1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Mỗi năm Việt Nam nhập 4,5 triệu m3 gỗ từ 100 quốc gia trên thế giới

(Dân trí) - Thiếu hụt nguồn cung trong khi sản phẩm gỗ xuất khẩu ngày càng nhiều và được mở rộng. Vì vậy, mỗi năm Việt Nam đã phải nhập khẩu từ 4 - 4,5 triệu m3 gỗ, từ hơn 100 quốc gia khác nhau. Tuy nhiên, rủi ro môi trường và quy chuẩn hợp pháp hóa nguồn gỗ nhập khẩu đang đặt ra ngày càng lớn ở nhiều thị trường xuất khẩu của Việt Nam.

Đây là chia sẻ của nhóm tác giả nhóm nghiên cứu về gỗ và lâm sản tại Hội nghị hỗ trợ ngành bán lẻ, chế biến gỗ xuất khẩu trong hội nhập được tổ chức sáng nay 6/10 ở Hà Nội.

Theo báo cáo của ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia chính sách đến từ Tổ chức Forest Trends (Hoa Kỳ) tại Việt Nam, cùng với các chuyên gia từ Hiệp hội Gỗ và chế biến Lâm sản Việt Nam: Lượng nhập khẩu gỗ của Việt Nam mấy năm qua rất lớn, gia tăng mạnh, giá trị nhập khẩu gỗ nguyên liệu nhập khẩu mỗi năm trên 1,5 tỷ USD.

Nhập khẩu gỗ của Việt Nam ngày càng tăng, trong khi đó Việt Nam chưa có cơ chế kiểm soát tính chất hợp pháp của nguồn gốc gỗ. Do đó, rủi ro đã và đang đặt ra đối với xuất khẩu ngành gỗ của Việt Nam sang các nước lớn (ảnh minh họa - nhập khẩu gỗ từ Campuchia)
Nhập khẩu gỗ của Việt Nam ngày càng tăng, trong khi đó Việt Nam chưa có cơ chế kiểm soát tính chất hợp pháp của nguồn gốc gỗ. Do đó, rủi ro đã và đang đặt ra đối với xuất khẩu ngành gỗ của Việt Nam sang các nước lớn (ảnh minh họa - nhập khẩu gỗ từ Campuchia)

Hiện, trong các thị trường Việt Nam nhập khẩu gỗ lớn nhất, có Mỹ, EU, một số quốc gia ASEAN như Lào, Indonesia... Tuy nhiên, vấn đề nhiều chuyên gia lo ngại nhất hiện nay là hàng rào tiêu chuẩn mặt hàng gỗ xuất khẩu ngày càng cao ở các thị trường. Mỹ và EU cung ứng gỗ nguyên liệu cho Việt Nam nhiều nhưng cũng nhập sản phẩm gỗ thành phẩm của Việt Nam lớn nhất.

Việc doanh nghiệp (DN) chủ yếu chú trọng vào gỗ nhập về mà không kiểm soát nguồn gốc, dễ khiến mặt hàng xuất khẩu dính những vụ kiện cáo thương mại. Tuy nhiên, "quá ham" xuất khẩu mà không quan tâm đến các vấn đề về tính hợp pháp của nguyên liệu khiến họ dễ rơi vào bẫy tự do hóa thương mại.

"Các nước đều quy định sản phẩm gỗ chế biến như bàn ghế, đồ trưng bày, giường tủ... đều phải có chứng chỉ nguồn gốc nhập khẩu, sản phẩm gỗ phải hợp pháp, không phải là hàng trái phép. Nếu các sản phẩm không đáp ứng được với các yêu cầu về tính hợp pháp đều đối mặt với các rủi ro như: cấm nhập khẩu hoặc xử phạt theo cơ chế bảo vệ rừng và tài nguyên”, nhóm của ông Phúc nêu.

"Nếu các DN tiếp tục đi săn gỗ nguyên liệu nhập khẩu, không chú trọng vào các quy định về nguồn gốc gỗ, tính hợp pháp của loài gỗ, họ rất dễ bị vướng vào các vụ kiện cáo vào các thị trường lớn như Mỹ, EU. Nếu bị phát hiện gỗ khai thác trái phép, gỗ không rõ nguồn gốc khai thác, rất có thể xuất khẩu gỗ của Việt Nam sẽ bị cấm vào các thị trường như Mỹ, EU và Nhật - nơi ngành gỗ Việt Nam đang có tăng trưởng xuất khẩu lớn và cạnh tranh được với các nước khác", ông Tô Xuân Phúc cho hay.

Theo khảo sát của nhóm nghiên cứu về gỗ và lâm sản, hiện Việt Nam có khoảng 158 DN chế tác và sản xuất các mặt hàng gỗ, trong đó có 138 DN chủ yếu xuất khẩu. Tuy nhiên, hiện 40% số DN xuất khẩu gỗ không hề hay biết và quan tâm đến các quy định về nguồn gốc và quy định từ các thị trường nhập khẩu, từ các nước.

Ông Phúc nhấn mạnh: "Gỗ tự nhiên và gỗ rừng từ Việt Nam đã không còn hoặc có rất ít. Nguồn gỗ trong nước của Việt Nam hiện nay chủ yếu ở các nguồn trong nông trường vừa và nhỏ, vườn nhà hay gỗ cao su. Hiện, gỗ cao su chế tác được ưa chuộng tại Mỹ, thời gian qua Việt Nam đã xuất khẩu được hơn 158 triệu USD sản phẩm gỗ này sang Mỹ, Nhật".

Theo các chuyên gia về xuất khẩu gỗ, điều họ lo ngại nhất hiện nay là khi các nguồn gỗ trong nước cạn kiệt, gỗ xuất khẩu giá cao, thì gỗ cao su được coi là nguồn gỗ thay thế thì chưa được các quy chuẩn về tính hợp pháp để xuất khẩu. Trong khi đó, ngành gỗ là sản xuất đặc thù, ảnh hưởng đến tự nhiên, môi trường và con người, do đó rủi ro rất lớn

"Các cánh rừng cao su già cỗi của Việt Nam ngày càng nhiều, mỗi năm có khoảng 2 - 3 triệu m3 gỗ được cung ứng cho DN xuất khẩu gỗ. Nếu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các bộ ngành liên quan chưa có chính sách công nhận tính hợp pháp, kiểm soát nguồn gốc thì các DN xuất khẩu gỗ sẽ rất rủi ro sang các nước lớn", đại diện Hiệp hội Gỗ và chế biến Lâm sản Việt Nam cho hay.

Nguyễn Tuyền