1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Một cổ phiếu "vàng đen" tăng 150% từ đáy

Hà Ngân

(Dân trí) - Than Vàng Danh - Vinacomin là đơn vị thành viên đóng góp sản lượng khai thác than hầm lò lớn nhất của TKV. Từ quý IV/2022, lợi nhuận TVD ghi nhận gấp nhiều lần cùng kỳ năm trước.

Lợi nhuận gấp nhiều lần cùng kỳ

Trong giai đoạn thị trường chung tạo đáy vào tháng 11 năm trước VN-Index về 900 điểm, cổ phiếu TVD của Công ty cổ phần Than Vàng Danh - Vinacomin cũng xuống vùng 6.200-6.500 đồng/cổ phiếu.

Hiện nay, khi VN-Index chinh phục mốc 1.200 điểm, tức phục hồi được 33%, cổ phiếu TVD ghi nhận mức tăng giá 150% lên 16.000 đồng/cổ phiếu, tức gấp 2,5 lần đáy.

Trong lịch sử giao dịch, mã chứng khoán TVD đạt đỉnh vào tháng 2/2022 ở mức giá 20.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, cổ phiếu TVD còn cách đỉnh 25%.

Một cổ phiếu vàng đen tăng 150% từ đáy - 1

Diễn biến giá cổ phiếu TVD trong 1 năm qua (Nguồn: TradingView).

Công ty cổ phần Than Vàng Danh - Vinacomin khai thác mỏ than Vàng Danh tại tỉnh Quảng Ninh, đơn vị thành viên của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV). Từ quý IV/2022 đến nay, doanh nghiệp "vàng đen" ghi nhận kết quả kinh doanh rất khởi sắc, gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, quý IV/2022 lãi 148 tỷ đồng, gấp 2,2 lần quý IV/2021; sang quý I và II năm nay lần lượt đạt 31 và 29 tỷ đồng, gấp 3 và 2 cùng kỳ 2022. Lưu ý, trong chu kỳ kinh doanh của Than Vàng Danh, quý IV thường là thời điểm ghi nhận lợi nhuận đột biến, có năm gấp nhiều lần cả 3 quý đầu năm cộng lại.

Doanh nghiệp cho biết giá than xuất khẩu tăng cao nên giá than trong nước cũng được TKV điều chỉnh tăng. Trong nửa đầu năm, giá bán than đạt 1.838.186 đồng/tấn, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận gộp công ty cải thiện đáng kể từ vùng 5,4-5,8% lên 6,4-6,8% trong nửa đầu năm nay.

Theo các công ty chứng khoán, hiện tượng El Nino đã khiến nguồn điện từ thủy điện giảm trầm trọng, gây ra hiện tượng thiếu điện ở miền Bắc, khi đó điện than được huy động tăng nhu cầu tiêu thụ than. Mặt khác, giá than thế giới trong năm 2022 đã tăng mạnh hỗ trợ cho TKV trong đàm phán giá than với EVN khi hợp đồng PPA hết thời hạn 2 năm (2020-2022).

Công ty đặt mục tiêu 2023, doanh thu than 6.287 tỷ đồng và lãi trước thuế 156 tỷ đồng, lần lượt giảm 7,4% và giảm 29% so với 2022. Sau nửa năm, công ty thực hiện được 55% mục tiêu doanh thu và 49% mục tiêu lợi nhuận.

Còn tiềm năng tăng sản lượng

Theo quy định, ngành than chịu sự quản lý và điều tiết của TKV, không có sự cạnh tranh về sản phẩm, thị trường giữa các đơn vị khai thác than nên thị phần tiêu thụ không được xác định. Song, xét về mức độ đóng góp, Than Vàng Danh là doanh nghiệp đứng đầu về sản lượng khai thác than hầm lò của TKV.

Chứng khoán Yuanta Việt Nam đánh giá TVD đã liên tục đầu tư công suất qua các năm và là một trong số ít những công con của TKV còn dư địa tăng công suất.

Theo thống kê của phóng viên Dân trí, mỗi năm, công ty chi hàng trăm tỷ đồng cho đầu tư xây dựng, riêng năm 2022 là 314 tỷ đồng và năm 2023 dự kiến 457 tỷ đồng. Sản lượng sản xuất than nguyên khai của Than Vàng Danh liên tục tăng trong các năm qua. Sản lượng từ mức 2,9 triệu tấn năm 2018 lên 4,3 triệu tấn 2022, tốc độ tăng đạt 2 chữ số mỗi năm.

Năm nay, doanh nghiệp "vàng đen" lên kế hoạch sản xuất gần 4 triệu tấn than nguyên khai, tăng 3% so với kế hoạch nhưng giảm so với thực hiện 2022. Trong lịch sử, TVD thường thực hiện vượt kế hoạch, riêng năm 2022 vượt 11%.

Nợ giảm dần

Tương tự các doanh nghiệp than khác, TVD cũng dùng nợ vay để đầu tư hầm, máy móc thiết bị. Do vậy, các năm trước, chi phí lãi vay là gánh nặng đáng kể ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của Than Vàng Danh. Vào cuối năm 2017, công ty có khoản nợ vay dài hạn 1.651 tỷ đồng, tương đương 50% tổng tài sản, chi phí lãi vay vào khoảng 180 tỷ đồng.

Song, các năm qua, doanh nghiệp nỗ lực trả và giảm đáng kể nợ. Tính đến cuối quý II năm nay, nợ vay dài hạn còn 521 tỷ đồng, tức doanh nghiệp đã trả được 1.130 tỷ đồng trong hơn 5 năm qua.

Chi phí lãi vay của công ty cũng giảm. Năm 2022, chi phí lãi vay là 60 tỷ đồng, bằng 1/3 năm 2018 và giảm 27% so với 2021. Trong nửa đầu năm nay, chi phí này ở mức 35 tỷ đồng. Như vậy, nhờ giảm dần dư nợ, Than Vàng Danh không bị ảnh hưởng lớn từ đợt tăng lãi suất mạnh vừa qua.

Tại thời điểm 30/6/2023, tổng nợ phải trả của công ty là 1.600 tỷ đồng, chủ yếu phải trả người bán ngắn hạn và nợ vay dài hạn; vốn chủ sở hữu 630 tỷ đồng. 

Về phần tài sản, 2 khoản mục trọng yếu là tài sản cố định và khoản phải thu khách hàng (thu từ TKV). Công ty có khối tài sản cố định nguyên giá tính đến cuối quý II là 5.773 tỷ đồng.

TVD thực hiện trích khấu hao hằng năm 400-500 tỷ đồng nên giá trị đã khấu hao lên đến 5.080 tỷ đồng và giá trị còn lại chỉ còn khoảng 700 tỷ đồng. Như vậy, nếu xét theo tốc độ đã thực hiện thì nhiều khả năng đến 2025 doanh nghiệp sẽ không phải trích khấu hao nữa, điều này hỗ trợ lớn cho lợi nhuận các năm tiếp theo.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm