1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Mua ấm siêu tốc không hợp quy chuẩn, hiểm họa khôn lường

Nếu mua phải ấm siêu tốc không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không hợp quy chuẩn an toàn, nguy cơ cháy nổ cao, thậm chí đe dọa tính mạng người tiêu dùng rất cao.

Ấm siêu tốc không hợp quy bày bán tràn lan trên thị trường

Theo khảo sát của PV, trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại ấm siêu tốc được bày bán tràn lan, trong đó ấm siêu tốc không có tên nhãn hiệu, không rõ ràng nơi sản xuất chiếm số lượng lớn. Các sản phẩm này chủ yếu được bày bán trong các cửa hàng nhỏ lẻ.

Tại đây, 2 loại là ấm siêu tốc vỏ nhựa và vỏ kim loại được bày bán với giá dao động từ 100.000 đồng đến 400.000 đồng. Hầu hết các loại ấm này đều có xuất xứ từ Trung Quốc, còn nơi sản xuất ở đâu, nhà nhập khẩu là ai thì không có giấy tờ hay xác nhận nào rõ ràng.

Bên cạnh đó, bao bì sản phẩm chỉ là 1 chiếc hộp, không kèm theo phiếu bảo hành hay bất cứ giấy tờ gì liên quan. Điều đáng quan tâm là trên tất cả các sản phẩm này đều không được gắn dấu hợp quy theo quy định.

Tại cửa hàng số 28, Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm (Hà Nội), phóng viên ghi nhận tình trạng bày bán khá nhiều ấm siêu tốc các loại. Cầm 1 chiếc ấm không có nhãn hiệu, không có tên sản phẩm, chủ cửa hàng này cho biết, chiếc ấm có giá 110.000 đồng và lưu ý rằng khi đun nước xong phải nghỉ 1 lúc rồi mới được đun tiếp, nếu không ấm sẽ bị cháy.

Bày bán ở cửa hàng còn sản phẩm ấm siêu tốc khác, loại vỏ nhựa, mang hiệu Panasonic. Theo chủ cửa hàng, đây là ấm siêu tốc loại "xịn", giá 260.000 đồng/chiếc.

Qua quan sát, cả 2 chiếc ấm này đều không ghi rõ nơi sản xuất, không được gắn dấu quy chuẩn theo quy định và theo thông tin mà chủ cửa hàng cho biết, đây là hàng được nhập về từ Trung Quốc.

Đến cửa hàng số 92, Cổ Nhuế (Hà Nội) khi được hỏi mua ấm siêu tốc loại bình thường, chủ của hàng này đưa ra 1 chiếc ấm vỏ kim loại hiệu Panasonic với giá là 100.000 đồng/chiếc. Cũng với mức giá này, chủ cửa hàng 88, Cổ Nhuế (Hà Nội) cho phóng viên biết, chiếc ấm vỏ kim loại Panasonic này đang được rất nhiều người mua vì giá rẻ, dễ sử dụng.

 Ấm siêu tốc không xuất xứ rõ ràng, không hợp quy chuẩn được bày bán lẻ tẻ ở các cửa hàng
Ấm siêu tốc không xuất xứ rõ ràng, không hợp quy chuẩn được bày bán lẻ tẻ ở các cửa hàng

Khi được hỏi về quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia bắt buộc áp dụng với một số thiết bị điện và điện tử, trong đó có sản phẩm ấm siêu tốc, chủ của cả 3 cửa hàng nêu trên đều trả lời là có biết nhưng chỉ những loại ấm siêu tốc đắt tiền thì mới được gắn dấu CR theo quy định.

Điều này cũng xảy ra tương tự tại cửa hàng số 435, Cổ Nhuế (Hà Nội). Theo đó, tại đây, một chiếc mang nhãn hiệu khác là Good Grade GL 304 được bán với giá 100.000 đồng/chiếc. Chủ cửa hàng khẳng định, những loại hàng như thế 100% đều có xuất xứ từ Trung Quốc, thời gian bảo hành là 6 tháng.

Mua hàng rẻ, người tiêu dùng biết gì về các tiêu chuẩn an toàn?

Nhanh và tiện lợi là tính năng khiến người dùng rất ưa chuộng ấm đun nước siêu tốc. Với mức giá khá rẻ, chỉ từ 100.000đ đến khoảng 300.000 đ, người dùng nói sao về chất lượng sản phẩm này?

Chị Ngô Thị Xuân Hương, số nhà 92, ngõ 43, đường Cổ Nhuế (Hà Nội) cho rằng, sau khi mua 1 chiếc ấm siêu tốc vỏ kim loại hiệu Panasonic với giá 130.000 đồng, tưởng rằng mua được hàng rẻ nhưng chiếc ấm chỉ sử dụng được 5, 6 ngày thì bị cháy.

“Quả đúng là tiền nào của nấy. Tôi cũng chưa được biết tới quy định về quy chuẩn an toàn thiết bị điện và điện tử”, chị Hương nói.

Quan sát chiếc ấm của chị Hương, PV ghi nhận trên ấm không hề có nhãn mác hoặc ghi nguồn gốc xuất xứ, không có dấu xác nhận quy an toàn và cũng không có xác nhận an toàn nào khác liên quan.

Bạn Nguyễn Thị Hồng N. sinh viên Đại học Công nghiệp Hà Nội chia sẻ: “Em sinh viên không có tiền, ham của rẻ nên mua về sử dụng chứ em cũng chưa biết đến các quy chuẩn an toàn. Được một thời gian ấm hỏng thì em cũng không để tâm lắm vì em nghĩ đồ rẻ tiền nhanh bị hỏng là bình thường”.

Còn theo bạn Nguyễn Công T. sinh viên cùng trường với bạn Hồng N. cho rằng: "Có nghe qua về quy chuẩn an toàn thiết bị điện và điện tử, và biết là sản phẩm chưa hợp quy là không an toàn nên không sử dụng ấm siêu tốc không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không đảm bảo chất lượng như vậy”.

Ấm siêu tốc rẻ tiền, không có quy chuẩn an toàn, mối nguy hiểm khôn lường

Phần lớn tâm lý người tiêu dùng là muốn mua hàng rẻ để tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, nếu mua phải sản phẩm ấm siêu tốc không hợp quy chuẩn an toàn, sẽ rất nguy hiểm cho người tiêu dùng, thậm chí gây thiệt hại cả về tính mạng.

Trên thực tế, đã có rất nhiều trường hợp thiệt mạng mà nguyên nhân là do ấm siêu tốc “dởm”. Đơn cử, ngày 25/6/2016, sinh viên Trần Hoàng Hải, sinh viên năm 3, trường Đại học y dược Thái Nguyên đã bị điện giật tử vong ngay tại chỗ trong khi rút phích điện ấm siêu tốc tại phòng trọ. Trước đó, vào ngày 21/6/2016, tại Nghệ An, một cụ ông 76 tuổi cũng bị điện giật tử vong khi đang sửa ấm điện.

Theo Thông tư Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về an toàn đối với thiết bị điện và điện tử, Bộ trưởng Bộ khoa học và Công nghệ ban hành, quy định ở điều 3: Kể từ ngày 01/6/2010, các thiết bị điện và điện tử từ số 1 đến số 6 quy định tại Phụ lục của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đối với thiết bị điện và điện tử chỉ được lưu thông trên thị trường sau khi đã được chứng nhận hợp quy, gắn dấu hợp quy và đăng ký hồ sơ chất lượng theo quy định.


 Một chiếc ấm siêu tốc đã được gắn dấu Cr hợp quy chuẩn theo quy định của Bộ KH&CN

Một chiếc ấm siêu tốc đã được gắn dấu Cr hợp quy chuẩn theo quy định của Bộ KH&CN

Chúng ta không thể nào phủ nhận tính tiện ích của ấm siêu tốc. Tuy nhiên, để tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra, người dùng không nên “ham rẻ” mà mua sản phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Nên chọn những sản phẩm đã qua chứng nhận hợp quy, đã gắn dấu hợp quy theo quy định của Bộ khoa học và công nghệ. Để đảm bảo an toàn trong khi sử dụng, người dùng cần tránh cho sản phẩm ngấm nước, thận trọng khi cắm và rút phích cắm.

Theo Huyền Bùi
VietQ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm