Mới 3 tháng đầu năm, Eximbank đã có hơn 1.200 tỷ đồng nợ có khả năng mất vốn

(Dân trí) - Trong quý I/2017, mặc dù tỷ lệ nợ xấu đã tăng lên xấp xỉ 3%, tổng nợ xấu ở mức gần 2.600 tỷ đồng, tuy nhiên, trích lập dự phòng rủi ro tín dụng của ngân hàng này lại giảm tới hơn 60% so với cùng kỳ, đưa kết quả lãi tăng gấp 5, 6 lần cùng kỳ 2016.

Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank- mã chứng khoán: EIB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2017.Báo cáo này cho thấy, mặc dù kết quả hoạt động kinh doanh có cải thiện so với cùng kỳ, song chất lượng tín dụng lại giảm.

Cụ thể, tuy thu nhập lãi thuần của Eximbank trong kỳ giảm mạnh hơn 25% còn khoảng 687 tỷ đồng song lãi thuần từ hoạt động dịch vụ cải thiện, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối của ngân hàng này tăng hơn gấp đôi cùng kỳ, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư có lãi cùng việc tiết giảm chi phí hoạt động so vớic cùng kỳ nên lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Eximbank vẫn đạt hơn 303 tỷ đồng, bằng 82,5% cùng kỳ 2016.

Tỷ lệ nợ xấu tăng song trích lập dự phòng rủi ro tín dụng của Eximbank trong quý I/2017 lại giảm mạnh so cùng kỳ
Tỷ lệ nợ xấu tăng song trích lập dự phòng rủi ro tín dụng của Eximbank trong quý I/2017 lại giảm mạnh so cùng kỳ

Đáng chú ý, trong quý I, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của Eximbank chỉ ở mức 133 tỷ đồng, giảm hơn 60% so với quý I/2016, nhờ đó, tổng lợi nhuận trước thuế của Eximbank 3 tháng đầu năm ghi nhận đạt hơn 170,4 tỷ đồng, tăng gấp 5,6 lần so với cùng kỳ. Sau thuế, Eximbank đạt lãi ròng 136,4 tỷ đồng trong quý I/2017, tăng tương ứng 5,6 lần so với cùng kỳ.

Tính đến ngày 31/3/2017, dư nợ cho vay khách hàng của Eximbank đạt hơn 86.000 tỷ đồng, giảm nhẹ so với thời điểm 31/12/2016 (gần 87.000 tỷ đồng). Tiền gửi của khách hàng đạt hơn 110.000 tỷ đồng, tăng 8% so với thời điểm đầu năm.

Tổng nợ xấu của ngân hàng này đến cuối tháng 3/2017 ở mức gần 2.600 tỷ đồng, chiếm xấp xỉ 3% tổng dư nợ tín dụng (hay nói cách khác, tỷ lệ nợ xấu tại Eximbank sau 3 tháng đã tăng từ 2,95% lên 3%). Trong đó, nợ có khả năng mất vốn lên tới hơn 1.262 tỷ đồng, tăng 12% so với thời điểm 31/12/2016.

Mới đây, đại hội đồng cổ đông của Eximbank đã thông qua 14 trong tổng số 17 tờ trình của ngân hàng này, tuy nhiên tỷ lệ thông qua hầu hết lại ở mức khá thấp (hơn 56%). Còn lại 3 tờ trình không thông qua là về kinh phí/thù lao của ban kiểm soát 2017, phương án khắc phục chỉnh sửa liên quan đến Eximland (tỷ lệ 50,89%) và tờ trình sửa đổi bổ sung một số điều của điều lệ.

Đáng chú ý, cổ đông của Eximbank cũng đã yêu cầu phải đòi lại từ hội đồng quản trị và ban kiểm soát nhiệm kỳ cũ phần thù lao đã chi vượt gần 52 tỷ đồng.

Mặc dù hội đồng quản trị Eximbank nhìn nhận đó là nguyên nhân khách quan do nợ xấu tăng mạnh, xét nỗ lực của hội đồng quản trị cũ trong thời gian này hội đồng quản trị của Eximbank muốn trình thông qua mức thù lao 10 tỷ đồng/năm nhưng đã bị Ngân hàng Nhà nước bác bỏ nội dung và yêu cầu thu hồi toàn bộ gần 83 tỷ đồng đã nhận vượt. Eximbank khẳng định, sẽ yêu cầu hội đồng quản trị và ban kiểm soát cũ trả lại phần thù lao đã chi vượt ngay sau ĐHĐCĐ thường niên.

Năm 2017, Eximbank đặt kế hoạch huy động vốn và tổng dư nợ tăng lần lượt 17% và 14%, đạt 120.000 tỷ đồng và 108.875 tỷ đồng. Mục tiêu lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 600 tỷ đồng.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu EIB của Eximbank hiện ở mức 11.200 đồng/cổ phiếu sau phiên giảm 1,75% vào ngày 28/4.

Bích Diệp