Mỗi ngày bán đấu giá hơn 1 DNNN, lo "ùn tắc" Sở Giao dịch chứng khoán

(Dân trí) - Ông Phạm Viết Muôn cho biết, trong 21 tháng còn lại, bình quân 1 ngày phải tổ chức bán đấu giá hơn 1 DNNN và không cẩn thận sẽ dẫn đến "ùn tắc". 9 TCT của Bộ GTVT quý I vừa rồi đã bắt đầu xuất hiện dấu hiệu này.

Theo thông tin được ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương đưa ra tại Hội nghị "Đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước khối doanh nghiệp trung ương đến năm 2015" diễn ra ngày 2/4, tính đến thời điểm hiện nay, khối doanh nghiệp trung ương (DNTW) đang có 32 tập đoàn, tổng công ty và các ngân hàng. Trong đó, đã có 28 đơn vị thuộc đối tượng cần xây dựng đề án tái cơ cấu giai đoạn 2011 - 2015. Đến nay, toàn bộ 28 đơn vị đều đã hoàn thành xây dựng đề án tái cơ cấu với 24 đề án đã được phê duyệt. 


Theo đề án, tất cả 24 đơn vị này đều được tổ chức theo mô hình công ty mẹ - công ty con, trong đó có 15 doanh nghiệp công ty mẹ giữ 100% vốn điều lệ, có 9  công ty mẹ cần tiến hành cổ phần hóa. Đến nay có 3 công ty mẹ đã cổ phần hóa là Tập đoàn Bảo Việt, Tập đoàn Xăng dầu (Petrolimex) và TCT Thép Việt Nam-CTCP. 

Các công ty mẹ sẽ cổ phần hóa trong năm 2014 là Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Tổng công ty Hàng không (Vietnam Airlines). Năm 2015 cần cổ phần hóa 4 công ty mẹ còn lại là Tổng công Hàng Hải (Vinalines), Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà và đô thị, Tổng công ty công nghiệp Xi măng Việt Nam.

Đảng ủy khối đánh giá, một số đơn vị triển khai tái cơ cấu vẫn còn chậm như: Tổng công ty lương thực Miền Bắc được phê duyệt Đề án tái cơ cấu từ ngày 14/12/2012 nhưng đến 17/5/2013 Ban thường vụ Đảng ủy Tồng công ty mới ban hành Kết luận chỉ đạo việc tổ chức thực hiện. Hay như Tổng công ty đường sắt Việt Nam được phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngày 21/1/2013 nhưng đến 17/6/2013 Hội đồng Thành viên mới có quyết định phê duyệt danh sách cổ phần hóa năm 2013...

Cũng theo Đảng ủy Khối, tiến độ thực hiện tái cơ cấu, đăc biệt là cổ phần hóa, sắp xếp lại doanh nghiệp còn chậm, kết quả rất hạn chế. Đến nay trong tổng số 80 doanh nghiệp cần cổ phấn hóa thì mới làm xong 10 doanh nghiệp.

Cần có quyết định thoái vốn dưới mệnh giá trước tháng 6

Tại Hội nghị, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó trưởng Ban chỉ đạo đổi mới doanh nghiệp Phạm Viết Muôn cho biết thêm, trong 3 tháng qua, trong 432 doanh nghiệp phải cổ phần hóa, 146 doanh nghiệp đã thành lập được ban chỉ đạo cổ phần hóa, 26 doanh nghiệp phê duyệt được giá trị doanh nghiệp, bán được 14 doanh nghiệp, sắp xếp được 14 doanh nghiệp, phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) được 13 tổng công ty, trong đó 9 tổng công ty thuộc ngành Giao thông vận tải, thặng dư thu về 259 tỷ đồng. Ông Muôn đánh giá, đây là một kết quả đáng mừng.

Phó trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới doanh nghiệp cũng lưu ý rằng, đối với một số tổng công ty không thuộc tập đoàn cần phải xem xét lại liệu đã thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa chưa, xác định giá trị doanh nghiệp đến đâu? Nếu không vạch ra sơ đồ cụ thể thì trong hai năm nay (2014-2015) rất khó hoàn thành lộ trình và gần như là không thể kịp.

Phó Chủ nhiệm Phạm Viết Muôn phân tích, dư địa thời gian chỉ còn 21 tháng, trong khi 3 tháng vừa rồi chỉ bán được 15 doanh nghiệp, và với việc dồn lại trên số ngày làm việc (khoảng hơn 300 ngày) thì hai Sở Giao dịch chứng khoán HOSE và HNX bình quân 1 ngày phải tổ chức bán đấu giá hơn 1 doanh nghiệp Nhà nước và nếu không có lịch cụ thể, hợp lý sẽ dẫn đến "ùn tắc". 

Qua trao đổi với Chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng, ông Muôn cho biết, quá trình đấu giá 9 tổng công ty của Bộ Giao thông Vận tải quý I vừa rồi đã bắt đầu xuất hiện đấu hiệu ùn tắc và cần phải căn chỉnh.

Ông Muôn cũng cho biết thêm, còn hơn 400 doanh nghiệp phải thoái vốn khỏi chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, Thủ tướng đã chỉ đạo thoái phải theo lộ trình, có trật tự. Tuy nhiên, theo ông Muôn, số lượng này là rất lớn. Theo đó, Nghị quyết số 15/NQ-CP cho phép “thoái vốn đầu tư dưới mệnh giá hoặc dưới giá trị sổ sách kế toán của doanh nghiệp sau khi đã trừ đi khoản dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính theo quy định và trên cơ sở phương án thoái vốn đã được chủ sở hữu xem xét, quyết định”, thế nhưng đây mới chỉ là định hướng. Ông Muôn cho rằng, cần có quyết định cụ thể, đồng thời đề nghị khẩn trương thực hiện, không nên để đến sang tháng 6.

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh, nếu các DNNN không tái cơ cấu, kịp thời tái cơ cấu có thể sẽ bị “thua” trong quá trình hội nhập cạnh tranh. Do đó, trong 2 năm 2014-2015 cần đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN (trong đó hầu hết hết thuộc khối DNTW) theo lộ trình đã được Đảng và Nhà nước đề ra.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý, DNNN muốn thành công phải quyết liệt đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, cạnh tranh bình đẳng trên thị trường như các thành phần kinh tế khác. Trong quá trình tái cơ cấu, các doanh nghiệp phải được quản lý chặt chẽ minh bạch. 

Theo nhận định của Phó Thủ tướng, Khối DNTW có 32 tập đoàn, tổng công ty và ngân hàng chiếm phần lớn doanh nghiệp, vốn chủ sở hữu và doanh thu của toàn bộ DNNN ở Việt Nam, nếu thực hiện tốt nhiệm vụ tái cơ cấu thì mục tiêu trọng tâm về tái cơ cấu DNNN của Chính phủ cơ bản hoàn thành.

Bích Diệp
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước