Một đề bài sử dụng gói hỗ trợ khó khăn

Chính phủ quyết định chi gói trợ cấp tổng cộng 3.100 tỉ đồng trong năm nay cho những đối tượng khó khăn, thu nhập thấp.

Chưa có thống kê đầy đủ, nhưng từ mức chi bình ổn giá của Hà Nội và TPHCM cũng có thể ước tính hàng ngàn tỉ đồng nữa sẽ được ngân sách các địa phương tung ra nhằm chia sớt gánh nặng lạm phát đang tăng lên từng ngày của đại đa số dân chúng vốn chỉ mới vượt qua ngưỡng nghèo đói.

Một đề bài sử dụng gói hỗ trợ khó khăn - 1
Hộ nghèo trên cả nước cũng được nhà nước hỗ trợ tài chính (ảnh minh họa: SGTT)

Chính phủ cũng đang trù tính một gói hoãn thuế thu nhập doanh nghiệp lên đến hàng ngàn tỉ đồng nữa cho phần đông các doanh nghiệp Việt Nam hãy còn ở dạng doanh nghiệp nhỏ hoặc siêu nhỏ.

Nhiều hơn thế, một nguồn tin chưa được kiểm chứng cho hay, các cơ quan chuyên môn của Chính phủ cũng đang xem xét khả năng giảm thế thu nhập doanh nghiệp xuống mức 20%, thay vì 25% như hiện nay. Cả chục ngàn tỉ đồng như vậy nhằm hỗ trợ cho những đối tượng dễ tổn thương nhất với khó khăn của nền kinh tế.

Có thể nói, những cố gắng nói trên là một hành động mạnh mẽ trong bối cảnh giá cả tăng ngất ngưởng, lãi suất ngân hàng đang có nguy cơ làm thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, túi tiền của Nhà nước đang ở trong tình trạng chi nhiều hơn thu, dự trữ ngoại tệ đang mỏng dần theo mức thâm hụt thương mại chưa có cách khắc phục.

Nhưng cả chục ngàn tỉ đồng ấy trong bối cảnh sức ép lạm phát đang yêu cầu thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ, kiểm soát chặt chẽ cung tiền là một thách thức không nhỏ.

Ý muốn hỗ trợ cho người khó khăn rất tích cực, nhưng nếu xử lý không thích hợp có thể trút lên nền kinh tế gánh nặng luẩn quẩn của lạm phát. Kinh nghiệm của việc thực hiện chủ trương hỗ trợ lãi suất vào năm 2009, theo các chuyên gia, đã góp phần tăng thêm cung tiền vốn là nguyên nhân cơ bản của lạm phát.

Chưa kể, từ trong quá trình thực hiện chủ trương hỗ trợ đó, cũng có ý kiến chuyên gia phân tích tới khả năng chúng ta lại đang sử dụng những đồng thuế chắt chiu của người dân đi kích cầu hàng ngoại vốn đang tràn lan, nhất là hàng Trung Quốc giá rẻ vốn đang tiếp cận tận cửa thị trường của người nghèo.

Nhu cầu được hỗ trợ của người nghèo, người thu nhập thấp là có thật, và cũng cấp bách. Nhưng nền kinh tế đứng trước thách thức gia tăng hiệu quả, cắt giảm các động cơ làm méo mó thị trường, làm giảm nhập siêu, tạo lập một nền tảng vĩ mô ổn định cũng đòi hỏi mỗi công cụ tác động của Nhà nước phải cân nhắc đến hiệu ứng nhiều mặt của nó.

Tình thế đặt ra đề bài, nếu cả chục ngàn tỉ đồng rất nên, rất đáng, phải chi để hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn ấy làm được công cụ thúc đẩy tiêu dùng hàng Việt Nam, tạo ra động lực cho các nhà sản xuất trong nước vượt qua khó khăn, giải toả gánh nặng nợ nần, bảo đảm công ăn việc làm, bảo đảm thu nhập của người lao động, tái cơ cấu lại hoạt động, nâng cao tỷ lệ nội địa hoá, tăng cao giá trị gia tăng trong nước. Đề bài ấy buộc phải loại bỏ khả năng sử dụng đồng tiền thuế chắt chiu để mua sắm hàng ngoại, dồn đẩy nền sản xuất vào thế cạnh tranh ngày càng bất lợi.

Đề bài ấy từng có cách giải trong kinh nghiệm các nước khi họ đứng trước khó khăn. Nó buộc các nhà làm chính sách và thực thi chính sách phải khởi động năng lượng từ “lòng yêu nước kinh tế” mà cuộc vận động thực hiện chủ trương “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Bộ Chính trị đã gầy dựng từ những năm qua.

Giải được đề bài ấy, có thể nói, những đồng tiền hỗ trợ hãy còn hết sức nhỏ nhoi kia cũng có thể có sức mạnh “châu chấu đá xe” của tinh thần yêu nước truyền thống của người Việt.

Theo Tân Dân
Báo SGTT