1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Ngại cho vay và sợ đi vay

Đây là tâm lý khá phổ biến hiện nay làm cản trở luân chuyển dòng tiền trong nền kinh tế.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)
 
Ngân hàng ngại cho vay
Theo các DN, hiện nay việc tiếp cận vốn đã dễ hơn nhất là đối với các DN lớn, có uy tín. Tuy nhiên, ngân hàng cũng cần “nới” điều kiện cho vay để nguồn vốn không chỉ đến với những DN, tổng công ty lớn, mà còn có thể đến với những DN vừa và nhỏ...

Theo Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Vũ Thanh Sơn, với các DN vừa và nhỏ có vốn điều lệ thấp, để tiếp cận nguồn vốn lại không đơn giản, vì DN có ít tài sản để thế chấp ngân hàng. Hơn nữa, mức lãi suất 11-14%/năm trong bối cảnh hiện nay vẫn còn cao so nhu cầu của các DN. Bởi vậy, ông Sơn kiến nghị ngân hàng cần xem xét tiếp tục giảm lãi suất cho vay xuống ngưỡng 10%/năm, kéo dài thêm thời gian giãn nợ đối với một số ngành hàng còn đang gặp khó khăn.

Đặc biệt, ông Sơn cũng chỉ ra một khó khăn khiến dòng vốn “chậm” lưu thông đó là trên thị trường hiện nay xuất hiện tâm lý “sợ cho vay - sợ đi vay” của ngân hàng và DN.
 
Theo ông Sơn, hiện nay có một bộ phận không nhỏ cán bộ lãnh đạo và cán bộ tín dụng của các ngân hàng lo lắng, sợ trách nhiệm (phát sinh nợ xấu) nên rụt rè trong việc quyết định các phương án cho vay của DN, khiến nhiều DN bỏ lỡ cơ hội kinh doanh. Mặt khác, không ít DN cũng tỏ ra ngại ngần, không dám vay vốn trong bối cảnh kinh tế khó khăn bởi họ vẫn chưa tìm thấy đầu ra cho sản phẩm, vẫn loay hoay với câu hỏi “không biết vay vốn để làm gì?”.

Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Dệt 19-5 Hà Nội Đỗ Văn Minh cũng cho rằng, ngân hàng cần rà soát lại chế độ chính sách, có cơ chế để DN tiếp cận nguồn vốn nhanh hơn, điều chỉnh giảm lãi suất, kéo dài thời gian giãn nợ. Không chỉ hỗ trợ cho DN sản xuất, ngân hàng cần ưu đãi lãi suất cho vay tiêu dùng như vay mua xe, mua nhà… vì có tiêu dùng mới có sản xuất.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Huy Tưởng cũng cho rằng, mặc dù lãi suất đã được giảm nhiều lần, song vẫn còn cao so với mong muốn của DN. Thủ tục và điều kiện vay vốn vẫn còn những ràng buộc khiến một số DN thấy khó khăn khi tiếp cận vốn vay. Trong hệ thống ngân hàng nợ xấu vẫn còn cao và chưa được xử lý về cơ bản

Ông Nguyễn Minh Quang - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) cho rằng, DN hiện nay vẫn đắn đo trong vay vốn và muốn lãi suất cho vay giảm nữa để giảm giá thành sản phẩm xuống.

“Song với những DN dù rất cố gắng, nỗ lực nhưng không vượt qua được khó khăn thì cũng nên để DN phá sản. DN thì cũng để giống như lẽ tự nhiên của con người là có sinh, có tử.” – ông Quang nói.

Đẩy nhanh hạ lãi suất

Trả lời các DN, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, với tình hình hiện nay chúng ta có thể bỏ được trần lãi suất. Tuy nhiên, nếu để thị trường điều tiết thì lãi suất sẽ giảm chậm hơn, phải mất nhiều thời gian. Do đó, để việc hạ mặt bằng lãi suất nhanh hơn nên NHNN vẫn quyết định để trần lãi suất. Dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn của NHNN cho rằng khả năng kiềm chế lạm phát năm nay ở mức dưới 7%.

Do đó, điều kiện để tiếp tục hạ lãi suất huy động không còn nhiều. Tuy nhiên, NHNN sẽ cố gắng điều hành để lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh giảm xuống mức 9-10%/năm. Với các khoản vay cũ phấn đấu đưa xuống dưới 13%/năm.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, mỗi một ngân hàng có tiêu chí đánh giá DN nhưng quan điểm chỉ đạo của hệ thống ngân hàng là không hạ chuẩn tín dụng. NHNN sẽ chỉ đạo các NHTM cho vay trên cơ sở đánh giá DN, không câu nệ vào văn bản, làm sao để hai bên cùng chia sẻ, thông cảm lẫn nhau.

Theo Thống đốc, tại phiên họp thường kỳ tháng 3, Chính phủ nhận định mặc dù còn nhiều yếu tố có thể làm tăng lạm phát, nhưng có khả năng lạm phát cả năm 2013 vẫn có thể kiềm chế ở mức 7%. Hiện trần lãi suất huy động ngắn hạn đã giảm xuống 7,5%/năm, nên điều kiện để hạ lãi suất huy động xuống nữa không còn nhiều. Mục tiêu của nhà điều hành là tiếp tục tạo thanh khoản tốt cho nền kinh tế, tạo điều kiện cho các ngân hàng hạ lãi suất cho vay.

“Trong khoảng 2 - 3 tháng nữa sẽ đưa mặt bằng lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh xuống quanh mức 10%/năm. Các khoản cho vay cũ còn dư nợ, sẽ phấn đấu đưa lãi suất giảm xuống dưới 13%/năm” – Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.

Ông cũng đề nghị các ngân hàng thương mại, trên cơ sở điều kiện và khả năng của mình tiếp tục giảm lãi suất cho vay hơn nữa so với các mức trên, bởi thực tế huy động vốn 7,5%/năm, nếu không cho vay ra được thì ngân hàng cũng gặp khó. “Huy động như thế, cho vay ra 8%/năm vẫn còn hơn là huy động rồi gửi ở NHNN với mức lãi suất 3%/năm”.

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định, quan điểm điều hành của NHNN là dẫn dắt thị trường về thanh khoản, tỷ giá… nhằm tạo niềm tin cho xã hội, không chạy theo thị trường, bị thị trường chi phối. Do đó thời gian tới, NHNN sẽ duy trì chính sách áp dụng trần lãi suất để tiếp tục giữ vai trò là “nhạc trưởng” cho các ngân hàng thực hiện.

Dự báo, trong năm 2013, lạm phát sẽ được kiểm soát dưới mức 7%, đây sẽ là tiền đề để các ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất cho vay xuống mức thấp hơn. Tuy nhiên, chính sách lãi suất cần có độ trễ, nên lãi suất không thể giảm ngay mà trong vòng 1,5 - 3 tháng tới, mặt bằng lãi suất cho vay sản xuất - kinh doanh sẽ “rơi” xuống 9 - 11%/năm, các khoản vay cũ sẽ được đưa xuống dưới 13%/năm.

Theo Ngọc Sơn
VEF

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm