Một loạt doanh nghiệp điện tử bị hải quan đòi truy thu thuế trong 5 năm

(Dân trí) - Cơ quan hải quan yêu cầu truy thu các doanh nghiệp điện tử toàn bộ số tiền thuế chênh lệch trong 5 năm liên quan tới mặt hàng điều hoà không khí dạng âm trần (cassette).

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam vừa có đơn kiến nghị gửi lên Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2015, các doanh nghiệp đều được Chi cục kiểm tra sau thông quan thành phố Hải Phòng mời đến làm việc và yêu cầu truy thu toàn bộ số tiền thuế chênh lệch trong 5 năm liên quan tới mặt hàng điều hoà không khí dạng cassette.

Nguyên nhân phía cơ quan hải quan đưa ra là mặt hàng này phải được phân lại nhóm theo mã HS 8415.10, thay vì nhóm 8415.81/82 được phân loại trong nhiều năm trước đó.

Tuy nhiên, nhóm các doanh nghiệp điện tử cho rằng: “Việc một mặt hàng được nhiều doanh nghiệp nhập khẩu được hải quan chấp nhận thông quan tại nhiều cửa khẩu trong thời gian dài cùng một mã HS code mà đến sau 5 năm cơ quan hải quan lại nói doanh nghiệp sai thì chúng tôi thấy không đúng”.

Theo đó, các doanh nghiệp cho rằng, việc áp lại mã HS và truy thu thuế cho các lô hàng đã thông quan là “không thoả đáng”.

Bên cạnh đó, các lô hàng được nhập khẩu, kinh doanh trong nhiều năm, các doanh nghiệp đã hạch toán lỗ lãi, nộp thuế và quyết toán thuế. Phần lãi lỗ đã chia hết cho các cổ đông, do đó, nếu bị truy thu các doanh nghiệp lo ngại sẽ gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới.

Trong bản giải trình cụ thể, doanh nghiệp trong hiệp hội cũng cho rằng, theo Biểu thuế Xuất nhập khẩu 2015, hoàn toàn có đủ cơ sở để không phải đưa mặt hàng điều hoà không khí casset vào phân nhóm khác.

“Tất cả các hãng điều hoà không khí tại Việt Nam và quốc tế đều áp mã 8415.81/82. Việc tất cả các hãng trong một thời gian dài đều áp một mã HS cho sản phẩm này cho thấy, văn bản của Bộ Tài chính đã được lý giải theo cùng một cách hiểu. Cán bộ chuyên môn của cơ quan hải quan như cán bộ thông quan, tham vấn, sau thông quan cũng hiểu theo đúng cách hiểu ấy”, giải trình của một doanh nghiệp cho biết.

Phương Dung

Một loạt doanh nghiệp điện tử bị hải quan đòi truy thu thuế trong 5 năm - 2