Mỗi người Việt tiêu thụ 43 lít bia trong 1 năm, sức uống vẫn còn “sung”?
(Dân trí) - VCSC ước tính, thị trường bia Việt Nam có quy mô 4,2 tỷ lít tiêu thụ trong năm 2018, qua đó đưa lượng tiêu thụ bia đầu người của Việt Nam đạt 43 lít, cao hơn nhiều so với các quốc gia lân cận có thu nhập cao hơn như Thái Lan, Đài Loan và Singapore, dù vẫn thấp hơn Nhật Bản.
Trong một báo cáo vừa phát hành gần đây, Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) ước tính, thị trường bia Việt Nam có quy mô 4,2 tỷ lít tiêu thụ trong năm 2018 với giả định mức tăng trưởng 5% trong năm 2018 so với sản lượng thực tế năm 2017 là 4 tỷ lít.
Con số này đưa lượng tiêu thụ bia đầu người của Việt Nam đạt 43 lít, cao hơn nhiều so với các quốc gia lân cận có thu nhập cao hơn như Thái Lan, Đài Loan và Singapore, dù vẫn thấp hơn Nhật Bản.
Ngành bia Việt Nam ghi nhận mức tăng kép (CAGR) sản lượng 5,7% trong 5 năm qua nhờ CAGR 4,7% đối với lượng tiêu thụ đầu người.
Theo Euromonitor Lượng bia tiêu thụ tại Việt Nam dự báo sẽ tăng trưởng 5%/năm cho đến năm 2022 và VCSC đánh giá đây là dự báo khá hợp lý, nhờ vào nhiều yếu tố hỗ trợ trong đó có thị hiếu của người tiêu dùng Việt Nam dành cho bia.
Cụ thể, bia chiếm hơn 90% lượng đồ uống có cồn tiêu thụ tại Việt Nam và là sự lựa chọn hàng đầu cho các buổi họp mặt gia đình, bạn bè, tại nhà cũng như ở hàng quán.
Chưa kể, mỗi năm, Việt Nam có thêm khoảng 1 triệu người đạt độ tuổi hợp pháp để uống đồ uống có cồn (18 tuổi), cùng với cơ cấu dân số khá trẻ với độ tuổi trung bình khoảng 31 tuổi, so với 37 tại Thái Lan và Trung Quốc.
Tốc độ gia tăng đô thị hóa cũng là yếu tố có lợi cho ngành sản xuất bia. Các cư dân thành thị vẫn đang chiếm chỉ 36% tổng dân số tại Việt Nam, nhưng tỷ lệ này hiện đang gia tăng ổn định khoảng 50 điểm cơ bản mỗi năm. Heineken Việt Nam tính toán rằng, theo cơ sở đầu người, người tiêu dùng thành thị tiêu thụ lượng bia cao hơn 1,6 lần so với người tiêu dùng nông thôn.
Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Châu Á với tăng trưởng GDP dự kiến duy trì trên 6% trong vài năm tới. Trong đó, theo chỉ số niềm tin tiêu dùng của Nielsen, người tiêu dùng Việt Nam nằm trong nhóm top 5 lạc quan nhất trên toàn cầu. Chính vì vậy, hoạt động tiêu thụ bia chắc chắn sẽ khó mà thu hẹp trong tương lai.
Dù lượng tiêu thụ bia trên đầu người của Việt Nam là khá cao so với đa số các nước Châu Á thế nhưng, tỷ lệ này vẫn thấp hơn so với các quốc gia khác như Nhật Bản, New Zealand và Úc, cho thấy vẫn còn dư địa tăng trưởng cho Việt Nam – theo VCSC.
Hiện tại, thị trường bia của Việt Nam được thống trị bởi nhóm 4 ông lớn, bao gồm Sabeco (Bia Sài Gòn), Habeco (Bia Hà Nội), Carlsberg Việt Nam (chủ yếu đến từ Nhà máy Bia Huế, nằm ở miền Trung) và Công ty TNHH Bia Heineken Việt Nam.
Tên của 3 công ty đầu tiên cho thấy các thị trường địa lý chủ lực của các công ty này, với Sabeco, Habeco và Carlsberg là các công ty hàng đầu lần lượt tại các khu vực miền Nam, miền Bắc và miền Trung. Trong khi đó, Heineken có sự hiện diện mạnh mẽ tại miền Nam và ở mức độ thấp hơn là miền Trung.
Dựa theo thông tin công bố từ các công ty này và nghiên cứu ngành, VCSC ước tính rằng nhóm 4 ông lớn chiếm khoảng 90% tổng sản lượng bán trong năm 2018. Phần còn lại của thị trường thuộc về các công ty nước ngoài như Sapporo và AB InBev, cũng như các công ty bia nhỏ trong nước như Masan.
Mai Chi