1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

"Môi trường kinh doanh Việt Nam kém hơn nhiều nước lân cận"

(Dân trí) - Thừa nhận môi trường kinh doanh Việt Nam hiện nay đã kém hơn rất nhiều so với Indonesia và Thái Lan, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Bùi Quang Vinh cho biết, sẽ tiếp thu nghiêm túc những kiến nghị của các đối tác quốc tế, từ đó cải thiện thực sự trên thực tế.

FDI cả năm dự kiến 13 tỷ USD

Tại phiên họp báo diễn ra sau Hội nghị tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) 2012, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, năm 2012 vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký sẽ rơi vào khoảng 13 tỷ USD, giải ngân đạt khoảng 10,5 tỷ USD.

Với kết quả này dự tính này, thu hút vốn FDI của năm 2012 sẽ không đạt chỉ tiêu mà Cục Đầu tư nước ngoài đặt ra thu hút được khoảng 15 - 16 tỷ USD và giải ngân khoảng 10 - 11 tỷ USD.

Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến 20/11, cả nước có 980 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 7,25 tỷ USD, bằng 60,4% so cùng kỳ năm 2011. Bên cạnh đó, có 406 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư, với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 4,92 tỷ USD, tăng 41,3% so cùng kỳ 2011.

Tính chung cả cấp mới và tăng vốn, 11 tháng, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 12,18 tỷ USD, bằng 78,6% so cùng kỳ 2011.

Về giải ngân 11 tháng, ước tính đạt 10 tỷ USD, bằng 99,5 % so với cùng kỳ năm 2011.

Không để xảy ra tham ô, tham nhũng trong giải ngân ODA.
Không để xảy ra tham ô, tham nhũng trong giải ngân ODA.

Sang năm 2013, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh dự kiến, tổng vốn FDI thu hút được là 14 - 15 tỷ USD, giải ngân 10 - 11 tỷ USD. Như vậy, mục tiêu thu hút FDI đặt ra cho năm sau giảm nhẹ trong khi mục tiêu giải ngân giữ nguyên so mục tiêu đặt ra cho 2012 này, mặc dù kết quả thực tế thực hiện được trong năm nay là thấp hơn.

Bên cạnh nguồn vốn FDI, trong năm 2013, Việt Nam cũng nhận được khoản cam kết tài trợ gần 6,5 tỷ USD từ các đối tác phát triển, giảm so khoản cam kết được đưa ra hồi năm ngoái cho năm 2012 là 7,4 tỷ USD.

Bộ trưởng Vinh thừa nhận, băn khoăn về hiệu quả sử dụng vốn ODA là mối băn khoăn lớn nhất không phải chỉ riêng các nhà tài trợ mà còn của cả phía tiếp nhận vốn là Việt Nam: làm thế nào, làm sao giải ngân dự án đúng tiến độ.

Lý giải về nguyên nhân tiến độ giải ngân chậm, người đứng đầu ngành đầu tư cho biết, đó là do thiếu vốn đối ứng. Cụ thể, khi ký cam kết, các địa phương, bộ ngành đều ký là đảm bảo, nhưng thực tế không căn cứ vào thực tế địa phương mà trông chờ vào cấp trên. Trong khi cấp trên lại cho rằng việc đó là do các đơn vị ký tính toán.

Ngoài ra, giải phóng mặt bằng chậm trễ, nhất là dự phòng có quy mô lớn như đường cao tốc, rất chậm và lâu... bị vướng do chính sách đền bù đất đai. Trong khi đó, năng lực và tính chuyên nghiệp của ban quản lý ODA còn hạn chế.

Bộ trưởng khẳng định, không để xảy ra tham nhũng, tham ô trong vấn đề này. Tại diễn đàn VBF vừa rồi, các đối tác quốc tế cũng đã đưa ra rất nhiều kiến nghị để tạo một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn. "Những nội dung này đã chuyển tới bộ ngành để từ đó, thực sự sự cải thiện môi trường kinh doanh. Bởi, môi trường kinh doanh Việt Nam hiện nay đã kém hơn rất nhiều các nước lân cận như Indonesia và Thái Lan" - Bộ trưởng Vinh nhìn nhận.

Khó giải ngân vì vốn đối ứng giảm, đầu tư công thắt chặt

Khoản cam tài trợ 6,5 tỷ USD đến từ 30 tổ chức và quốc gia dành cho Việt Nam trong năm 2013 tới mặc dù giảm so năm trước nhưng vẫn là một nguồn lực lớn. Để giải ngân vốn này trong trường hợp vốn đối ứng giảm nhiều và năm sau cắt giảm đầu tư công, Bộ trưởng thừa nhận, "đây đúng là bài toán khó."

Chính phủ Việt Nam năm 2012 đã ứng thêm 5.000 tỷ đồng cho các dự án ODA và do vậy, từ năm 2013 trở đi, nguồn vốn rất hạn hẹp. Tuy nhiên, theo nguyên tắc bố trí vốn ngân sách cho đầu tư phát triển từ 2013 - 2015, Thủ tướng đưa ra nguyên tắc ưu tiên vốn đối ứng cho dự án ODA là ưu tiên hàng đầu.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng chủ trương kêu gọi các nguồn lực khác tham gia, thông qua hình thức đối tác công tư PPP. Theo đó, nhà nước sẽ dùng nguồn vốn hạn chế của mình làm vốn đối ứng cho các dự án PPP, và trong PPP vừa có cả nguồn vốn ODA vừa có cả vốn từ lĩnh vực tư nhân.

Ngoài ra, Chính phủ đang chuẩn bị sửa đổi luật đất đai để hỗ trợ giải phóng mặt bằng tốt hơn, nâng cao năng lực của ban quản lý vốn viện trợ.

Với vị thế của một nước thu nhập trung bình, Bộ trưởng cho biết, điều này sẽ khiến cơ cấu vốn ODA mà Việt Nam nhận được thay đổi: những khoản vay ưu đãi giảm đi trong khi vốn vay thương mại tăng lên. Tuy nhiên, đây không phải là lý do của việc chuyển đổi hình thức của CG những kỳ tới. Trong các diễn đàn sau, việc đàm phán về con số cam kết không còn chiếm toàn bộ thời gian của chương trình nghị sự, mà tại đây, các bên đi thẳng vào vấn đề đối thoại chính sách cấp cao.

Bích Diệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm