Một chiếc phô mai, hai bộ quản lý: Cả nước còn 300 văn bản "hành" doanh nghiệp
(Dân trí) - Quản lý chuyên ngành (QLCN) đang tập hợp các quy định trong nhiều hệ thống pháp luật khác nhau. Hiện cả nước có khoảng xấp xỉ 300 văn bản quy định về quản lý chuyên ngành được soạn thảo, ban hành và thực thi bởi ít nhất 10 bộ khác nhau gây khó khăn cho doanh nghiệp (DN).
Thực hiện yêu cầu của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về tổng hợp thực trạng kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại Việt Nam. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có báo cáo kết quả các thủ tục kiểm tra chuyên ngành, giấy phép con đang gây nhức nhối thời gian qua...
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI: Với rất nhiều văn bản chi phối, kiểm tra chuyên ngành đang khiến chi phí DN phải bỏ ra rất lớn. Dẫn thống kê của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), VCCI cho rằng: Hiện trung bình một năm, số tiền kiểm tra chuyên ngành của toàn bộ các DN phải bỏ ra 14,3 nghìn tỷ đồng và 29,6 triệu ngày công lao động.
Theo VCCI, trong tất cả các lĩnh vực quản lý chuyên ngành, việc kiểm tra chuyên ngành được thực hiện với 100% lô hàng, không phân biệt thời điểm nhập khẩu, chủ thể nhập khẩu, model hàng hóa đó đã từng được kiểm tra hay chưa. Điều này dẫn tới những bất cập như thời gian giải phóng hàng bị kéo dài, chi phí QLCN quá lớn.
Bên cạnh đó, tiền kiểm là nguyên nhân dẫn tới tình trạng dồn ứ hàng tại cảng, quá tải của cơ quan kiểm tra chuyên ngành, làm mất chi phí lưu kho bãi, chậm giải phóng hàng, hư hỏng hàng hóa...
Theo điều tra ở các DN, VCCI nhận thấy một loại hàng hóa phải chịu cùng lúc nhiều quy trình quản lý chuyên ngành một mặt hàng bị điều chỉnh bởi nhiều văn bản, phải thực hiện nhiều thủ tục kiểm tra.
Theo quy trình thì Bộ quản lý chuyên ngành không thực hiện trực tiếp việc kiểm tra chất lượng hàng hóa mà chỉ xác nhận kết quả. Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá, Luật An toàn vệ sinh thực phẩm giao quyền chỉ định tổ chức kiểm tra, đánh giá sự phù hợp cho bộ quản lý chuyên ngành. Tuy nhiên, thực tế các bộ đang chỉ định rất hạn chế các tổ chức được quyền thực hiện việc kiểm tra, đánh giá sự phù hợp của hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành.
VCCI khẳng định: "Việc chỉ định quá ít tổ chức kiểm định kết quả kiểm tra, dẫn tới tình trạng “độc quyền” của các tổ chức được chỉ định, dẫn tới khó khăn buộc các DN phải xin cho"..
Theo báo cáo của các DN, hiện 25% DN cho biết, việc thực hiện thủ tục KTCN là khó/rất khó, 67% cho biết là bình thường và chỉ 8% cho biết dễ/rất dễ. Xét riêng tỷ lệ, hiện kiểm tra văn hóa đứng đầu (59%) DN cho biết là khó và rất khó; tiếp đến là kiểm tra ngành y tế (40%) và kiểm dịch động vật (36%). Một số lĩnh vực khác có trên 20% DN đánh giá là khó/rất khó, bao gồm kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm (29%) và kiểm tra chất lượng (25%).
Nguyễn Tuyền