1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Mua sắm fast fashion ít lại không chỉ đỡ tốn tiền mà còn bảo vệ môi trường

Trúc Ly

(Dân trí) - Thời trang nhanh đáp ứng nhu cầu muốn thay đổi, đặc biệt của hội chị em. Tuy nhiên, việc chạy theo thời trang nhanh không chỉ khiến ta "cháy túi" mà còn gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường.

Mai Linh (TPHCM) đang cùng bạn bè lên kế hoạch để tổ chức sự kiện giới trẻ tập nói không với fast fashion (thời trang nhanh). 5 năm qua, khi thấu hiểu được vấn đề ngành công nghiệp thời trang đã tác động tới môi trường như thế nào, Linh dần tập cho bản thân thói quen lựa chọn trang phục đơn giản, bền vững.

Theo nghiên cứu của Liên Hợp Quốc, ngành dệt may đang gây ô nhiễm môi trường đứng thứ 2 chỉ sau ngành dầu khí. Cùng với đó, số lượng quần áo, vải tồn kho, ế ẩm được vứt ra các bãi rác đã lên tới con số 92 triệu tấn/năm. Những con số này vô cùng lớn, thôi thúc thế hệ trẻ như Linh phải sớm thay đổi suy nghĩ về thời trang.

"Trong khi chúng ta vẫn đang bỏ đi những bộ quần áo chưa cắt mác hay không bao giờ mặc lại chiếc váy tới lần thứ hai thì vẫn có nhiều người, nhiều em bé phải đối diện với cái lạnh cắt da cắt thịt với đôi chân trần và tấm áo mỏng manh, tại sao lại thế?", Linh đặt câu hỏi. 

Mua sắm fast fashion ít lại không chỉ đỡ tốn tiền mà còn bảo vệ môi trường - 1

Nhiều người có thói quen mua sắm theo hứng, mua sắm vì giảm giá mà không thực sự mua vì nhu cầu sử dụng (Minh họa: Pinterest).

Cuối cùng, Mai Linh khẳng định rằng việc thay đổi thói quen chi tiêu, mua sắm thời trang nhanh không cần bắt nguồn từ những điều quá lớn lao hay những mục tiêu cao xa. Trước hết, việc thay đổi thói quen chi tiêu sẽ giúp cho chính bản thân mỗi người có thể tiết kiệm tiền, dùng tiền mua sắm quần áo để làm những việc có ý nghĩa hơn.

Hiện tại, bên cạnh công việc văn phòng, Mai Linh là chủ cửa hàng bán đồ second-hand (đồ cũ). Cùng với đó, cô xây dựng được một cộng đồng những người yêu thích sử dụng đồ cũ vì tính độc bản, không đụng hàng, những người muốn tiết kiệm tiền và bảo vệ môi trường.

Theo thạc sĩ Nguyễn Tường Miên - người nổi tiếng với những bài viết về môi trường - thời trang nhanh (fast fashion) là cụm từ chỉ dòng thời trang tiêu thụ nhanh, nghĩa là mua về mặc được trong thời gian ngắn rồi sẽ nhanh chóng bỏ đi. Nền công nghiệp này ra đời để đáp ứng thị hiếu luôn muốn thay đổi của thị trường áo quần.

Zara, H&M và nhiều thương hiệu khác nhiều năm qua vẫn luôn chạy theo hướng quảng cáo rằng hãy thay đổi tủ đồ của bạn, làm mới chính mình bằng những bộ quần áo theo xu hướng. 

Điều hấp dẫn nhất của thời trang nhanh nằm mẫu mã đẹp nhưng giá thành khá... rẻ. Nói nôm na, thời trang "fast" tựa tựa như "fast food - đồ ăn nhanh" - ngon, rẻ nhưng chưa biết bổ hay không.

Do vậy, để đáp ứng thị hiếu, các đơn vị sản xuất phải thay loại vải tự nhiên (cotton) thành polyester - vừa nhuộm màu dễ hơn, vừa có giá thành thấp hơn. Polyster được làm từ dầu mỏ. Hàng năm 70% lượng dầu trên toàn thế giới được dùng để tạo ra polyester.

Ngoài ra, một chiếc áo thun bằng polyster sẽ tốn gần 2700l nước trong quá trình nhuộm, dệt, sản xuất. Áo từ polyester còn có khả năng "sống dai" tới 200 tuổi. Hơn nữa, loại vải này cực khó phân hủy, theo chị Tường Miên. 

Nếu không phải polyester, rác thải từ áo cotton cũng gây ra không ít tác hại cho môi trường. 

Vải cotton được sản xuất từ cây gòn. Để những cây gòn sinh ra được loại vải mong muốn cho may mặc, một lượng thuốc trừ sâu lớn đã được "bồi bổ" cho cây. Các chất hóa học ấy sẽ lần lượt đi ra sông rồi biển, lại gây mầm bệnh và phá hỏng môi trường sống dưới nước. Ngoài ra thì một phần thuốc trừ sâu bốc hơi sẽ lưu trong không khí, và chính chúng ta đang hít thở hằng ngày vào phổi những chất gây hại đến cơ thể chúng ta.

Mua sắm fast fashion ít lại không chỉ đỡ tốn tiền mà còn bảo vệ môi trường - 2

(Minh họa: Dailyorange).

Tác hại khủng khiếp nhất có lẽ là quy trình sản xuất quần jeans. Thông thường, một chiếc quần jean sẽ tốn từ 7.000 lít đến 10.000 lít nước để xử lý. Hơn thế, màu xanh chàm đặc trưng của quần jean được tạo nên từ benzene (được chiết xuất từ dầu mỏ nung ở nhiệt độ cao) trộn cùng với các hóa chất khác bao gồm cyanide và formaldehyde (những hóa chất độc hại tới sức khỏe con người).

Trung Quốc từng bị cáo buộc khi các nhân công hoạt động tại nhà máy thêu may quần jeans trong nước đồng loạt phát hiện bị ung thư phổi, điều này cho thấy mặt trái của việc dùng chất hóa học trong sản xuất may mặc.

Cuối cùng, thạc sĩ Tường Miên đưa lời khuyên rằng giới trẻ nên thấu hiểu tác hại của ngành công nghiệp thời trang nhanh tác động đến môi trường. Từ đó tìm hiểu về xu hướng thời trang bền vững (sustainable fashion). 

"Hãy chỉ mua sắm vừa phải, không mua thêm những thứ chúng ta không cần dù nó có hợp thời đến đâu thì lượng rác vải ra môi trường sẽ giảm thải rất đáng kể. Tủ đồ bạn không phải cần được tân trang hàng tháng, mà chỉ khi bạn thực sự cần một cái áo mới. Khi mua một cái áo thun, quần jeans, hãy nghĩ đến nguy cơ bạn uống nước nhiễm benzee đang rất gần. Có thực sự đáng mua món đồ này không nhỉ?", chị Tường Miên nhấn mạnh.

iMoney là dòng sản phẩm chuyên các bài viết về tư vấn đầu tư, tư vấn tiêu dùng, được đăng tải vào thứ 4 mỗi tuần trên báo Dân trí.

iMoney sẽ giải đáp thắc mắc của độc giả về đầu tư, tiêu dùng, tư vấn tài chính, các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản, tiền mã hóa, tư vấn tiêu dùng cũng như chia sẻ các tip tiêu dùng thông minh, hiệu quả... 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm