Monsanto đã và đang làm gì tại Việt Nam?

(Dân trí) - Monsanto - một trong những nhà cung cấp chính thuốc trừ cỏ và chất độc da cam mà quân đội Mỹ từng sử dụng trong chiến tranh Việt Nam - chính thức trở lại Việt Nam từ năm 2010, đến nay, Tập đoàn này hiện đang cung cấp hạt giống biến đổi gen và thuốc trừ cỏ cho nông dân Việt Nam.



	
		
			Một cuộc biểu tình chống Monsanto ở Chile năm 2015. Ảnh: AFP.
Một cuộc biểu tình chống Monsanto ở Chile năm 2015. Ảnh: AFP.

Cung cấp thuốc trừ cỏ, chất độc da cam trong chiến tranh Việt Nam

Như Dân trí đã đưa tin, ngày 18/4, Tòa án Quốc tế về Monsanto đã công bố kiến nghị tham vấn về các cáo buộc Tập đoàn Monsanto (trụ sở tại St. Louis, Missouri, Mỹ) vi phạm nhân quyền và hủy hoại sinh thái.

Trong đó, xem xét vấn đề liên quan của Monsanto đối với chất độc da cam do quân đội Mỹ sử dụng trong Chiến tranh Việt Nam và nghi vấn hủy diệt sinh thái, Tòa cho rằng dựa trên những bằng chứng được cung cấp, Tòa không thể kết luận về khả năng Monsanto có đồng lõa trong việc gây nên tội ác chiến tranh.

Dù vậy, Tòa xác nhận Monsanto đã cung cấp phương tiện cho quân đội Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam, nhận thức rằng sản phẩm của họ sẽ được sử dụng tại đây cũng như các tác hại của chúng lên sức khỏe và môi trường. Tòa cho rằng căn cứ theo Quy chế Rome của Tòa án Hình sự quốc tế, các hoạt động của Monsanto tại Việt Nam có thể xem là hành động hủy hoại môi trường.

Về việc "hủy diệt sinh thái", khái niệm này được định nghĩa là "gây ra tổn hại nghiêm trọng hoặc hủy hoại môi trường, làm biến đổi trên quy mô lớn và trong lâu dài đối với các giống loại hoặc hệ sinh thái mà một cộng đồng người đang phụ thuộc vào". Tòa cho rằng, các hành động Monsanto có thể đã cấu thành tội hủy diệt sinh thái khi đã gây ra tổn hại lớn và lâu dài đến đa dạng sinh học và hệ sinh thái, làm ảnh hưởng cuộc sống và sức khỏe của con người.

Monsanto chính là một trong những nhà cung cấp chính thuốc trừ cỏ và chất độc da cam mà quân đội Mỹ từng sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Ước tính trong giai đoạn 1962-1973 có khoảng 75,8 triệu lít thuốc trừ cỏ đã được quân đội Mỹ đã bị rải xuống gần 2,6 triệu ha đất tại Việt Nam mà trong đó Monsanto là nhà cung cấp chính. Loại chất độc này đã gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng đối với người dân Việt Nam cũng như gây tổn hại cho các binh sĩ Mỹ và các nước khác.

Monsanto là công ty chủ chốt trong 37 công ty hóa chất mà các nạn nhân da cam Việt Nam từng kiện tại Mỹ (từ năm 2004-2009) để đòi đền bù thiệt hại.

Trở lại Việt Nam và hạt giống biến đổi gen

Tại Việt Nam, Monsanto cũng có mặt từ năm 1995 dưới hình thức văn phòng đại diện của Công ty Monsanto Thái Lan. Đến tháng 8/2010, Monsanto chính thức thành lập chi nhánh tại Việt Nam, lấy tên là Công ty TNHH Dekalb Việt Nam. Dekalb Việt Nam kinh doanh hạt giống ngô, rau và hướng tới các sản phẩm công nghệ sinh học.

Tiếp đó vào tháng 10/2014, sau hơn 40 năm, Monsanto trở lại khá rầm rộ trên truyền thông Việt Nam với việc dành 1,5 tỷ đồng trao học bổng cho Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực chọn tạo giống và công nghệ sinh học.

Chỉ sau đó 1 tháng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp Giấy chứng nhận an toàn sinh học cho 2 giống ngô biến đổi gen mang đặc tính chống chịu thuốc trừ cỏ cho Công ty TNHH Dekalb Việt Nam (Tập đoàn Monsanto) cùng với Công ty TNHH Syngenta Việt Nam. Tổng cộng đã có 3 giống ngô biến đổi gen của 2 công ty trên được cấp Giấy chứng nhận an toàn sinh học.

Trước đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã công nhận 4 giống ngô biến đổi gen của Syngenta và Dekalb đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi. Tại thời điểm đó, quá trình đưa giống cây trồng biến đổi gen đến đồng ruộng Việt Nam cơ bản đã hoàn tất.

Chưa tới 1 năm sau, Monsanto đã được cấp phép trồng ba giống ngô biến đổi gen làm thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam. Cùng với Syngenta Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã cấp chứng nhận cho công ty DeKalb (thuộc Monsanto Hoa Kỳ) được bán đại trà giống ngô biến đổi gen tại Việt Nam.

Trên thế giới, có 11 tập đoàn, công ty lớn về cây trồng biến đổi gen với tổng số 329 giống cây, riêng Monsanto và Syngenta chiếm gần một nửa. Nếu tính cả công ty liên doanh, liên kết của Monsanto và Syngenta thì con số còn lớn hơn nhiều.

Việt Nam đã chính thức cho thương mại hóa cây trồng biến đổi gen (GMO) với việc đưa vào trồng đại trà ngô biến đổi gen, có khả năng kháng sâu từ năm 2015 và dự kiến đến năm 2020 diện tích trồng cây biến đổi gen sẽ chiếm 30-50%. Hiện Việt Nam cũng đang nhập hàng triệu tấn ngô, đậu tương làm nguyên liệu sản xuất chăn nuôi, trong đó phần lớn là thực phẩm biến đổi gen.

Quyết định từ cơ quan quản lý được đưa ra trong bối cảnh những tranh cãi về ảnh hưởng của cây trồng biến đổi gen đối với môi trường và sức khỏe con người trên toàn thế giới vẫn chưa có hồi kết. Rất nhiều quốc gia trên thế giới vẫn “cự tuyệt” loại cây trồng biến đổi gen và thực phẩm biến đổi gen.

Bán thuốc trừ cỏ và sản phẩm biến đổi gen

Trên website chính thức của mình, Monsanto giới thiệu, Tập đoàn này cam kết không ngừng đầu tư, nghiên cứu và phát triển ra các giải pháp "giúp nuôi sống một thế giới đang ngày một đông đúc". Monsanto sản xuất hạt giống rau, trái cây và các cây trồng chính – như ngô, đậu tương và bông vải – "nhằm giúp nông dân gặt hái những vụ mùa bội thu đồng thời sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên chủ yếu một cách hiệu quả hơn".

Cuối năm 2015, Công ty Dekalb Việt Nam đã tổ chức lễ ra mắt giới thiệu các dòng sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ biến đổi gen tại Hà Nội. Tại buổi ra mắt, 2 dòng sản phẩm mới của Dekalb Việt Nam là giống ngô Dekalb Genuity và thuốc trừ cỏ Maxer đã được giới thiệu rộng rãi.

Dekalb Việt Nam đã lựa chọn một đối tác trong nước là Công ty Nông Dược HAI làm nhà phân phối chính thức của sản phẩm Thuốc trừ cỏ Maxer 660SC.

Trong một hội thảo diễn ra đầu tháng 3 vừa qua, đại diện Monsanto khẳng định "Dekalb Việt Nam đã luôn đồng hành cùng với nông dân trong suốt 20 năm qua và cho biết Monsanto đã đầu tư hơn 1 triệu USD "cho các hoạt động nghiên cứu nhằm phát triển các loại giống phù hợp với điều kiện khí hậu và canh tác tại Việt Nam, giúp nông dân cải thiện năng suất".

"Đồng thời, năm 2015, Monsanto đã chính thức chuyển giao tới nông dân Việt Nam một trong những công nghệ giúp nông dân bảo vệ năng suất, từ đó góp phần giảm thất thoát lương thực trong quá trình canh tác – công nghệ ngô kháng sâu và thuốc trừ cỏ", đại diện Monsanto khẳng định.

Trên thực tế, đối với cây trồng và thực phẩm biến đổi gen vẫn luôn tồn tại 2 luồng ý kiến trái chiều. Phía ủng hộ thì liên tục lên tiếng khẳng định loại thực phẩm này an toàn, giúp tăng năng suất cây trồng và không gây tác hại tới môi trường. Trong khi đó, phía phản đối thì e ngại những tác động không mong muốn tới sức khỏe người tiêu dùng và gây ra những thiệt hại về kinh tế.

Ngay trong phán quyết của Tòa án quốc tế hôm 18/4 vừa qua, Tòa cũng cho rằng Monsanto làm ảnh hưởng đến nguồn cung thực phẩm của các cá nhân và cộng đồng, hủy hoại nguồn đất, nước và môi trường nói chung, từ đó làm sụt giảm khả năng sản xuất thực phẩm của các cộng đồng.

Sự lan rộng của các loại hạt biến đổi gen được sử dụng thuốc diệt cỏ đang làm nguy hại đến ngành nông nghiệp và lâm nghiệp. Các hoạt động này của Monsanto đã xâm phạm đến quyền được tiếp cận thực phẩm của con người.

Trong khi đó, việc sử dụng các chất nguy hiểm như polychlorinated biphenyl, chất diệt cỏ hoặc sinh vật biến đổi gen đã xâm hại đến quyền được có sức khỏe của nhiều cộng đồng, gây ra vấn đề về sức khỏe tâm sinh lý cho rất nhiều người...

Trước đó, trong cuốn sách “Những gen biến đổi, sự thật bị bóp méo” của luật sư người Mỹ Steven Drucker gần đây đã gây chú ý khi đưa ra lời cáo buộc các cơ quan khoa học uy tín đã phớt lờ những cảnh báo sức khỏe của các nhà khoa học về GMO và cho phép đưa loại thực phẩm này vào thương mại hóa từ năm 1992. Drucker dẫn nhiều bằng chứng về các trường hợp thiệt mạng, mắc bệnh do thực phẩm biến đổi gen.

Dưới góc độ kinh tế, truyền thông quốc tế từng đưa tin về mối liên hệ giữa các hạt giống biến đổi gen với việc ngày càng nhiều nông dân tại Ấn Độ tự sát. Chính phủ nước này trước đó đã quá tin tưởng vào các lợi ích của thực phẩm từ giống biến đổi gen mà phớt lờ các tác hại của nó. Nhiều nông dân sống nhờ trồng trọt rơi vào "tuyệt vọng" do cây hình thành từ các hạt giống GMO không cho năng suất tốt trên nhiều vùng của Ấn Độ. Người nông dân cũng phải phụ thuộc nhiều vào nguồn giống giá cao từ các Tập đoàn đa quốc gia, gây ra những khoản nợ chồng chất.

Quay trở lại với trường hợp Việt Nam, với quyết định mới ban hành, Việt Nam hiện là quốc gia thứ 29 trồng cây biến đổi gen. Tuy nhiên, giống như Ấn Độ, giới chuyên gia cho rằng, tồn tại mối quan ngại về sự lệ thuộc của nông dân vào các nguồn giống do các tập đoàn đa quốc gia nắm độc quyền.

Phương Dung