Một dự án kinh doanh VN được đề cử giải "The World Challenge" đài BBC
(Dân trí) - Herbal Healing, dự án phát triển nguồn dược liệu Sapa của chị Đỗ Thị Thu Hà là dự án duy nhất của Việt Nam hiện đang nằm trong Top 12 dự án được đề cử giải “The World Challenge” của đài BBC. Ngày 17/11 tới đây là kết thúc thời gian bình chọn ra 1 giải nhất.
Chủ nhân dự án vốn là một cán bộ điều phối dự án cải cách phát triển dược liệu Sa Pa, sau nhiều năm gắn bó, chị đã quyết định thành lập công ty nhằm thương mại hóa các sản phẩm thuốc đồng thời mở ra cơ hội đổi thay cho cuộc sống người dân bản địa. Đó là Đỗ Thị Thu Hà, người mà đồng bào dân tộc ở Sa Pa vẫn gọi là Hà Thảo dược…
Từ một cán bộ dự án… Vì hình ảnh một dự án vô cùng ý nghĩa của Việt Nam, vì những cây thuốc quý đang ngày đêm được bảo tồn phát triển, vì những người nông dân ở Sa Pa, chúng ta hãy cùng bình chọn cho “Herbal Healing” trên website http://theworldchallenge.co.uk
/voteform.php.
Đỗ Thị Thu Hà sinh năm 1976 trong một gia đình công chức tại Hà Nội, tốt nghiệp Đại hoc Tổng hợp Hà Nội ngành bảo tồn thực vật, Hà vào làm việc cho tổ chức phi chính phủ của Anh mang tên: Khám phá môi trường (Frontier).
Năm 2002, chị được chỉ định làm cán bộ điều phối dự án mang tên: “Dự án cải cách phát triển dược liệu Sa Pa” do Quỹ phát triển quốc tế New Zealand và EU tài trợ.
Đây là dự án nhằm hỗ trợ sự phát triển bền vững sinh kế của các dân tộc thiểu số tại huyện Sa Pa (Lào Cai). Dự án còn nhằm mục đích khuyến khích việc bào tồn các loài cây thuốc có nguy cơ bị tuyệt chủng mà các hộ gia đình dân tộc có thể trồng được tại Sa Pa.
Có 5 loài được chọn để nghiên cứu trong danh sách hơn 800 loài cây thuốc bản địa. Sau 3 năm thực hiện, dự án đã thu được nhiều kết quả hết sức khả quan. Những cây xưa kia chỉ là hoang dại có nguy cơ bị tuyệt chủng, đến nay đã trở thành những cây trồng cho thu nhập gấp ba lần các cây truyền thống.
Những cây thuốc đã được nhân giống thành công tại đây là: cây Chùa dù; Bình vôi nhị ngắn; Ngũ da bì gai (được liệt trong Sách đỏ Việt Nam) và cây Sì to.
Chị Hà nhấn mạnh: “Điều thành công nhất của dự án là những nghiên cứu khoa học đã chứng minh những loài cây này có tác dụng chữa được các bệnh đang rất phổ biến của xã hội phát triển như: Trầm cảm; bệnh hay quên và đặc biệt củ của loại cây Bình vôi đã được chứng minh có tác dụng chữa bệnh ung thư da và bệnh tiểu đường tuýp 2.
Dựa án đã đăng ký bằng phát minh sáng chế quốc tế cho Cộng đồng ở Sa Pa cho loại cây thuốc có thể ngăn ngừa tế bào ung thư da (được thử nghiệm để chứng minh trên khoa học tại Viện nghiên cứu Cawthron và Phòng hoạt tính sinh học trường đaị học Otago, New Zealand). Nếu các nghiên cứu khoa học khẳng định điều này thì đây có thể là một bước ngoặt lớn đối với cộng đồng người dân tại Sa Pa.
Chị Đỗ Thị Thu Hà (thứ 2 từ trái sang) bên đồng bào thiểu số và các nhà làm phim quốc tế. |
Do mang lại hiệu quả kinh tế gấp 3 lần những cây trông khác nên bà con đồng bào các dân tộc thiểu số ở đây hưởng ứng rất nhiệt tình. Từ đó, Hội cây thuốc bản địa Sa Pa (SIMPA), một hội các hộ nông dân và những nhà bảo tồn có chung mục tiêu bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu cổ truyền đã ra đời. Hội đã tiến hành các hoạt động thương mại như tổ chức sản xuất, chế biến và chiết xuất tinh dầu cũng như tiếp thị sản phẩm đồng thời thiết lập quyền sở hữu trí tuệ do dự án nước ngoài, đào tạo kỹ năng làm việc theo nhóm, theo kế hoạch trồng, hái, sản xuất .v.v. cho cộng đồng
Điểm đặc biệt của dự án thể hiện ở quan điểm bất cứ nguồn thu nhập nào có được từ quyền sở hữu trí tuệ sẽ được dùng để mang lại lợi ích cho nhiều dân tộc thiểu số của huyện Sa Pa thông qua hoạt đông của một quỹ cộng đồng.
… đến nữ giám đốc công ty
Sau nhiều năm làm công tác bảo tồn, chị nhận thấy phải làm cách nào kết hợp được lợi ích của những người dân sống trong vùng với các nhà bảo tồn thì dự án mới bền vững được. Từ đó Đỗ Thị Thu Hà đã xây dựng kế hoạch thành lập công ty nhằm thương mại hoá các sản phẩm từ dự án.
Năm 2005, Công ty TNHH Thảo Dược Sa Pa chính thức ra đời do chị làm giám đốc. Doanh nghiệp thành lập vì 2 mục đích: bảo tồn cây thuốc quý và tăng thu nhập cho người nông dân ở Sa Pa.
Từ đây đã mở ra rất nhiều cơ hội cho việc phát triển thị trường sản phẩm ra nước ngoài. Hiện nay, công ty đang tiến hành tìm một số đối tác để đưa sản phẩm từ việc trồng cây thảo dược ra các nước như: Australia, New Zealand, Nhật, Hàn Quốc…
Ngay sau khi bản quyền được đăng kí, một số công ty sản xuất dược phẩm của nước ngoài đã đến đặt vấn đề mua bản quyền để sản xuất với quy mô lớn. Theo chị Hà, việc thương mại hoá là giai đoạn tiếp theo của dự án nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân bản địa, đồng thời đây cũng là biện pháp bảo tồn có hiệu quả nhất.
SEED là chuỗi giải thưởng quốc tế nhằm khuyến khích các doanh nghiệp địa phương, các cộng đồng, các công ty và các đối tượng khác gia nhập đội ngũ các đối tác của phát triển bền vững.
Các đối tác của Sáng kiến SEED hiện nay bao gồm Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN), Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP), Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), Chính phủ Hoa Kỳ, Chính phủ các nước Đức, Hà Lan, Nam Phi, Anh. |
Nhờ sự nỗ lực phấn đấu tham gia thực hiện dự án, mới đây Công ty TNHH Thảo Dược Sa Pa, đã vinh dự đón nhận giải thưởng cao quý Hỗ trợ Doanh nghiệp vì môi trường và phát triển (SEED) toàn cầu 2007 - đây là 1 trong 5 giải thưởng được chọn trong số hơn 230 ứng cử viên từ hơn 70 nước.
Gần 10 năm lặn lội với cây thuốc trong khắp rừng núi Bắc và Trung bộ, Hà tin rằng trong tương lai không xa, mô hình trồng và chế biến cây thảo dược cho đồng bào miền núi sẽ không chỉ dừng lại ở Sa Pa mà còn có thể nhân rộng ra cả miền núi phía Bắc. Lúc đó, đời sống của người dân miền núi sẽ có nhiều đổi thay hơn nữa.
Thái Bình