Mùa đông tiền số và cái giá phải trả không chỉ bằng tiền của các nhà đầu tư

Hạnh Vũ

(Dân trí) - Những người bị cuốn vào cơn sốt tiền số không chỉ trải qua tổn thất về tài chính mà còn về tinh thần: mớ cảm giác tội lỗi, nuối tiếc và bất an.

*Bài viết là lời kể của Christopher Beam - một nhà báo mua tiền số lần đầu tiên vào tháng 4/2021.

Một ngày đầu năm 2021, người bạn cũ George của tôi gọi điện. Chúng tôi thường nói về hẹn hò, phim ảnh và sự nghiệp viết lách nhưng lần này cậu ấy hướng cuộc trò chuyện sang một chủ đề mới: bitcoin.

George thực sự háo hức muốn tôi tìm hiểu về tiền số, gửi cho tôi podcast có các "chuyên gia" về blockchain và những bản tin chứa nhiều biểu đồ phân tích thị trường.

Mùa đông tiền số và cái giá phải trả không chỉ bằng tiền của các nhà đầu tư - 1

Tiền số đang trải qua "mùa đông" ảm đạm (Ảnh: Coindesk).

Trong một thời gian, tôi phớt lờ lời kêu gọi gia nhập thị trường của George nhưng khi giá bitcoin tăng mạnh, cậu ấy càng thúc giục khiến tôi quyết định đầu tư vào đồng tiền số này.

Thế nhưng, một loạt cú sốc sụt giá của tiền số vào năm ngoái đã thay đổi toàn bộ cuộc trò chuyện hào hứng của chúng tôi. George xin lỗi tôi và nói rằng đó là "người mù dẫn đường cho người mù". Kể từ khi tôi mua bitcoin, nó đã mất tới 3/4 giá trị. Và chúng tôi bắt đầu tìm hiểu sâu hơn về "mùa đông tiền số" - thuật ngữ chỉ giai đoạn ảm đạm của thị trường tiền số, khi các đồng coin liên tục giảm và khó phục hồi trong thời gian dài. Cuối cùng, tôi vẫn quyết định ngừng thực hiện bất kỳ giao dịch nào từ tháng 4 năm ngoái.

George đã thuyết phục cha mẹ là người Trung Quốc nhập cư của mình cho vay 50.000 USD để đầu tư vào bitcoin. Cậu ấy giữ tiền trong tài khoản mở tại Celsius - ngân hàng tiền số nơi nhà đầu tư có thể tích lũy tiền lãi. Nhưng công ty này đã rơi vào tình trạng phá sản khiến tiền của nhà đầu tư bị đóng băng và khó có thể lấy lại được.

Có vẻ như George, giống nhiều người trong chúng ta - những người bị cuốn vào cơn sốt tiền số, không chỉ trải qua tổn thất về tài chính mà còn về tinh thần: mớ cảm giác tội lỗi, nuối tiếc và bất an.

Giá bitcoin đã tăng trở lại một chút kể từ khi chúng tôi nói chuyện nhưng nó cũng không làm tình hình đỡ tồi tệ hơn khi tiền của bạn vẫn mắc kẹt ở Celsius, mất tiền trên sàn giao dịch FTX hay nắm giữ những đồng coin vô giá trị mọc lên như nấm trong thời kỳ bùng nổ giao dịch tiền số thời điểm đại dịch.

Đối với nhiều người, tiền số thậm chí còn trở thành một đặc điểm nhận dạng, cách để cảm thấy mình thông minh, phá cách và đi đầu trong công nghệ mới. Nhưng khi thị trường đi xuống, những điều đó cũng vì thế mà dần tan biến.

Thế nhưng bất chấp những vụ lừa đảo, những vụ hack liên tục và sự sụp đổ của thị trường, George vẫn có niềm tin vào tiền số: "Tôi vẫn tin rằng blockchain là một bước phát triển mang tính cách mạng. Trong 10-50 năm nữa, tôi thực sự tin là chúng ta sẽ nhìn lại và nói rằng bitcoin là một phát minh vĩ đại".

Tại cuộc gặp gỡ ở một quán bar tại New York vào tháng 1, một nhóm người đứng thành vòng tròn tranh luận về điều đã xảy ra với tiền số. Một anh chàng đổ lỗi cho số lượng lớn nhà đầu tư "lướt sóng" trên thị trường trong khi những người khác chỉ ra sự thiếu minh bạch trong nhiều nền tảng tiền số.

Tuy nhiên, vẫn có người ôm hy vọng thị trường sẽ phục hồi trong 3-5 năm tới. Gần đó, một nhà đầu tư khác nói rằng sau khi mất tiền trong một vụ lừa đảo tiền số, anh đã kiếm lại được tất cả và nhiều hơn thế nhờ một đồng coin khác.

Mùa đông tiền số và cái giá phải trả không chỉ bằng tiền của các nhà đầu tư - 2

Một nhà đầu tư tiền số vẫn tỏ ra lạc quan dù thua lỗ không ít (Ảnh: Bloomberg).

Rich Etienne - một kỹ sư ở Florida, tuy đã mất khoảng 100.000 USD trong vụ sụp đổ của Celsius nhưng anh vẫn có cảm giác tốt về thị trường hiện tại.

Tobin Hanspal - trợ lý giáo sư tài chính tại Đại học Kinh tế và Kinh doanh Vienna (Áo), cho biết có nhiều cách giải thích khác nhau cho tâm lý vẫn có niềm tin vào tiền số của những nhà đầu tư từng thất bại. Một  trong số đó là họ trở nên ưa thích rủi ro vì cảm thấy không còn gì để mất. Hanspal nói: "Mọi người tiếp tục đầu tư vì không muốn thừa nhận thất bại hoặc đối mặt với việc mình đã phạm sai lầm".

Theo Bloomberg