Mùa dịch: Nhà hàng thua lỗ, dịch vụ trông trẻ, giao hàng lại kiếm đậm

(Dân trí) - Dịch Covid-19 đã khiến nhiều ngành điêu đứng, lâm vào tình trạng khó khăn song cũng không ít nghề vẫn "ăn nên làm ra" vào thời điểm này.

Nhà hàng sụt giảm gần chục lần vì khách Hàn không ra ngoài

Từ khi Hàn Quốc bùng phát dịch bệnh, vài ngày gần đây tại Bắc Ninh, người Hàn rất ít ra khỏi nhà để đi ăn. Lý do là vì họ không muốn bị người khác sợ hãi, giống như khách Trung Quốc trước đó.

Một số cửa hàng chuyên kinh doanh đồ ăn Hàn Quốc tại đây cũng đã ghi nhận lượng khách giảm rõ rệt . Theo đó, 80% lượng khách tại một nhà hàng ở TP Bắc Ninh đã không đến ăn từ khi có dịch. Điều đáng nói, số khách này đều là người Hàn Quốc và Trung Quốc.

Mùa dịch: Nhà hàng thua lỗ, dịch vụ trông trẻ, giao hàng lại kiếm đậm - 1

Thiệt hại có thể thấy rõ rệt qua doanh thu, vì theo chủ nhà hàng này, trước đây mỗi buổi trưa có thể thể thu được 20 triệu đồng, buổi tối nhiều hơn vài chục triệu đồng.

Nhưng hiện nay, mỗi ngày doanh thu của nhà hàng chưa tới 10 triệu đồng, doanh thu giảm 6 - 8 lần. Thậm chí, cửa hàng này còn phải cho nghỉ gần một nửa số nhân viên vì không có khách. 

Shipper kiếm tiền triệu mỗi ngày "mùa dịch"

Trong khi các nhà hàng vắng hoe do khách không ra ngoài đi ăn vì lo ngại dịch Covid-19 thì các dịch vụ gọi món trên các ứng dụng giao đồ ăn lại đắt khách. Cũng vì thế mà nhiều tài xế làm dịch vụ giao đồ ăn có thể kiếm được gần 1 triệu đồng/ngày.

Theo một chủ quán ăn trưa tại TP.HCM, bình thường mỗi ngày quán có thể bán 50-100 bát canh tại quán, giờ đây không quá nổi 15 bát. Tuy nhiên, số lượng bún bán trên các ứng dụng giao đồ ăn lại tăng lên đáng kể, trước đây chỉ khoảng 10 đơn mỗi ngày thì giờ số lượng tăng gấp 4-5 lần.

Ngoài dịch vụ giao đồ ăn thì giới kinh doanh trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử cũng "hốt" đậm nhờ vào tâm lý lo sợ tập trung nơi đám đông và cơn sốt mang tên khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn. 

Những ngày qua, hai sàn TMĐT Tiki và Lazada ghi nhận sự tăng trưởng doanh thu và sức mua của các sản phẩm bảo vệ sức khỏe. Sản phẩm bán chạy vẫn là khẩu trang y tế và dung dịch sát khuẩn tay, hai sản phẩm ghi nhận lượt mua sắm vượt trội.

Trông con nhà giàu, giúp việc thời vụ kiếm hàng chục triệu mùa dịch

Học sinh được nghỉ học dài ngày để tránh dịch bệnh Covid-19, nên nhiều gia đình phải lên mọi phương án, tận dụng mọi lực lượng cho việc trông giữ con. Không ít gia đình phải chi tiền triệu thậm chí hàng chục triệu để thuê người giữ trẻ  trong đợt nghỉ ngoài dự kiến này. 

Hiện theo khảo sát của phóng viên, chi phí thuê người trông 2 trẻ từ 7h sáng đến 6 giờ chiều lên tới 400 nghìn đồng/ngày. Chi phí cao, nhưng nhiều nơi giữ trẻ không tính theo tháng, theo tuần mà tính theo ngày, ngày nào dứt ngày đó.

Chi phí phí giữ trẻ mùa dịch không có mức giá cố định, gần như tùy thuộc vào khả năng, nhu cầu của gia đình theo kiểu "liệu cơm gắp mắm". Không ít nhà giàu chấp nhận thuê người giữ con với giá rất cao, thậm chí cả triệu đồng/ngày. 

Chị Lê Minh Hồng, sống tại một khu biệt thự ở Q.9, TP.HCM cho biết: Chi phí đến nhà giữ con trong ngày là 1 triệu đồng/ngày từ sáng đến chiều tối, bao ăn uống hai bữa trưa và sáng. Tiền thuê cũng thanh toán trong ngày, tính đến hôm nay là tròn 30 ngày, tổng hết gần 40 triệu đồng.

Chợ Ninh Hiệp nhộn nhịp, tấp nập trở lại sau những ngày dịch Covid-19

Sau nhiều ngày vắng hoe, ế ẩm vì dịch Covid-19, gần đây, nhiều quầy hàng tại chợ Ninh Hiệp , khu chợ vải lớn nhất nhì Hà Nội đã bắt đầu hoạt động trở lại.

Mùa dịch: Nhà hàng thua lỗ, dịch vụ trông trẻ, giao hàng lại kiếm đậm - 2

Chị Nguyễn Thảo (Hưng Yên) hồ hởi chia sẻ, khoảng gần 2 tháng nay chị mới trở lại Ninh Hiệp mua hàng. "Khoảng gần 1 tuần nay, lượng khách đã quay lại đông. Trước đó, tình hình thê thảm lắm, tôi phải đóng quầy, bỏ không cả tháng trời" - chị Thảo nói.

Bán cây sanh 16 tỷ đồng, đại gia Hà Nội bật khóc vì nuối tiếc

Mới đây, ông Mười (Hà Nội) đã bán cây sanh cổ “Tiên lão giáng trần” cho một người bạn với giá 16 tỷ đồng. Trước lúc chia tay tác phẩm, ông Mười đã bật khóc, còn người mua cảm thấy hạnh phúc vì sở hữu “báu vật”.

Mùa dịch: Nhà hàng thua lỗ, dịch vụ trông trẻ, giao hàng lại kiếm đậm - 3

Cây sanh “Tiên lão giáng trần” có giá 16 tỷ đồng

Cây sanh “Tiên lão giáng trần” có nguồn gốc là ngọn của một cây sanh khác, được ông Mười cắt ra và chăm sóc trong khoảng hơn 10 năm. Cây sanh này cao khoảng gần 2m, đặt trong chậu dài 1,5m, có bộ rễ đẹp, thân kỳ quái với những vết sẹo của năm tháng hằn lên, mốc trắng... .

Giới chơi cây cảnh đều cho rằng, tác phẩm “Tiên lão giáng trần” xứng đáng với số tiền 16 tỷ đồng. 

Thế Hưng