1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Môi trường đầu tư Việt Nam ngày càng hấp hẫn

(Dân trí) - Năm 2005, tổng vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đã vượt qua con số 6 tỉ USD và theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, con số này sẽ tăng trưởng nhanh chóng trong những năm tới.

Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã có một quá trình gần 20 năm với những kinh nghiệm rất phong phú ở nhiều thời kì. Trong môi trường kinh doanh mới, với không ít khó khăn nhưng nhiều doanh nghiệp đã trụ được tại Việt Nam, vượt qua thử thách và thành công.

Giá trị xuất khẩu của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) tại VN ước đạt 10,8 tỉ USD, tăng 23% so với năm 2004, nộp ngân sách nhà nước của khu vực đầu tư nước ngoài ước đạt 1,29 tỉ USD, tăng 41% so với năm 2004 và là năm đầu tiên kể từ khi ban hành Luật Đầu tư nước ngoài đến nay vượt ngưỡng 1 tỉ USD.

Những bí quyết cũng đã được các nhà đầu tư chia sẻ tại Diễn đàn "Chia sẻ thành công trong đầu tư nước ngoài" do Thời báo Kinh tế Việt Nam phối hợp với Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức vào sáng nay, 20/1.

Những con số ấn tượng

Theo đánh giá của Cục Đầu tư nước ngoài, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài năm 2005 đã đạt được những thành công đáng khích lệ ở tất cả các chỉ tiêu cơ bản.

Trong năm qua, tổng vốn đăng kí mới và tăng thêm trên 6 tỉ USD, (tăng 42% so với năm trước), vượt gần 33% so với mục tiêu đề ra và là năm có quy mô vốn thu hút cao nhất kể từ sau khủng hoảng tài chính khu vực. Vốn thực hiện dự kiến đạt 3,3 tỉ USD, tăng 15,3% so với năm trước. Đây cũng chính là mức tăng cao nhất kể từ khi ban hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (năm 1987) đến nay.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, năm 2006 sẽ có rất nhiều cơ hội đang chờ đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hai đạo luật cơ bản trong hoạt động đầu tư là Luật Đầu tư nước ngoài và Luật Doanh nghiệp vừa được Quốc hội thông qua cuối năm 2005, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2006, đã thiết lập một mặt bằng pháp lý chung cho các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước, minh bạch hoá trình tư, thủ tục đầu tư, ưu đãi, xử lý tranh chấp; nới rộng hơn về hình thức đầu tư…cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Tại sao chúng tôi chọn Việt Nam?

Đại diện của Công ty Phú Mỹ Hưng, ông Alpha Chen nhận xét: "Công ty chúng tôi bắt đầu đánh giá các cơ hội đầu tư từ năm 1989, chúng tôi nhận thấy cơ hội và hiểu được những nhu cầu của Việt Nam, đặc biệt ở TPHCM. Sau khi so sánh với các nước đang phát triển khác, chúng tôi nhận thấy Việt Nam là một quốc gia ổn định và an toàn nhất trên thế giới".

Trước khi quyết định chọn Việt Nam để đầu tư, Công ty Phú Mỹ Hưng cũng đã tiến hành nghiên cứu thị trường một cách tỉ mỉ đối với nhiều quốc gia như: Nga, các nước Đông Âu, Đông Á, Nam Phi... Chính TPHCM đã thu hút được sự chú ý đặc biệt của công ty này và được chọn làm địa điểm đầu tư vì có nhiều lợi thế cạnh tranh.

Ngoài ra, các vị lãnh đạo của công ty này cũng đánh giá Việt Nam là một trong số các quốc gia có nguồn nhân lực trẻ và được đào tạo tốt nhất ở Châu Á. "Khoảng 60% dân số của nước này ra đời sau năm 1975, tỉ lệ dân số biết chữ ở đây là 92%. Người lao động Việt Nam thông minh, khéo léo và rất chăm chỉ"- ông Alpha Chen cho biết thêm.

Thị trường bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam chưa đầy 10 năm qua đã thu hút trên 6 triệu khách hàng tham gia, doanh thu phí bảo hiểm chiếm khoảng 1,5% trong tỉ trọng GDP.

Các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cũng đã đầu tư trở lại nền kinh tế hàng chục nghìn tỉ đồng... Đây cũng chính là lý do khiến Prudential quyết định đầu tư mạnh vào Việt Nam. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Charlie Oropeza, Tổng giám đốc Prudential Việt Nam thì " thị trường này không thể có bước nhảy vọt như những năm đầu tiên mới hình thành. Sân chơi của thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam cũng đã có nhiều doanh nghiệp hơn trước...".

Còn với TNT, một trong những điểm thu hút sự đầu tư của tập đoàn này vào Việt Nam chính là những đường bay thẳng tới các địa điểm ở Châu Á, Châu Âu và Châu Mỹ.

"Việc không phải qua một trạm trung chuyển ở Châu Á sẽ mang lại lợi ích lớn cho khách hàng. Bằng cả đường bộ và đường hàng không trong khu vực và trên thế giới, TNT đang có mạng lưới chuyển phát nhanh tốt nhát hiện nay"- ông Iman Stratenus, Tổng giám đốc TNT cho biết.

Kể từ năm 1986, khi chính sách Đổi mới bắt đầu được áp dụng, với những chính sách mới về đầu tư nước ngoài không ngừng được cải thiện của  Chính phủ, Việt Nam được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao về tính ổn định và độ an toàn. Những yếu tố này đang thực sự quan trọng đối với những khoản đầu tư lớn và dài hạn.

Nguyễn Hiền - Thanh Trầm

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm