Thu hút FDI:
Một con ong không thể tạo ra mật ngọt
Đầu tư nước ngoài (FDI) của Việt Nam trong bốn tháng đầu năm tăng tới 32% so với cùng kỳ, đạt gần 2 tỉ USD, vốn giải ngân trong cùng giai đoạn cũng tăng 18,3% lên gần 1,2 tỉ USD, bằng một nửa so với tổng giải ngân của cả năm 2005.
Tuy nhiên, như bạn đọc sẽ thấy, dòng vốn đầu tư này sẽ chỉ thật sự phục hồi mạnh mẽ nếu chúng ta giải quyết được những vướng mắc mới và đón đầu xu hướng mới của nhà đầu tư.
Tiến sĩ kinh tế Omkar Shrestha, Phó giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại VN, nói rằng ông nhận thấy gần đây “Tất cả mọi người đều nói tới VN”. “Tôi mới đến VN khoảng hơn hai tháng và vì vậy tôi đọc bất cứ thứ gì mà tôi thấy [về Việt Nam] và càng đọc tôi càng thấy ấn tượng”, ông Shrestha nói.
Ông cho rằng mặc dù gia nhập WTO là một cuộc chơi “có được và có mất”, nền kinh tế VN sẽ có những điều chỉnh lớn sau khi trở thành thành viên của WTO và điều này sẽ đem lại những cơ hội to lớn cho giới đầu tư. “Các nhà đầu tư cho rằng đến đây càng sớm sẽ càng tốt, họ không muốn chậm chân tại thị trường này”.
Năm ngoái, vốn đăng ký FDI vào VN đạt 6,3 tỉ USD, mức cao nhất kể từ sau khủng hoảng tài chính châu Á vào năm 1997. Các quan chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đầu tuần này nói rằng họ rất lạc quan khi kỳ vọng FDI năm nay sẽ phá con số kỷ lục năm ngoái.
Vốn đăng ký FDI trong bốn tháng đầu năm tăng tới 32% so với cùng kỳ, đạt gần 2 tỉ USD. Vốn giải ngân trong cùng giai đoạn cũng tăng 18,3% lên gần 1,2 tỉ USD, bằng một nửa so với tổng giải ngân của cả năm 2005. Bộ này cho biết gần như toàn bộ các dự án đăng ký mới đều tập trung vào lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.
“Hiện nay đang có những động thái rất tích cực và có nhiều khả năng vốn FDI năm nay sẽ cao hơn năm ngoái”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục phó Cục Đầu tư nước ngoài, nhận xét.
Một thị trường mới
Các chuyến thăm và làm việc dồn dập tới VN ngay trong quí 1 năm nay của những tập đoàn kinh tế hàng đầu trên thế giới đến từ Mỹ, Nhật, Tây Ban Nha, Đan Mạch và gần đây nhất là gần 1.000 nhà đầu tư đến tham dự diễn đàn đầu tư tại Hà Nội chứng tỏ đang có một sự kỳ vọng rất lớn của giới đầu tư quốc tế tại thị trường này.
Họ đều hướng sự quan tâm đặc biệt đến lĩnh vực tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin, viễn thông, khách sạn cao cấp, là những lĩnh vực được xem là cần có mặt để chắc chắn không bỏ lỡ cơ hội.
Ông Michael Smith, Chủ tịch Ngân hàng HSBC, cho biết ông không nhìn thấy bất cứ “biến động đột ngột” nào có thể xảy ra ở VN trong vòng năm năm tới và đã không ngần ngại khẳng định rằng HSBC đang tập trung đầu tư tại thị trường VN, coi đây là một “bàn đạp” để ngân hàng này mở rộng hoạt động sang các nước lân cận như các tỉnh phía Nam Trung Quốc, Lào, Campuchia và Myanmar.
Các nhà đầu tư Mỹ cũng tỏ ra rất sốt ruột khi hối thúc Chính phủ Việt Nam nhanh chóng mở cửa hơn nữa thị trường tài chính, viễn thông, phân phối và truyền thông, giải trí. Bà Virginia Foote, Chủ tịch Hội đồng Thương mại Việt - Mỹ, cho biết chắc chắn sẽ có một làn sóng đầu tư từ Mỹ vào VN ngay sau khi VN gia nhập WTO.
Đây là một dự đoán không phải là không có cơ sở khi ngay đầu năm nay, tập đoàn Intel tuyên bố lựa chọn VN để đầu tư 300 triệu đô la Mỹ xây dựng nhà máy lắp ráp và thử nghiệm chip tại khu Công nghệ cao TPHCM.
“VN đang hướng tới ngành công nghiệp giá trị gia tăng và sáng tạo”, ông Hugh Stephens, Phó chủ tịch hãng truyền thông Time Warner, nhận xét trong chuyến thăm của phái đoàn 21 công ty hàng đầu của Mỹ tới VN vào đầu tháng 3 vừa rồi.
Một con ong không thể tạo ra mật ngọt
Có một điểm đồng nhất không gây bất cứ tranh cãi nào là “động cơ” cho sự tăng trưởng kinh tế VN sẽ là khu vực kinh tế tư nhân đang phát triển rất năng động. Vốn đầu tư của khu vực tư nhân, hiện chiếm hơn một phần ba tổng đầu tư, theo dự báo sẽ chiếm tới hơn một nửa tổng đầu tư trong năm năm tới.
Tuy nhiên, “một con ong không thể tạo ra mật ngọt”, ông Shrestha nói. “FDI chắc chắn sẽ đem lại những giá trị ngoài vốn đầu tư như công nghệ và kỹ năng quản lý, là những yếu tố quan trọng mà khu vực tư nhân không những không có mà còn rất cần”. Ông Shrestha nhấn mạnh rằng Chính phủ VN, bên cạnh việc tìm cách thu hút vốn cũng cần phải đặc biệt chú trọng tới yếu tố bền vững của FDI.
“Các nhà quản lý quỹ đầu tư, họ biết nơi nào phải đến và họ biết cần ở lại đó bao lâu. Thị trường tài chính VN cần phải đủ mạnh để đảm bảo cho những khoản đầu tư dài hạn”, ông Shrestha nói.
Một điều nữa, các nhà đầu tư đang nhìn nhận việc đẩy mạnh cải cách và chống tham nhũng của Chính phủ như những yếu tố tiên quyết trong hợp tác làm ăn. Trong chuyến thăm Việt Nam vào cuối tuần trước, Cao ủy Đối ngoại của Liên hiệp châu Âu Betina Ferrero-Waldner đã nhấn mạnh rằng việc Chính phủ VN tiếp tục cam kết đẩy mạnh cải cách và chống tham nhũng là “nền tảng” cho mọi khả năng hợp tác. “Tham nhũng sẽ làm tê liệt môi trường đầu tư”, bà Ferrero-Waldner nói.
Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn