiểu kỹ và cam kết trả nợ cố định 2 năm không lãi suất số tiền nhiều hơn, từ trên 50 đến 70%, giá trị chiếc xe, thì gánh nặng sau đó sẽ nhẹ hơn.
Tuy nhiên, điểm bất lợi của khách mua xe 0% lãi suất 2 năm đầu tiên là không được hưởng các hình thức chiết khấu, giảm giá, khuyến mại khác. Khách mua xe sẽ phải chịu giá bán cao và không được hưởng bất kỳ khuyến mãi bán hàng nào khác.
Vẫn điệp khúc cũ: Khan hàng, "bán bia kèm lạc"
Vào thời điểm các năm trước, câu cửa miệng của dân buôn xe cuối năm để chốt khách chính là khan hàng, hiếm xe, khó giao xe kịp tiến độ. Khách tìm hiểu, mua xe cần chốt nhanh, đặt cọc sớm để giữ chỗ, giao xe sớm.
Năm nay, điệp khúc này cũng được một số đại lý, hãng áp dụng, tuy nhiên thường giới hạn ở mức độ nhất định, chỉ một số mẫu xe có doanh số cao mới được các nhân viên bán hàng sử dụng.
Một đặc điểm khiến các đại lý, tư vấn bán hàng bắt “thóp” khách mua xe là chiêu khan hàng, "bán bia kèm lạc". Do lượng xe nhập về Việt Nam thời gian qua khá ít, trong 3-4 tháng diễn ra đại dịch Covid-19, nên nhiều đại lý thường sử dụng chiêu này. Ngoài ra, do lượng linh kiện nhập khẩu về Việt Nam bị hạn chế bởi dịch bệnh nên doanh nghiệp ô tô có thời gian bị đứt quãng sản xuất, lắp ráp. Đây cũng là lý do để nhiều đại lý "than" hiếm hàng.
Mặc dù, nhiều người mua xe đã không còn tin vào điều này hoặc có ác cảm với chiêu trò đẩy thông tin khan hàng, hiếm xe, bán bia kèm lạc, song nhiều đại lý, nhân viên môi giới vẫn thường sử dụng, nhất là trong thời điểm cuối năm khi nhu cầu mua xe tăng cao.
Đơn cử trường hợp của Toyota, hiện vẫn có đại lý lớn ở Mỹ Đình bán kiểu bia kèm lạc đối với những mẫu xe nhập Indonesia. Khách mua xe thường bị ép mua thêm rất nhiều thiết bị đi kèm như dán cách nhiệt, thảm lót sàn…
Một chiêu nữa cũng được các đại lý thường xuyên sử dụng là lợi dụng tâm lý sính xe ngoại để tung hoả mù khan hiếm xe. Nhân viên bán hàng của một đại lý nhập Honda CRV từ Thái Lan đã tung hỏa mù sắp hết loại xe đó, phải nhanh chóng đặt cọc mới có xe sớm.
Theo nhiều người am hiểu thị trường xe hơi, năm 2020 rất khó diễn ra tình trạng khan hàng, hiếm xe như các năm trước bởi dung lượng thị trường năm nay tiêu thụ không cao, trong khi đó tỷ lệ tồn kho của các doanh nghiệp ô tô đang lớn.
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), hết 9 tháng đầu năm, lượng xe tiêu thụ trong nước chỉ hơn 127.000 chiếc, nếu cộng cả doanh số của Hyundai Thành Công, VinFast, Tổng doanh số bán hàng của các doanh nghiệp xe tại Việt Nam có thể đạt hơn 220.000 đến 250.000 chiếc. Hết năm, lượng xe bán ra chỉ có thể đạt trên 300.000 chiếc đến 350.000 chiếc.
Còn theo báo cáo của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), chỉ số tồn kho ngành ô tô đang tăng rất cao, đạt 122,5% so với cùng kỳ năm ngoái, khả năng thiếu xe là khó xảy ra.
Vì vậy, người mua xe cần cảnh giác với các thông tin sai lệch, thiếu tích cực nhằm câu khách, kích cầu bán xe của các đại lý xe hơi.