Mỗi ngày có hơn 240 doanh nghiệp bị “khai tử”
(Dân trí) - Mỗi ngày có 240 doanh nghiệp, mỗi tháng có hơn 7.200 doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc phá sản. Tính chung, trong 4 tháng qua, cả nước có 29.000 doanh nghiệp (DN) ngừng hoạt động và tạm ngừng hoạt động do khó khăn.
Con số trên được Tổng cục Thống kê đưa ra trong báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2016.
Theo đó, trong 4 tháng đầu năm 2016, cả nước có hơn 34.000 DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký đạt gần 250 nghìn tỷ đồng, vốn bình quân/ 1 DN, đạt 7,1 tỷ đồng.
Trong tháng 4/2016, số DN thành lập mới đạt hơn 10.000 DN, với tổng vốn đạt 62 nghìn tỷ đồng, tăng 11% về số lượng nhưng giảm hơn 14% về vốn đăng ký so với tháng trước đó. So với cùng kỳ, số DN mới thành lập tăng gần 20%, vốn đăng ký tăng 21%.
Tuy nhiên, số DN tạm ngừng hoạt động, đóng cửa trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2016 tăng mạnh. Bốn tháng, cả nước có gần 29.000 DN tạm ngừng hoạt động, ngừng hoạt động, trong đó DN khó khăn tạm ngừng hoạt động là 25.000 DN, tăng 31% so với cùng kỳ. Trung bình, mỗi tháng có hơn 7.200 DN tạm ngừng hoạt động và đóng cửa, mỗi ngày có đến 240 DN phá sản.
Tổng cục Thống kê cũng đưa ra con số cụ thể các loại hình DN ngừng hoạt động, trong số DN tạm ngừng hoạt động có thời hạn và chờ đóng mã số thuế có gần 10.000 DN là Công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên (40%); 8.300 Công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên (33%); 4.200 Công ty cổ phần (16%) và 2.700 doanh nghiệp tư nhân (10%)...
Đặc biệt, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động trong 4 tháng đầu năm nay là 3.700 doanh nghiệp, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó phần lớn là những doanh nghiệp quy mô nhỏ có vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng, chiếm tới 93,5%.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, số DN phá sản, tạm ngừng hoạt động so với số DN đăng ký thành lập mới bằng 85%, mỗi ngày số DN đăng ký thành lập mới chỉ đạt 283 DN, cao hơn 43 DN so với số DN tạm ngừng hoạt động, phá sản.
Theo thông tin của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), số DN phá sản hiện tập trung phần lớn vào các DN nhỏ và vừa. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến khó khăn của DN như: thiếu vốn, thiếu thị trường, khủng hoảng đầu ra, thiếu đơn hàng và gánh nặng chi phí lãi vay, chi phí gia nhập thị trường. Tuy nhiên, trong các nguyên nhân dẫn đến DN phá sản, rủi ro tài chính (thiếu vốn, chi phí lãi vay lớn) là nguyên nhân lớn nhất khiến các DN không thể mở rộng đầu tư, quay vòng vốn và tái sản xuất.
Nguyễn Tuyền