Mới có hơn 30 loại nông sản được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý

(Dân trí) - Dự báo năm 2015 kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 30 tỷ USD; nhưng theo các chuyên gia, đa số các hàng hóa nông sản Việt Nam chưa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, và đặc biệt mới có hơn 30 loại nông sản được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý.

Hội thảo khoa học quốc gia về “Nông nghiệp, Nông thôn Việt Nam”: Đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững ngày 10/11 do trường Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức đã thu hút nhiều chuyên gia, nhiều nhà khoa học tới dự góp ý cho vấn đề này.

Theo TS Trần Gia Long, Vụ Kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển, thị trường nông sản của Việt Nam thời gian qua đã có những bước phát triển mới, nhiều nông sản đã có vị thế cao trên thị trường quốc tế. Năm 2014, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 30,86% tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2013; có 10 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (gạo, cà phê, cao su, hạt tiêu, điều, sắn, hoa quả, gỗ và sản phẩm từ gỗ, tôm, cá tra). Dự báo năm 2015 kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 30 tỷ USD.

TS Long cũng đã đưa ra 5 lý do thách thức cho đổi mới tổng thể nông nghiệp là năng lực cạnh tranh của ngành nông nghiệp còn thấp; dân số tăng và nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng và an toàn thực phẩm; nông nghiệp vẫn chưa thực sự đạt được an ninh về dinh dưỡng; sức ép lao động nông thôn ngày càng tăng và biến đổi khí hậu.


(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

 

Tại hội thảo, PGS.TS Vũ Trọng Khải đề nghị cơ cấu lại nền nông nghiệp, theo đó, phải xây dựng lại chiến lược sản phẩm trên phạm vi quốc gia, từng vùng, tiểu vùng nông nghiệp sinh thái, căn cứ vào dự báo thị trường trong và ngoài nước, dựa vào lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh của quốc gia, của mỗi vùng không theo đơn vị hành chính tỉnh, thành. Đồng thời, áp dụng phổ biến mô hình quản lý theo chuỗi giá trị ngành nông sản, từ trang trại đến bàn ăn hay xuất cảng đến mạn tàu, tổ chức lại nền sản xuất nông nghiệp theo hợp đồng ở mỗi vùng và tiểu vùng nông nghiệp sinh thái.

Ông Khải cho rằng, nhà nước phải xóa bỏ các tổ chức kinh doanh nói chung và kinh doanh nông nghiệp nói riêng không theo luật doanh nghiệp hiện hành. Nhà nước cần đầu tư đào tạo miễn phí để tạo ra một đội ngũ “thanh nông tri điền”. Bên cạnh đó, nhà nước cần gia tăng đầu tư cho khoa học công nghệ để có nền nông nghiệp công nghệ cao, chứ không phải chỉ tạo ra những khu công nghiệp cao như hiện nay.

Còn theo GS Hoàng Ngọc Việt, Đại học Kinh tế Quốc dân, về quy cách và mẫu mã sản phẩm, đa số nông sản phẩm của Việt Nam chưa có được những thông số và tiêu chí cảm quan phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng nhất là người tiêu dùng ở các nước phát triển. Do vậy, phần lớn các loại nông sản phẩm của Việt Nam chưa hấp dẫn được các đối tác nhập khẩu. Nguồn gốc, xuất xứ của nông sản phẩm, đa số các hàng hóa nông sản Việt Nam chưa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, trong số hàng trăm loại nông sản phẩm được tiêu thụ ở thị trường trong và ngoài nước, mới có hơn 30 loại nông sản được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý.

GS Việt đề xuất, cần thúc đẩy việc xây dựng hồ sơ và xem xét cấp chứng chỉ chỉ dẫn địa lý cho các nông sản phẩm đã đạt quy mô sản xuất và có vị thế nhất định trên thị trường đồng thời đáp ứng được các điều kiện để cấp chứng chỉ chỉ dẫn địa lý.

TS Trần Gia Long, Vụ Kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển cho biết, tái cơ cấu ngành nông nghiệp và đổi mới tổng thể ngành nông nghiệp Việt Nam là một quá trình đòi hỏi phải có thời gian, nhưng cần được đẩy mạnh để nâng cao thu nhập của nông dân và phát triển kinh tế đất nước.

Ông Long cho rằng, phải đặt nông dân vào vị trí trung tâm và vai trò chủ thể để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Trong đó tập trung và ưu tiên đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến và tổ chức lại sản xuất, thu hút mạnh mẽ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để tạo đột phá, chuyển biến trên thực tế trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Đồng quan điểm, GS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế chia sẻ, tái cơ cấu là quá trình phức tạp, khó khăn và lâu dài cần được thường xuyên đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm để điều chỉnh phù hợp với thực tế trên cơ sở xây dựng một hệ thống giám sát, đánh giá và tham vấn thông tin phản hồi từ các bên liên quan.

Quá trình này khuyến khích sự tham gia của tất cả các thành phần kinh tế, xã hội từ trung ương đến địa phương; đẩy mạnh phát triển đối tác công tư (PPP) và cơ chế đồng quản lý, phát huy vai trò của các tổ chức cộng đồng. Nông dân và doanh nghiệp trực tiếp đầu tư đổi mới quy trình sản xuất, công nghệ và thiết bị để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn.

Hồng Hạnh

 

Mới có hơn 30 loại nông sản được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý - 2