Một công ty bị lừa mất 15 tỷ đồng qua mạng
Một công ty Việt Nam lại vừa bị mất trắng gần 15 tỉ đồng trong một thương vụ mua bán qua mạng Internet được gài bẫy rất tinh vi. Đây là lỗi hết sức “cổ điển” mà một công ty khác đã từng phải trả giá gần 400 triệu đồng cách đây hai năm.
Dụ dỗ
Đầu năm 2006, thông qua công ty môi giới, một doanh nghiệp tư nhân Việt Nam (tạm gọi là X) đã ký hợp đồng mua nguyên liệu (đã qua sử dụng) của một công ty nước ngoài với giá rất hời. Phía môi giới cho biết đã gặp người bán nhiều lần và khẳng định đó là một công ty có tên tuổi, làm ăn đứng đắn.
Theo hợp đồng quy định, người bán sẽ có một chứng thư bảo lãnh thực hiện (performance bond) với trị giá 2% do ngân hàng hàng đầu của họ cấp. Phía môi giới cam kết họ sẽ chịu trách nhiệm về việc này và thậm chí sẽ bay sang “bển” để kiểm tra hàng trước khi tàu chở về Việt Nam. Tin lời, doanh nghiệp X vội vàng cho mở L/C để triển khai ngay thương vụ.
Tới hạn giao hàng, bên X càng yên tâm khi được người bán thông báo những chi tiết đầy đủ không thể chê vào đâu được như: tên hàng; số lượng; tên tàu và hãng tàu; tên đại diện hãng tàu tại cảng đến để chuẩn bị tiếp nhận con tàu; ngày dự kiến tàu ra khơi tại cảng giao hàng; ngày dự kiến tàu đến cảng...
Đồng thời, họ nhận được của bên bán gửi một bộ chứng từ “hoàn hảo” gồm hóa đơn; vận đơn; biên bản giám định của SGS tại cảng đi; bản sao điện thông báo giao hàng; bản sao hóa đơn của công ty chuyển phát nhanh xác nhận bên bán có gửi một bộ chứng từ không có giá trị thương mại cho người mua để chuẩn bị làm việc với ngân hàng của mình và nhận bộ chứng từ gốc đi lấy hàng khi tàu cập cảng... Trong khi đó, ngân hàng người bán cũng chuyển bộ chứng từ gốc cho ngân hàng người mua để yêu cầu chuyển tiền thanh toán.
Nhận được bộ chứng từ gốc, ngân hàng kiểm tra thấy không có sai sót gì so với điều kiện L/C đã mở. Để chắc ăn, ngân hàng có hỏi ý kiến của người mua và được người mua chấp nhận thanh toán! Gần một triệu USD (trị giá gần 15 tỉ đồng) theo đó được chuyển cho người bán với một thủ tục chặt chẽ.
Chuyến tàu mất tích
Nhưng tiền đã trao mà đến hạn chẳng thấy tăm hơi hàng đâu cả. Người mua sốt ruột hỏi đại diện hãng tàu ở cảng về thì được biết đại diện hãng tàu ở cảng đi thông báo là tàu hỏng máy nên chậm ra khơi.
Vài ngày sau, đại diện hãng tàu lại thông báo tiếp là tàu đã ra khơi nhưng điện thoại của thuyền trưởng bị hỏng, chưa liên lạc được. Rồi lại nhận được thông báo rằng khi tàu đến tọa độ gần một hòn đảo lớn của ta bị hỏng máy và có điện xin vào sửa chữa, cảng vụ ở đây cũng nhận được điện này nhưng không thấy tàu vào... Chuyến hàng biệt tăm luôn từ đó!
Cả người mua lẫn đại diện hãng tàu lúc này cuống cuồng liên hệ với người bán và đại diện hãng tàu tại cảng đi theo số điện thoại bàn, cầm tay, mail, fax đã được cho trong giao dịch và đã từng giao dịch nhưng tất cả đều tắt ngóm!
Khổ cho người mua, một doanh nghiệp tư nhân gom góp bấy lâu nay mới có được một thương vụ lớn thì nay mất sạch gần như cả tài sản! Khi vụ việc vỡ lở, người môi giới mới thú thật rằng họ tìm được người bán và liên lạc với người bán chỉ thông qua mạng Alibaba.com.
Bài học
Người mua đã phạm phải một loạt sai lầm như sau:
Sai lầm lớn nhất là đã quá cả tin. Đây là lỗi hết sức “cổ điển” mà một công ty Việt Nam từng phải trả giá gần 400 triệu đồng cũng trong một giao dịch qua mạng Internet cách đây hai năm.
Tương tự như vậy, trong phi vụ này chưa hề kiểm tra “giò cẳng” đối tác ra sao, mới chỉ nghe qua lời quảng cáo ngon ngọt của phía môi giới, doanh nghiệp X đã vội vàng ký hợp đồng.
Và ngay cả đại diện hãng tàu tại nơi đến cũng chẳng thèm kiểm tra xem có người bán hoặc hãng tàu thật trong thương vụ này không. Tiếp nữa, sau khi ký hợp đồng, lẽ ra phải chờ bên bán mở chứng thư bảo lãnh thì bên mua lại tiếp tục sơ sẩy: mở ngay L/C cho bên bán!
Sai lầm nữa là không kiểm tra kỹ chứng từ. Toàn bộ chứng từ, kể cả bộ chứng từ gốc mà ngân hàng bên bán gửi cho ngân hàng bên mua hóa ra đều là giả. Những tiêu đề màu trên chứng từ thô thiển tới mức chỉ cần để ý là biết họ dùng photo màu bình thường để in, thế nhưng ngân hàng và người mua vẫn không nhận ra.
Người viết bài này may mắn được xem bản hợp đồng đã ký qua fax giữa đôi bên và một số mail trao đổi giữa hai đại diện hãng tàu ở hai đầu cảng thì thấy rằng hầu hết địa chỉ e-mail đều dùng các mạng phổ thông như Yahoo! hoặc Gmail. Mà ai đã dùng e-mail đều biết rằng trong vài phút ta có thể lập hàng chục địa chỉ trên các mạng này.
Một chuyên gia tư vấn cho rằng vì trong bộ chứng từ có cả biên bản giám định của SGS nên ta hoàn toàn có thể liên hệ với SGS tại Việt Nam để nhờ họ kiểm tra xem nhưng rất tiếc người mua và ngân hàng đã không làm như vậy.
Được biết, hiện nay cơ quan chức năng đã tạm giữ những người môi giới để điều tra vụ việc. Hy vọng từ đây manh mối của vụ lừa đảo sẽ được phanh phui.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn