Mới có 21% số tiền lương hưu chi trả qua tài khoản ATM
(Dân trí) - Tính đến năm 2017, có khoảng 15%, và đến tháng 2/2018 có khoảng 21% tổng số tiền thực hiện chi trả qua tài khoản ATM, tuy nhiên tỉ lệ phân bổ giữa các tỉnh, thành phố không đồng đều, chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn.
Ông Phạm Thanh Du - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính Kế toán Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết: Hiện số người nhận lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) hàng tháng qua thẻ ATM chiếm tỉ trọng thấp so với số người hưởng. Nguyên nhân là do thói quen sử dụng tiền mặt của người dân và các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt chưa được phổ biến rộng rãi trên phạm vi cả nước.
Đối với hình thức chi bằng tiền mặt, đến hết tháng 7/2018, cơ quan bưu điện đã thực hiện chi trả bằng tiền mặt cho khoảng 2,6 triệu người (chiếm 87% số người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng) với số tiền khoảng 9,5 tỷ đồng.
Trong khi đó, đối với hình thức chi qua ATM, ông Du cho biết, đến hết tháng 7/2018, cơ quan bưu điện đã thực hiện chi trả qua tài khoản cá nhân cho khoảng 468 nghìn người (chiếm khoảng 13% số người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng) với số tiền khoảng 2.373 tỷ đồng.
Tính đến năm 2017, có khoảng 15%, và đến tháng 2/2018 có khoảng 21% tổng số tiền thực hiện chi trả qua tài khoản ATM, tuy nhiên tỉ lệ phân bổ giữa các tỉnh, thành phố không đồng đều, chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn.
Việc sử dụng thẻ gặp khó khăn đối với đối tượng già, yếu, cao tuổi; số lượng máy ATM chưa nhiều, đặc biệt các vùng sâu, vùng xa. Việc quản lý người hưởng gặp khó khăn, như không nắm được đầy thông tin người hưởng, báo giảm chưa kịp thời, thu hồi số tiền chi trả rất khó khăn.
Cũng theo ông Du, những nguyên nhân khiến việc thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng gặp khó là do dự thuận tiện của tiền mặt và thói quen của người dân. Thêm vào đó tâm lý ngại thay đổi phương thức thanh toán của một bộ phận khách hàng, đặc biệt là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, người lao động phổ thông, người khó khăn về sức khỏe cùng với tâm lý e ngại vấn đề đảm bảo an ninh an toàn khi thanh toán điện tử.
Chia sẻ tại Hội thảo "Đẩy mạnh thanh toán Dịch vụ công" diễn ra sáng nay (24/8), ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước cho rằng: Trước hết cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách về thanh toán qua ngân hàng và tiếp tục thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh an toàn trong thanh toán. Thêm vào đó là triển khai ứng dụng thêm các hình thức, phương thức thanh toán qua ngân hàng tiên tiến, hiện đại phù hợp với đặc thù thanh toán của mỗi loại hình dịch vụ công...
Còn theo ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, để thúc đẩy thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với đặc điểm của từng nhóm đối tượng, từng vùng, miền, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, khu vực nông thôn nhằm nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng, dịch vụ thanh toán trong nền kinh tế, thúc đẩy các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.
“Cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức cung cấp dịch vụ công và người dân về thực hiện giao dịch thanh toán qua ngân hàng, bao gồm các khoản thuế, các loại hóa đơn định kỳ (điện, nước, học phí) và viện phí, chi trả an sinh xã hội qua ngân hàng” - ông Bùi Sỹ Lợi nói.
Hay như theo ông Nguyễn Kim Anh - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Bên cạnh việc thanh toán dịch vụ công theo các phương thức truyền thống bằng chứng từ giấy, còn có nhiều phương thức thanh toán mới, hiện đại, dễ sử dụng cho khách hàng lựa chọn như: Dịch vụ trích nợ tự động, thanh toán thẻ, giao dịch tại ATM, POS, sử dụng dịch vụ internet banking, mobile banking, sử dụng ví điện tử...
Tuy nhiên, trên thực tế, việc thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công vẫn còn khiêm tốn, phạm vi triển khai chủ yếu tập trung vào nhóm đối tượng khách hàng là các tổ chức, doanh nghiệp hoặc tại các tỉnh, thành phố lớn, điều kiện kinh tế phát triển.
An Hạ