Một tháng mất hơn nửa giá trị, tiền Venezuela “rơi tự do”

Chỉ riêng trong tháng 11, đồng Bolivar của Venezuela đã mất giá 55%.


Vào hôm 1/11, trên thị trường “chợ đen”, cứ 1.567 Bolivar đổi được 1 USD. Đến ngày 28/11, phải 3.480 Bolivar mới đổi được 1 USD - theo số liệu từ trang Dolartoday.com.

Vào hôm 1/11, trên thị trường “chợ đen”, cứ 1.567 Bolivar đổi được 1 USD. Đến ngày 28/11, phải 3.480 Bolivar mới đổi được 1 USD - theo số liệu từ trang Dolartoday.com.

Theo trang CNN Money, đây được xem là bằng chứng mới nhất về cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị và nhân đạo nghiêm trọng mà Venezuela - quốc gia sở hữu tài nguyên dầu lửa dồi dào ở Nam Mỹ - đang phải đương đầu.

Giá thực phẩm cao chóng mặt và tình trạng khan hiếm toàn quốc các mặt hàng nhu yếu phẩm đã khiến người dân Venezuela khốn đốn trong những năm gần đây. Năm nay, tình trạng này thậm chí còn trở nên tồi tệ hơn.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo lạm phát ở Venezuela sẽ lên mức 1.660% vào năm tới. Năm nay là năm thứ ba liên tiếp nền kinh tế Venezuela chìm trong suy thoái.

Vào hôm 1/11, trên thị trường “chợ đen”, cứ 1.567 Bolivar đổi được 1 USD. Đến ngày 28/11, phải 3.480 Bolivar mới đổi được 1 USD - theo số liệu từ trang Dolartoday.com.

“Đó là một đồng tiền đang hướng về phía toilet”, ông Russ Dallen, nhà tài chính thuộc công ty Caracas Capital Markets ở Miami, Mỹ, phát biểu. “Không ai muốn nắm giữ một thứ gì mất giá hơn 50% chỉ trong vòng một tháng”.

Có một vài nhân tố phía sau sự mất giá “kinh hoàng” của đồng Bolivar trong thời gian gần đây. Chính phủ Venezuela đã buộc phải bơm mạnh tiền vào hệ thống vì lượng tiền mặt trong lưu thông không đủ để người dân mua hàng hóa trong bối cảnh giá hàng hóa tăng từng giờ.

Trong mùa hè năm nay, Chính phủ Venezuela tháng nào cũng tăng số tờ tiền Bolivar trong lưu thông thêm 100% so với cùng kỳ năm trước. Sau đó, tốc độ tăng thậm chí còn được đẩy nhanh hơn. Vào giữa tháng 11 vừa qua, số tờ tiền nội tệ trong lưu thông ở Venezuela tăng 130% so với cùng kỳ 2015, theo số liệu của Ngân hàng Trung ương nước này.

Tuy nhiên, với tỷ giá đồng Bolivar sụt giảm quá nhanh, người dân Venezuela ra sức đổi nội tệ sang USD, dẫn tới khan hiếm nghiêm trọng USD. Điều này càng khiến tỷ giá đồng USD so với đồng Bolivar tăng nhanh hơn.

Giá hàng hóa ở Venezuela đã “sổ lồng” vào mùa thu năm nay khi Chính phủ dừng kiểm soát giá một số mặt hàng do tình trạng khan hiếm đã quá nghiêm trọng. Trước đó, nhiều người bán hàng đã dừng bán nhiều mặt hàng vì các biện pháp kiểm soát giá buộc họ phải bán với mức giá thua lỗ. Giờ đây, khi không còn bị kiểm soát, hàng hóa đã xuất hiện trở lại ở các quầy hàng, nhưng với mức giá “không tưởng”.

Việc Chính phủ Venezuela tăng lương tối thiểu thêm 40% mới đây cũng được xem là một nhân tố khiến đồng Bolivar rớt giá thê thảm. Chưa kể, Venezuela đã mở cửa trở lại toàn bộ biên giới với Columbia vào mùa hè vừa qua, cho phép người dân sang nước láng giềng để mua thực phẩm và thuốc men. Điều này khiến nhu cầu USD càng tăng và gây sức ép mất giá lớn hơn đối với đồng Bolivar.

Ngoài ra, việc Chính phủ Venezuela cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc tại các ngân hàng ở nước này cũng là một nhân tố khiến đồng nội tệ giảm giá “kinh hoàng” hơn.

Chính phủ Venezuela đang ở trong tình trạng thiếu tiền nghiêm trọng vì giá dầu vẫn ở mức thấp mà nước này tới hạn phải trả nhiều khoản nợ. Venezuela hiện đã trễ hạn trả một khoản nợ nhỏ và có thể chính thức vỡ nợ vào giữa tháng 12. Dầu thô là nguồn ngân sách chủ đạo của Chính phủ nước này.

Trong bối cảnh như vậy, cuộc khủng hoảng ở Venezuela chưa có dấu hiệu nào cho thấy sẽ sớm kết thúc. “Đồng tiền của Venezuela gần như chẳng còn giá trị. Đồng tiền này đang rơi tự do”, ông Siobham Morden, trưởng bộ phận trái phiếu Mỹ Latin của Nomura Holdings phát biểu.

Theo Diệp Vũ
VnEconomy