Mua hoá đơn từ doanh nghiệp “ma” để gian lận hoàn thuế?
(Dân trí) - Nói về dự án Luật quản lý thuế (sửa đổi), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Tài chính đánh giá lại các chính sách quản lý hoá đơn trong thuế VAT khi có tình trạng doanh nghiệp không xuất hoá đơn, mua hoá đơn từ doanh nghiệp “ma” để gian lận hoàn thuế và gian lận khấu trừ thuế VAT...
Sáng nay (27/8), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo một số bộ, ngành, Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật quản lý thuế (sửa đổi), dự kiến sẽ trình Quốc hội vào Kỳ họp thứ 6 tới đây.
Đề cập tới vấn đề điều tra thuế, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà - đề nghị, trước mắt chưa bổ sung chức năng này cho các cơ quan thuế để nghiên cứu kỹ hơn, lập kế hoạch thực hiện nhiệm vụ theo lộ trình nên chưa đưa nội dung này vào dự thảo Luật.
Trong quá trình xây dựng dự thảo, nhiều ý kiến cho rằng, cần mở rộng đối tượng áp dụng đầy đủ chế độ kế toán, chứng từ đối với doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ cá nhân kinh doanh và thực hiện cơ chế tự khai, tự nộp theo quy định, hạn chế việc khoán thuế. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng, trong khi các hộ, cá nhân kinh doanh chưa thực hiện được chế độ kế toán thì việc ấn định thuế, khoán thuế vẫn cần thiết.
Để tăng cường quản lý, hạn chế rủi ro tiệu cực trong ấn định thuế, thuế khoán, Bộ Tài chính cho rằng, dự thảo xác định rõ các trường hợp ấn định thuế, nguyên tắc ấn định thuế, làm rõ vai trò trách nhiệm của Hội đồng tư vấn thuế xã, phường trong khoán thuế. Mặt khác, dự thảo Luật làm rõ tiêu chí xác định các hộ, cá nhân kinh doanh quy mô nhỏ áp dụng thuế khoán để phù hợp với điều kiện thực tế trong từng thời kỳ.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Tài chính cần bảo đảm tinh thần vừa quản lý chặt chẽ việc quản lý thuế, vừa tạo thuận lợi cho các bên liên quan trong thực thi trách nhiệm, nghĩa vụ; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế để tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính, nâng cao minh bạch, năng lực quản lý; thích ứng với sự phát triển của khoa học công nghệ để quản lý thuế tốt, nhất là quản lý khu vực kinh doanh phi chính thức.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu Ban soạn thảo phải nỗ lực hơn trong thích ứng và ứng dụng các thành quả khoa học kỹ thuật vào quản lý và thu thuế. “Công nghệ đang phát triển vượt bậc, tạo ra các mô hình kinh tế số, kinh tế chia sẻ đa dạng, phức tạp và ngành thuế phải nắm bắt được xu hướng này, phối hợp với các bộ, ngành liên quan để thực hiện đầy đủ các chính sách thuế, tạo công bằng cho tất cả các đối tượng nộp thuế.” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính xem lại quy định tại Luật hiện hành về thẩm quyền xoá nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp. “Với các mức tiền phạt như hiện nay thì Bộ trưởng hoàn toàn có thể ra quyết định xử phạt, không nên dồn việc lên tận Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ chỉ nên ra quyết định miễn tiền chậm nộp với các trường hợp gặp thiên tai, hoả hoạn, tai nạn bất ngờ hay các trường hợp bất khả kháng khác.” - Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính đánh giá lại các chính sách quản lý hoá đơn trong thuế VAT (doanh nghiệp tự in hoá đơn) khi có tình trạng doanh nghiệp không xuất hoá đơn, mua hoá đơn từ doanh nghiệp “ma” để gian lận hoàn thuế và gian lận khấu trừ thuế VAT, đồng thời việc bỏ bản kê hoá đơn mua hàng tạo ra kẽ hở trong quản lý hoá đơn và tình trạng trốn lậu thuế.
“Cải cách thuế như thế nào đi nữa nhưng không thể làm méo mó bản chất chính sách thuế được.” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu.
Châu Như Quỳnh