Một giờ với tỉ phú Mỹ và chuyện người giàu Việt Nam
1. Tháng 5, mười giờ sáng New York vẫn còn ngai ngái lạnh. Khi chúng tôi đến Forbes Building trên đại lộ Fifth Avenue để gặp tỉ phú Steve Forbes, Tổng biên tập kiêm chủ bút tạp chí Forbes, ông đã đợi chúng tôi ngay lối vào, dưới chân cầu thang.
Người bảo vệ đưa cho mỗi người một thẻ khách mời, thế là xong, không có kiểm tra an ninh nghiêm ngặt với máy soi, chụp ảnh tại chỗ như khi ra vào các cơ quan khác của chính phủ và các tập đoàn. Người Mỹ có thói quen mời khách vào phòng họp chờ, uống trà hay cà phê trước khi nhân vật gặp gỡ chính đến.
Nhưng Steve Forbes không như vậy. Tự ông dẫn chúng tôi lên lầu 1, giải thích cặn kẽ từng bức tranh treo dọc hành lang. Và khi vào phòng khách, những đồng sự của ông cùng tiếp chúng tôi đã có mặt ở đó.
Steve Forbes khá cởi mở. Dường như ông biết chúng tôi đang rất phấn khích với kết quả tốt đẹp của vòng đàm phán cuối Việt - Mỹ về việc Việt Nam gia nhập WTO. Câu đầu tiên của ông: “Chúc mừng các bạn. Các bạn đang ở một thời điểm đáng nhớ”.
Tim W. Ferguson, Tổng biên tập Forbes Asia, một ấn bản của Forbes chuyên về châu Á, tiếp lời Steve Forbes bằng cách đưa ra một số Forbes Asia xuất bản cách đó ba năm về Việt Nam. “Chúng tôi chuẩn bị những bài viết mới, chuyên đề mới về Việt Nam”, Tim Ferguson nói.
Và ông bắt đầu kể về chuyến thăm Hà Nội hai năm trước với một nhận xét hóm hỉnh rằng thủ đô Việt Nam có nhiều nhà ống 4-5 tầng, giá trị tính bằng hàng trăm cây vàng. Ông hỏi: “Nhà ở Việt Nam còn được mua bán bằng vàng không? Có thanh toán qua ngân hàng không?”. Rồi bất ngờ, ông quay sang hỏi đại diện của Ngân hàng Nhà nước cùng đi trong đoàn về khả năng niêm yết của các ngân hàng, chuyện xử lý nợ xấu.
Trong khi đó Steve Forbes tỏ ra quan tâm tới những tin tức về thị trường chứng khoán, về sự đầu tư gián tiếp của người nước ngoài. Ông nói một cách nhiệt thành về flat tax, mà nội dung cơ bản là áp dụng một mức thuế như nhau cho tất cả mọi người.
Ông là người khởi xướng cho thuyết về thuế này, đã từng xuất bản những cuốn sách về nó và ý tưởng của ông đã được không ít nước áp dụng. Ông hỏi về thuế thu nhập doanh nghiệp ở Việt Nam và ngạc nhiên khi biết nó thấp hơn thuế thu nhập doanh nghiệp của Mỹ (Việt Nam 28%, Mỹ 35%).
Forbes là tạp chí chuyên về kinh doanh hàng đầu của Mỹ với số phát hành lên tới 1 triệu bản/kỳ, do ông nội của Steve Forbes thành lập năm 1917. Cập nhật thông tin về công nghiệp, công nghệ, khoa học, tiếp thị, đầu tư và những lĩnh vực khác trong nền kinh tế toàn cầu, Forbes đạt doanh thu quảng cáo tới 250 triệu đô la Mỹ/năm.
Steve Forbes không một lời nào giới thiệu về ấn phẩm của ông với chúng tôi. Tất cả những gì tôi biết được về mảng truyền thông của ông là do các luồng thông tin khác nhau ập đến trong những ngày ở Mỹ. Ông đề cập nhiều đến kinh tế Việt Nam, nhưng không phải những vấn đề vĩ mô, mà là những câu chuyện dường như tiểu tiết, như chuyến viếng thăm Hà Nội của Bill Gates.
Ngày hôm sau khi trở lại Forbes Building để làm việc với Deborah Orr, biên tập viên kỳ cựu của tờ Forbes Global, chuyên về khu vực Bắc Á, bà tranh thủ “khai thác” một cách chuyên nghiệp ở chúng tôi câu trả lời về cách thức nước ngoài đầu tư vào thị trường chứng khoán, về triển vọng mà các nhà đầu tư Mỹ có thể tìm thấy ở thị trường bất động sản Việt Nam. Tôi đã dẫn chứng Indochina Capital, quỹ đầu tư của Mỹ trong vòng 10 năm đã bỏ vào Việt Nam gần 1 tỉ đô la Mỹ và họ đang khá thành công.
Ở Steve Forbes không có vẻ năng động, bận rộn đến choáng ngợp mà cánh nhà báo vẫn thường hình dung về chủ bút những tờ nổi tiếng. Ông điềm tĩnh và chuyển chủ đề nói chuyện rất nhanh với những đối tượng khác nhau trong cùng bàn mà câu chuyện lại luôn gắn kết ở một điểm nào đó. Sự lôi cuốn trong cách tiếp xúc của ông bắt đầu từ đây.
Chúng tôi quên một giờ đã trôi qua. Và không ai nhớ phải chụp ảnh, dù máy ảnh đã được chuẩn bị sẵn. Chỉ đến khi ra về, đi được một quãng đường, tôi mới ngớ ra chưa chụp một tấm hình nào của ông. Thế là phải nhờ gọi điện lại cho ông, quay lại chụp hình. Steve Forbes đang bận một cuộc họp khác, song ông vẫn vui vẻ đợi chúng tôi quay lại.
Những tấm ảnh chụp vội không sinh động lắm, nhưng cũng đủ mang dấu ấn một cuộc gặp gỡ không dễ quên. Sau này thỉnh thoảng tôi nhớ lại những tờ báo cũ của Pháp, Đức ra đời từ thế kỷ 19 được Steve Forbes lưu giữ như cổ vật trong bảo tàng báo chí của ông, nhớ lại câu hỏi của ông về chuyện bao giờ Việt Nam có những doanh nhân tỉ phú và họ sẵn sàng công khai sự giàu có ấy trên trang báo.
2. Một người quen. Anh vốn là sinh viên khoa Toán Cơ, Đại học Tổng hợp Lô-mô-nô-xốp (Moskva). Bảo vệ xong luận án tiến sĩ, về nước đầu những năm 1990, mấy tháng đầu tiên cũng thất nghiệp. Sau may mắn thế nào, lại tìm được chỗ làm ở FPT. Thời đó, xe máy trên đường sá Hà Nội đã nhiều, nhưng anh đi xe đạp. Ngày hai lần đi về, có bữa với cặp lồng cơm.
Một lần, anh kể chuyện giọng tỉnh bơ rằng cứ hai tháng, anh tiết kiệm được một chỉ vàng. Chắc phải mấy chục năm nữa mới mua được một căn hộ trong khu năm tầng nào đó ở thủ đô. Thế nên, anh ở nhà thuê dài dài. Thỉnh thoảng buổi tối ngủ ngay trong công ty, trên bàn làm việc.
Dễ đến 10 năm không nghe tin anh. Đùng một cái Công ty FPT lên sàn. Mở cáo bạch, thấy anh sở hữu đến nửa triệu cổ phiếu công ty. Tính theo giá niêm yết trên thị trường chứng khoán, anh đang có trong tay 200 tỉ đồng.
Bạn bè anh ở lớp chuyên toán Đại học Tổng hợp Hà Nội hồi trước rỉ tai nhau: “Ối trời, tay đó giàu nhất lớp”. Mà thế thật! Một số thành viên lớp cũ từng buôn bán, lập công ty kinh doanh ở châu Âu, tài sản lận lưng cũng chỉ 5-6 triệu đô la Mỹ, chưa sánh được với anh.
Bây giờ anh thuộc tầng lớp người giàu. Sự tăng trưởng kinh tế, sự lớn dậy của thị trường chứng khoán đã sản sinh ra không ít triệu phú đô la và tỉ phú tiền đồng. Ông Trương Gia Bình, Tổng giám đốc FPT, chẳng hạn, hiện nắm trong tay hơn 5 triệu cổ phiếu công ty, trị giá hàng ngàn tỉ đồng.
Những người giàu được thị trường chứng khoán điểm tên, hầu hết mê công việc, làm việc tối ngày. Nhân viên của Ngân hàng Á Châu (ACB) hiếm khi nào thấy Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trần Mộng Hùng rời khỏi hội sở trước 17-18 giờ. Hàng ngày ông họp hội đồng tín dụng, xem xét từng trường hợp vay tiền. Những văn bản cần có ý kiến hội đồng quản trị thường được ông trả lại sau 30 phút chuyển lên.
Có lẽ ông không cần phải làm việc nhiều như thế, khi mà ACB có một đội ngũ lãnh đạo khá chuyên nghiệp, năng lực và kinh nghiệm. Nhưng “đồng tiền liền khúc ruột”, kinh doanh ngân hàng phải sát sao, minh bạch và chặt chẽ. Vị chủ tịch cùng gia đình sở hữu 11,4% cổ phiếu ACB, ngân hàng có giá trị vốn hóa thị trường 1,7 tỉ đô la Mỹ, đang suy tính khi đề cập chuyện xây trụ sở mới của ngân hàng.
Ông băn khoăn hơn 80% dân số Việt Nam, so với thu nhập đầu người của các nước khu vực, vẫn còn nghèo. Nếu ACB xây trụ sở khang trang, cửa kính sáng loáng, cao tầng, liệu những người bình dân có chịu giao dịch với ngân hàng? Sự thận trọng và lo xa của ông hẳn không thừa. Vì thế trong phòng họp của ACB, những bức ảnh tòa nhà trụ sở ngân hàng được thiết kế rất đẹp, nhưng mãi chưa thấy khởi công.
Nếu giở bản cáo bạch của các công ty niêm yết trên sàn hiện nay, người ta có thể lập một danh sách những người mà giá trị tài sản cá nhân tính bằng cổ phiếu lên đến hàng trăm tỉ đồng.
Đấy mới chỉ trong phạm vi những doanh nghiệp niêm yết. Còn nhiều những người giàu khác, những nhà đầu tư khác ẩn chìm trong lớp sóng chứng khoán hôm nay. Bởi lẽ không ít người giàu không ưa công khai tài sản của họ, bởi cái nhìn của xã hội đối với người giàu vẫn còn điều gì đó nghi ngại.
Tuy nhiên, với sự hội nhập, biết đâu chỉ vài năm nữa, trong danh sách những tỉ phú đô la của khu vực, của châu Á, của thế giới sẽ có những cái tên Việt Nam!
Theo Hải Lý
Thời báo Kinh tế Sài Gòn