Một tập đoàn của Anh kiện doanh nghiệp Việt Nam

Interbrand Group cho rằng gần đây họ phát hiện các doanh nghiệp Việt Nam lợi dụng tên tuổi, uy tín, thương hiệu của Interbrand trong kinh doanh, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của tập đoàn này.

Hai công ty ở TP.HCM là: Cty CP Thương hiệu quốc tế (Interbrand JSC) và Cty Truyền thông thương hiệu quốc tế (Inter Brand Media Co., Ltd) đều có địa chỉ tại quận Bình Thạnh, lần lượt trở thành bị đơn trong vụ kiện liên quan tới việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ mà nguyên đơn là một công ty ở tận Anh quốc xa lơ xa lắc!.

 

Theo đơn khởi kiện gửi Toà án nhân dân TP.HCM, nguyên đơn là công ty Interbrand Group trình bày doanh nghiệp này được thành lập năm 1974, có địa chỉ tại 239 Old Marylebone Road, London NW1 5QT, Vương quốc Anh, là một tập đoàn nổi tiếng trên toàn cầu trong lĩnh vực tư vấn, quản trị thương hiệu. Interbrand có tới 1.200 nhân viên tại 36 văn phòng trải rộng trên 24 quốc gia trên thế giới. Ấn phẩm nổi tiếng nhất của Interbrand là bảng xếp hạng 100 thương hiệu mạnh nhất thế giới (The Best Global Brands), do nguyên đơn và tạp chí Business Week – một tạp chí nổi tiếng thế giới – cùng phối hợp phát hành.

 

Kiện vì xài từ “Interbrand”

 

Cũng theo nguyên đơn, tại Việt Nam, nhãn hiệu Interbrand đã trở nên quen thuộc đối với công chúng trong lĩnh vực kể từ năm 2001, thời điểm mà Interbrand Group đã thực hiện việc định giá thương hiệu cho Asia Pacific Breweries Ltd (là một bên đối tác của công ty liên doanh các nhà máy bia Việt Nam - công ty sản xuất ra sản phẩm bia Heineken và Tiger nổi tiếng tại Việt Nam). Kể từ đó, nhãn hiệu Interbrand đã tạo lập được danh tiếng ở Việt Nam qua những chuyến đi quảng cáo rộng khắp đất nước và các dự án về thương hiệu với các doanh nghiệp trong nước...

 

Interbrand Group cho rằng gần đây họ phát hiện các doanh nghiệp Việt Nam lợi dụng tên tuổi, uy tín, thương hiệu của Interbrand trong kinh doanh, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của tập đoàn này.

 

Cụ thể, công ty cổ phần Thương hiệu quốc tế sử dụng dấu hiệu “Interbrand” như là nhãn hiệu trong hoạt động kinh doanh, phương tiện quảng cáo bao gồm cả trên mạng internet; sử dụng tên viết tắt “Interbrand JSC” gây nhầm lẫn với nhãn hiệu nổi tiếng “Interbrand”; sử dụng tên miền www.interbrand.com; www.interbrandvn.com gây nhầm lẫn và vi phạm nhãn hiệu nổi tiếng “Interbrand”.

 

Còn công ty TNHH Truyền thông thương hiệu quốc tế cũng sử dụng dấu hiệu “Interbrand” như là nhãn hiệu trong hoạt động kinh doanh, phương tiện quảng cáo bao gồm cả trên mạng internet. Sử dụng tên viết tắt “Inter Brand Media Co., Ltd” gây nhầm lẫn với nhãn hiệu nổi tiếng “Interbrand” của nguyên đơn. Sử dụng tên miền www.interbrandvietnam.com; www.interbrandmedia.com; www.interbrandmedia.com.vn và www.interbrandmedia.vn gây nhầm lẫn và vi phạm nhãn hiệu nổi tiếng “Interbrand”.

 

Từ những lập luận trên, nguyên đơn yêu cầu toà án buộc bị đơn chấm dứt sử dụng dấu hiệu “Interbrand” như là nhãn hiệu hoặc là thành phần chủ yếu của nhãn hiệu trong hoạt động kinh doanh và phương tiện kinh doanh, bao gồm cả trên các phương tiện điện tử và mạng internet; chấm dứt sử dụng tên viết tắt “Inter Brand Media Co., Ltd” như đã ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đổi tên viết tắt khác để tránh gây nhầm lẫn với nhãn hiệu nổi tiếng “Interbrand”; chấm dứt sử dụng tên miền www.interbrandvietnam.com; www.interbrandmedia.com; www.interbrandmedia.com.vn và www.interbrandmedia.vn.

 

Nổi tiếng và chưa nổi tiếng

 

Đại diện Inter Brand Media Co., Ltd, ông Trương Võ Tuấn cho rằng việc cung cấp một dịch vụ chỉ cho một đơn vị nào đó tại Việt Nam không thể làm cho nhãn hiệu kinh doanh đó trở thành quen thuộc với công chúng Việt Nam. Bị đơn cho rằng nguyên đơn chưa phải nhãn hiệu nổi tiếng tại Việt Nam, do vậy việc kiện tụng của nguyên đơn là không hài hoà với lợi ích của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ với lợi ích công cộng, với những tên thương mại đã có trước ngày nhãn hiệu “Interbrand” của Interbrand Group có văn bằng bảo hộ tại Việt Nam.

 

Ông Tuấn cũng khẳng định việc công ty TNHH Truyền thông thương hiệu quốc tế viết tắt trong giao dịch là Inter Brand Meida Co., Ltd được dùng hợp pháp từ ngày 2/3/2009 tới nay. Trong khi đó, tới ngày 6/5/2010 Interbrand Group mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 146017. Do vậy, theo quy định của pháp luật thì chỉ cần Inter Brand Media Co., Ltd có tên thương mại bảo hộ trước ngày 6/5/2010 là đủ cơ sở pháp lý để yêu cầu huỷ bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ của Interbrand Group tại Việt Nam.

 

Xác định việc có coi nhãn hiệu “Interband” là nhãn hiệu nổi tiếng tại Việt Nam hay không đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình xem xét, đánh giá vụ việc này, thẩm phán Đỗ Đức Vân Hồng - TAND TP.HCM đã ký công văn gửi cục Sở hữu trí tuệ xác minh “độ” nổi tiếng của nhãn hiệu “Interbrand”.

 

Ngày 31/8/2011, cục Sở hữu trí tuệ đã có công văn số 5467 trả lời rằng nhãn hiệu “Interband” được coi là nhãn hiệu nổi tiếng tại Việt Nam theo pháp luật Việt Nam ngay từ năm 2006. Hiện TAND TP.HCM vẫn đang tiếp tục xem xét, bổ sung chứng cứ.

 

Trong khi đó, nguyên đơn tiếp tục thông qua các luật sư Việt Nam truy tìm các doanh nghiệp “ăn theo” sự nổi tiếng của mình. Mới đây nhất, đại diện của Interbrand Group phát hiện công ty cổ phần Thương hiệu quốc tế có địa chỉ tại Hà Nội cũng đăng ký và sử dụng tên miền www.interbrand.com.vn trùng với nhãn hiệu nổi tiếng “Interbrand”. Hiện Interbrand Group đang tiến hành các biện pháp cần thiết để giải quyết vụ việc này tại Hà Nội.

 

Không dễ!

 

Vụ kiện của Interbrand Group đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về những vụ kiện sắp tới có thể nảy sinh giữa chủ sở hữu của những thương hiệu/nhãn hiệu nổi tiếng đối với những doanh nghiệp trong nước.

 

Đơn kiện của Interbrand Group đã được Toà án nhân dân TP.HCM thụ lý theo văn bản số 675/2010/KDTMST ngày 18/8/2010. Nếu được công nhận là nhãn hiệu nổi tiếng tại Việt Nam thì chủ sở hữu sẽ có rất nhiều thuận lợi trong quá trình bảo vệ quyền của mình liên quan đến nhãn hiệu nổi tiếng, để chống lại các hành vi xâm phạm do phạm vi bảo hộ của nhãn hiệu nổi tiếng là rộng hơn, cũng như việc phát sinh quyền không phụ thuộc vào thủ tục đăng ký theo Công ước Paris.

 

Vụ án đặt các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đứng trước những vấn đề cần giải quyết/phán xử mà ngay cả những người trong cuộc cũng không hẳn đã có kinh nghiệm. Đó là việc xem xét đánh giá phạm vi bảo hộ của nhãn hiệu nổi tiếng, từ đó áp dụng cho việc giải quyết các yêu cầu của nguyên đơn đề nghị xác định hành vi sử dụng yếu tố “Interbrand” như nhãn hiệu là hành vi xâm phạm, việc sử dụng tên thương mại/tên viết tắt tiếng Anh/tên trong đăng ký kinh doanh có chứa yếu tố của nhãn hiệu nổi tiếng, cũng là hành vi xâm phạm và có thể dẫn đến việc phải đổi tên.

 

Ngoài ra, rắc rối cũng nảy sinh đối với hành vi vi phạm (nếu được toà án xác định) đối với việc đăng ký, sử dụng tên miền cấp cao dùng chung “.com”, bởi khi đó toà án sẽ phải xác định việc đăng ký, sử dụng tên miền quốc tế này có vi phạm pháp luật Việt Nam hay không. Và nếu phán quyết được tuyên thì cơ chế thực thi thế nào bởi cơ quan quản lý tên miền cấp cao dùng chung là ICAAN, một tổ chức phi chính phủ có trụ trở tại Mỹ.

 

Vụ việc, mặc dù chưa được phán xử nhưng cũng cho thấy trong quá trình hoạt động kinh doanh trong thời toàn cầu hoá như hiện nay thì các hành vi vi phạm, lợi dụng uy tín, thương hiệu nổi tiếng (nếu có) cũng sẽ rất dễ bị phát hiện. Và nếu doanh nghiệp nào đó có ý định này cũng sẽ phải đối diện với những rủi ro rất lớn đến từ những vụ kiện với một bên thường là các tập đoàn, công ty toàn cầu với tiềm lực tài chính, pháp lý hùng hậu, sẵn sàng đi đến cùng để bảo vệ quyền lợi của mình.

 

Do vậy, bài học từ lâu vẫn không thừa là phải luôn sáng tạo và đi trên đôi chân của chính mình.

 

ThS. LS Lê Xuân Lộc

 

Theo Sơn Phương

SGTT