1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Mua rẻ bán đắt, EVN vẫn than lỗ

Mặc dù liên tục kêu lỗ mấy năm gần đây, tuy nhiên có một thực tế là doanh thu của EVN ngay cả các năm lỗ vẫn tăng khá mạnh, chứng tỏ khả năng huy động nguồn lực thực tế từ xã hội của EVN rất cao.

Một câu hỏi được nhiều chuyên gia đưa ra là vì sao giá điện chỉ tăng 15,28% nhưng doanh thu 2011 của EVN tăng tới gần 27%.

 

Mua rẻ bán đắt, EVN vẫn than lỗ
Sơ đồ doanh thu bán điện và giá vốn của một số thủy điện.

 

Theo báo cáo tài chính của EVN, năm 2010 dù là năm lỗ đỉnh điểm của EVN, tuy nhiên do được tăng giá điện “kép”, vừa tăng giá vừa thêm khung giá điện giờ cao điểm buổi sáng, doanh thu của EVN đã lên tới trên 90.800 tỉ đồng (trên 4 tỉ USD).

 

Doanh thu khoảng 100.000 tỉ đồng

 

Trong năm 2011, khi công bố kết quả kinh doanh, EVN không công bố doanh thu cụ thể mà chỉ nêu các số liệu về tiết kiệm điện, số lỗ, tỉ lệ tổn thất điện năng...

 

Tuy nhiên, trong một báo cáo gửi hội nghị cấp Chính phủ, Bộ Công thương đã tiết lộ tổng doanh thu của EVN năm 2011 thực tế tăng tới 26,7% so với năm 2010. Như vậy, doanh thu thuần của EVN năm 2011 đã lên tới khoảng 100.000 tỉ đồng, tương đương 5 tỉ USD.

 

Ông Đặng Huy Cường, cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Bộ Công thương, mới đây đã công nhận với giá điện được điều chỉnh năm 2011, giá điện bình quân được duyệt là 1.304 đồng/kWh nhưng thực chất điện sinh hoạt người dân đang phải trả khoảng 1.400 đồng/kWh. Lý do, điện sinh hoạt được điều chỉnh tăng mạnh hơn điện sản xuất.

 

Tuy nhiên, không ít người dân vẫn băn khoăn về mức tiền điện họ phải đóng nhiều hơn mức tăng mà EVN công bố. TS Nguyễn Minh Phong (Viện Nghiên cứu kinh tế xã hội Hà Nội) dẫn hóa đơn của chính nhà mình cho rằng nếu chia trung bình các mức giá trong hóa đơn, thực chất giá điện bình quân mà người dân phải trả cỡ... 2.000 đồng/kWh chứ không phải mức giá mà EVN đưa ra.

Tăng giá điện, từ lỗ nặng chuyển sang lãi lớn

 

Trong báo cáo kết quả kinh doanh quý 4/2011 được công bố vào đầu tháng 2/2012, Công ty CP Nhiệt điện Bà Rịa cho biết lợi nhuận sau thuế quý 4/2011 của doanh nghiệp này bị lỗ hơn 167 tỉ đồng, lũy kế cả năm lỗ hơn 176 tỉ đồng. Tuy nhiên, trong báo cáo tài chính kiểm toán năm 2011 được công bố vào cuối tháng 3/2012, lợi nhuận sau thuế năm 2011 của doanh nghiệp này đạt gần 63 tỉ đồng, tăng đột biến gần 239 tỉ đồng. Trước đó, theo các công bố giải trình của Công ty CP Nhiệt điện Bà Rịa, kết quả kinh doanh của đơn vị này giảm so với cùng kỳ năm trước là do giá điện được tính bằng 90% giá điện của năm 2010. Do đó, việc kết quả kinh doanh tăng đột biến 239 tỉ đồng là do có sự điều chỉnh về giá điện, sau khi có giá bán điện chính thức của công ty này.

Một chuyên gia từng làm cán bộ cao cấp của EVN cũng cho rằng với cơ chế hiện nay, giá điện thực chất 1kWh bao nhiêu chỉ EVN biết. Bởi danh nghĩa giá bình quân 1.304 đồng/kWh nhưng từ 150kWh trở đi giá có thể lên tới 2.000-2.060 đồng. Mà cơ cấu, tỉ lệ khách hàng dùng từ 150kWh trở lên bao nhiêu, kiểm toán vào cuộc khó biết bởi kiểm toán cũng chỉ soát xét trên hệ thống sổ sách của EVN, không thể kiểm tra hết cả 17 triệu hóa đơn khách hàng của EVN.

 

Cũng theo chuyên gia này, năm 2011 Nhà nước cho tăng giá 15,3% mà doanh thu của EVN lại tăng tới gần 27% rõ ràng có ẩn khuất. Bởi năm 2011, các công ty con của EVN cũng khó khăn nên khó lòng doanh thu tăng ngoài lĩnh vực kinh doanh chính. Đợt tăng giá thêm 5% ngày 20/12/2011 khó có tác động đến doanh thu của EVN năm 2011 bởi thời điểm thu tiền với giá mới phải nằm trong khoảng 20/1/2012 - hoàn toàn nằm trong tài khóa 2012.

 

Vì vậy, khoản chênh lệch trên các cơ quan nhà nước, đặc biệt là Bộ Tài chính, cần vào cuộc xem lại. Thực tế hiện nay, theo chuyên gia, trừ nhiệt điện chạy dầu chỉ chạy trong lúc khó khăn, còn lại thủy điện, điện than, điện khí... giá thành EVN mua chỉ khoảng 600-700 đồng/kWh.

 

Theo TS Nguyễn Minh Phong, nhu cầu điện liên tục tăng, giá thế giới có lên có xuống, nhưng giá điện chỉ lên chưa bao giờ xuống. Trong khi đó, thị trường điện vẫn cơ bản do EVN độc quyền nên khó minh bạch.

 

Vẫn có thể giảm thêm chi phí

 

Với thực tế nhiều thủy điện lãi lớn, một số thủy điện hết khấu hao vẫn nằm trong EVN... đặt ra câu hỏi liệu có còn khả năng tiết giảm chi phí để giảm sức ép tăng giá điện? Theo chính báo cáo của EVN, còn nhiều khoản có thể giảm chi phí mà đến nay dư luận mới được biết. Đó là “điện tự dùng” của các công ty con EVN.

 

Báo cáo triển khai nhiệm vụ 2012 của EVN nêu các công ty con của EVN năm 2010 dùng đến 2,48% sản lượng điện. Năm 2011, do lỗ, được yêu cầu giảm mạnh tỉ lệ tổn thất điện năng, tỉ lệ trên đã giảm xuống còn 1,92%. Chỉ giảm tỉ lệ nhỏ như vậy mà theo EVN, đã tiết kiệm được tới gần 270 triệu kWh. Nếu khắt khe hơn, một quan chức EVN khẳng định chắc chắn tỉ lệ giảm có thể cao hơn, giảm sức ép quan trọng lên việc tăng giá điện..., nhưng muốn làm cần có quyết tâm và cả quyết liệt.

 

Một chuyên gia Hiệp hội Năng lượng cho rằng cần phải khống chế tỉ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư, tránh các doanh nghiệp được EVN ưu ái có thể được lãi nhiều và ngược lại. Ngoài ra, một số nhà máy nhiệt điện do các nhà đầu tư ngoài EVN thực hiện có tổng đầu tư cao, chi phí vận hành bảo dưỡng cũng rất cao. Việc này cần có kiểm soát, tránh đẩy giá đầu tư lên cao, chi phí vận hành lớn rồi tất cả giá các chi phí cao không hợp lý đó được dồn vào giá điện, bắt người tiêu dùng phải chịu.

 

Gánh nặng giá điện với người dân chắc chắn là không nhỏ. Báo cáo của EVN gần đây cho thấy điện sản xuất và mua năm 2011 đã giảm tới 4,52 tỉ kWh so với dự kiến của chính EVN. Từ khi giá điện tăng, tăng trưởng tiêu dùng điện thường thấp hơn dự tính của EVN và thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước. Lý do được đưa ra là vì kinh tế suy giảm, doanh nghiệp dùng ít điện.

 

Tuy nhiên, trong việc giảm dùng điện, theo một số chuyên gia, giá điện cao chắc hẳn cũng đã khiến nhiều người dân phải cắt giảm tiêu dùng điện cho những nhu cầu thiết yếu của mình. Vì vậy, theo ông Nguyễn Minh Phong, mức lợi nhuận của các thủy điện, nhiệt điện và tỉ lệ tăng giá bao nhiêu cần được tính toán để hài hòa lợi ích, trong đó nên ưu tiên lợi ích người tiêu dùng trong thời điểm khó khăn.

 

Ông Vũ Xuân Thuyên, chuyên gia cao cấp Bộ Kế hoạch - đầu tư, trong hội thảo giữa tháng 3/2012 về giá điện theo cơ chế thị trường đã cho rằng nói đầu tư vào điện không hấp dẫn không hẳn đúng. Quyết định số 24/2011 của Thủ tướng về giá điện theo thị trường đã đưa ra tín hiệu rõ ràng về mở cửa thị trường điện. Nên về lâu dài, thị trường điện VN rất tiềm năng, điển hình là nhà đầu tư nước ngoài đã quan tâm đầu tư dự án nhiệt điện Ô Môn 2. Ông Thuyên đề nghị cần công khai yếu tố hình thành giá điện để người tiêu dùng yên tâm giá điện EVN đang bán là giá cạnh tranh, không phải giá độc quyền.

 

Theo Cẩm Văn Kình

Tuổi trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm