Hậu Giang:

Mua, bán cây tạp… lãi trên 100 triệu đồng/tháng

(Dân trí) - Khi người dân có nhu cầu bán cây, ông Đúng đến xem và mua nguyên vườn. Hiện nay, bình quân mỗi tháng ông Đúng bán trên 300 thước gỗ (chiều ngang 1m, cao 1m), với giá bán 800.000 - 1.700.000 đồng/thước gỗ, trừ chi phí ông còn lãi trên 100 triệu đồng.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
Đến ấp Sơn Phú 2A, xã Tân Thành, TX. Ngã Bảy (Hậu Giang) hỏi ông Dương Văn Đúng- gia đình có 3 đời mua bán cây tạp, hầu như người dân nào cũng biết. Bởi lẽ, nghề mua bán cây tạp đã hình thành từ lâu. Theo ông Đúng có 20 năm kinh nghiệm làm nghề cho biết, cách đây hơn 10 năm, người dân kêu bán cây nhiều vô số kể, nhất là những vùng sâu, xa như Hậu Giang, Cà Mau, Kiên Giang... Những vườn cây người dân kêu bán chủ yếu là vườn bạch đàn, tràm, nhãn, đước… để trồng các loại cây ăn trái như cam sành, xoài, chanh hoặc san bờ trồng lúa.

Dù trước đây không sống bằng nghề này. Tuy nhiên, qua tìm hiểu ông Đúng biết các loại cây tạp kể trên các lò than rất ưa chuộng. Thấy có đầu ra và nguồn “nguyên liệu” dồi dào, đặc biệt là buôn bán mặt hàng này không sợ bị thua lỗ, hư thối nên ông Đúng quyết định gắn bó với nghề mua bán cây tạp từ đó. Theo ông Đúng, ban đầu vốn liếng còn ít nên chỉ mua những vườn từ 50 – 100 thước gỗ là cùng. Sau 2 - 3 năm, vốn liếng nhiều lên, ông Đúng bắt đầu mạnh dạn mua những vườn gỗ tạp lớn hơn, có khi số tiền mua cây đến bạc tỷ.

Gia đình ông Đúng đã có 3 đời làm nghề bán cây tạp
Gia đình ông Đúng đã có 3 đời làm nghề bán cây tạp

Ông Đúng chia sẻ: “Nghề này cũng vất vả lắm nhưng đối với dân theo nghề này lo nhất là vốn liếng và khả năng quan sát tốt để phỏng đoán sản lượng gỗ trong vườn khi thu mua. Vừa rồi tôi mua vườn cây lớn số lượng củi lên đến 4.000 thước gỗ, tiền thu mua, thuê nhân công, chi phí vận chuyển khoảng hơn 2 tỷ đồng. Mất cả mấy tháng liền mới “thu hoạch” xong, vất vả trăm bề nhưng được cái lợi nhuận cũng cao, trừ hết mọi chi phí lãi tôi còn lãi trên 1 tỷ đồng.”

Nói về bí quyết phỏng đoán sản lượng gỗ trong vườn, ông Đúng chia sẻ thêm: “Đến vườn cây chỉ đếm số lượng những cây gỗ lớn rồi tính ra thước, quy ra tiền. Còn những cây gỗ nhỏ là phần lãi của mình, vì người dân ít quan tâm đến phần gỗ nhỏ này. Nghề này hầu như không bị thua lỗ và ít rủi ro. Thường thì mua 1 lãi 1 là chuyện bình thường. Còn những đám cây phỏng đoán lầm thì lãi chút ít”.

Gia đình ông Đúng đã có 3 đời làm nghề bán cây tạp
Nghề này không chỉ đòi hỏi sức khỏe mà cần có tính cẩn thận và quan sát tốt... Nếu không ẩn họa có thể xảy ra với người lao động

Theo ông Đúng cho biết, đối với những vườn cây tạp như bạch đàn, tràm, nhãn… khi ông bỏ ra 40 – 50 triệu đồng để mua thì ít nhất cho ra 100 thước gỗ, với giá bán hiện nay từ 800.000 – 1.000.000 đồng/thước gỗ ông đã thu về từ 80 – 100 triệu đồng. Và sau khi trừ chi phí, tiền xăng, dầu, tiền thuê nhân công bóc vác, ăn uống ông vẫn còn lời từ 35 – 40 triệu đồng. Riêng cây đước, ông Đúng lời hơn chút đỉnh so với các loại cây khác, nguyên nhân theo ông Đúng giải thích là vì giá thu cao các loại gỗ.

Hiện nay, trung bình mỗi tháng ông Đúng bán ít nhất khoảng 300 thước gỗ, chủ yếu là bạch đàn, tràm, nhãn, đước… Với giá bán từ 800.000 – 1.700.000 đồng/thước gỗ, sau khi trừ hết chi phí, ông Đúng còn lời hơn 100 triệu đồng. Tuy nhiên, hiện nay các vườn gỗ tạp cũng “cạn” dần, do vậy 1 - 2 năm trở lại đây, ông Đúng mở rộng địa bàn thu mua sang tận Cà Mau, Kiên Giang, Cần Thơ…

Gia đình ông Đúng đã có 3 đời làm nghề bán cây tạp
Ngoài phần lợi nhuận cao từ nghề mua bán cây, ông Đúng còn tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều lao động ở địa phương

“Để sống khỏe với nghề này ngoài việc đòi hỏi vốn liếng, kinh nghiệm thì vấn đề an toàn trong lao động phải được đặt lên hàng đầu. Vì thế, khi tuyển công nhân vào làm việc, không chỉ chú ý đến sức khỏe mà tôi còn quan tâm đến những người kỹ tính. Vì nghề này nếu người lao động lơ là, thiếu quan sát… là xảy tai nạn như chơi”. Ông Đúng chia sẻ.

Hiện nay mỗi tháng bán 300 thước gỗ, trừ chi phí ông Đúng còn lời trên 100 triệu đồng
Hiện nay mỗi tháng bán 300 thước gỗ, trừ chi phí ông Đúng còn lời trên 100 triệu đồng

 Bà Tân Thị Mai làm nghề mua gỗ tạp về nung làm than trên 15 năm, cùng ở ấp Sơn Phú 2A cho biết: “Gỗ được cưa ra thành từng đoạn có chiều dài 1m, sau đó vận chuyển đến lò than và được cắt đôi, còn những đoạn gỗ lớn được xẻ làm 2. Một mẻ gỗ hầm khoảng 1 tháng mới ra than. Bình quân 1 tấn gỗ  (hơn 1,2 thước gỗ) hầm sẽ cho ra 250kg than, với giá bán than đước 9.000 đồng/kg, bạch đàn, nhãn, tràm… là  6.000 đồng/kg. Như vậy với những hộ mua gỗ về làm than như bà Mai, mỗi tấn gỗ lời từ 200.000 – 300.000 đồng”. Theo ông Đúng, bà Mai muốn có lợi nhuận cao thì lựa mua những vườn cây có nhiều cây lớn. Do vậy, đối với ông Đúng, bà Mai ngoài giá trị lợi nhuận kết xù hàng năm thì họ còn giải quyết cho hàng chục lao động có thu nhập ổn định từ 150.000 – 200.000 đồng/ngày.
Nguyễn Hành – Nhân Nguyễn
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”