Moody's nâng triển vọng tín nhiệm của các ngân hàng Việt Nam

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's Investors Service vừa đưa ra báo cáo khẳng định giữ nguyên mức xếp hạng của 8 ngân hàng Việt Nam, đồng thời nâng triển vọng xếp hạng tiền gửi nội tệ và phát hành tiền gửi nội tệ và ngoại tệ của các định chế này từ ổn định lên tích cực.

8 ngân hàng trong danh sách là: Vietcombank, Vietinbank, BIDV, ABBank, ACB, MB, VIB và Techcombank. Hiện chỉ BIDV có mức xếp hạng tín dụng cơ sở (BCA) ở mức Caa1, còn mức xếp hạng BCA của 7 ngân hàng còn lại đều ở mức B2.

Theo Moody’s, động thái này chịu ảnh hưởng từ việc Moody’s giữ nguyên xếp hạng của Việt Nam ở mức B1 nhưng nâng triển vọng từ ổn định lên tích cực hôm 28/4. Mức xếp hạng của Việt Nam là một yếu tố đầu vào quan trọng để Moody’s đánh giá các ngân hàng bởi nó ảnh hưởng đến khả năng hỗ trợ hệ thống ngân hàng của Chính phủ trong trường hợp căng thẳng.

Ngoài ra, mức xếp hạng của 7 ngân hàng khác không chịu ảnh hưởng từ động thái đánh giá lại triển vọng kinh tế Việt Nam của Moody's. Đó là HDBank (B2 - ổn định); SHB (B2 - ổn định); Sacombank (B3 – tiêu cực); TPBank (B2 - ổn định); Maritime Bank (B3 – tích cực); VPBank (B2 - ổn định) và OCB (B2 - ổn định).


Moodys nâng xếp hạng tín nhiệm của VPBank từ B3 lên B2

Moody's nâng xếp hạng tín nhiệm của VPBank từ B3 lên B2

Cụ thể, trong thông báo phát đi ngày 3/5, Moody's Investors Service đã nâng mức xếp hạng tiền gửi dài hạn và xếp hạng nhà phát hành của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển Thịnh Vượng (VPBank) lên B2 từ B3. Mức đánh giá tín dụng cơ bản (BCA) của VPBank cũng đã được Moody's điều chỉnh, nâng lên mức b3 từ mức caa1 trước đó. Triển vọng xếp hạng tín nhiệm dài hạn của ngân hàng này vẫn ở mức ổn định.

Mức đánh giá tín dụng cơ bản được nâng cấp lên b3 là nhờ sự cải thiện trong chỉ số về khả năng sinh lợi của VPBank, với tăng trưởng lợi nhuận trước khi trích lập dự phòng đạt 62% năm 2016 và 146% năm 2015. Chỉ suất sinh lợi trên tổng tài sản của ngân hàng đã vượt trội so với các ngân hàng trong nước, đạt mức 1,7% vào năm 2016 và 1,2% vào năm 2015, so với mức bình quân 0,7% của 14 ngân hàng khác được Moodys xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam.

Tỷ lệ vốn lõi của ngân hàng (TCE) trên tổng tài sản đã điều chỉnh rủi ro (RWA) đã cải thiện lên mức 8,5% vào cuối năm 2016 (cuối năm 2015 là 7,8%). Sự cải thiện có được là do lợi nhuận giữ lại cao hơn trong năm 2016, cùng với đó là mức tăng trưởng cho vay bình quân giảm xuống còn 24% so với 47% trong giai đoạn 2013 – 2015.

Moody’s cũng đánh giá VPBank đã có những tiến bộ đáng kể trong việc thu hồi nợ, giảm trái phiếu VAMC, cải thiện chất lượng khoản vay và kiểm soát rủi ro của các khoản nợ có vấn đề.

Báo cáo tài chính quý I của VPBank cũng cho thấy triển vọng khả quan. Tổng tài sản hợp nhất của VPBank đã tăng lên mức gần 230 nghìn tỷ đồng, trong đó riêng chỉ số huy động khách hàng và phát hành giấy tờ có giá đạt mức 186 nghìn tỷ đồng, tăng 14 nghìn tỷ đồng so với con số huy động tại thời điểm 31/12/2016.

Song song đó, chỉ tiêu dư nợ cấp tín dụng cũng có mức tăng trưởng tương đối tốt, cho vay khách hàng đạt 152 nghìn tỷ đồng, tăng 5,5% so với cuối năm 2016. Kết quả kinh doanh khả quan ở cả hai chỉ tiêu trọng tâm trên đã giúp lợi nhuận đạt được của VPBank trong quý I bứt phá so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái.

Lợi nhuận trước thuế hợp nhất của VPBank trong 3 tháng đầu năm 2017 đã tăng hơn 85% so với 3 tháng đầu năm 2016, đạt hơn 1.900 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng gần 670 tỷ đồng so với thời điểm 31/3/2016 và đạt hơn 1.520 tỷ đồng.