"New Eximbank" có là "cứu cánh" của Eximbank?

(Dân trí) - Eximbank cho biết, trong năm 2016, ngân hàng này đã khởi động dự án “New Eximbank”. Đây là dự án tái cấu trúc và chiến lược Eximbank giai đoạn từ năm 2016 đến 2020 sẽ được công bố trong đại hội cổ đông thường niên vào ngày 21/4 tới.

Tài liệu phục vụ Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) vào ngày 21/4 của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - mã: EIB) ngoài vấn đề nhân sự hội đồng quản trị, việc chuyển nhượng cổ phần tại Sacombank, còn có dự án "New Eximbank".

Dự án “New Eximbank” được xem là "cứu cánh" giúp nhà băng này vượt qua thời kỳ khủng hoảng "thượng tầng" kéo dài, đưa Eximbank giành lại vị thế dẫn đầu thị trường về tài chính thương mại.

Dự án này được hội đồng quản trị và ban điều hành Eximbank công bố vào ngày 5/12/2016. Theo đó, ban quản lý dự án với hai người đứng đầu là ông Moriwaki Yukata, Phó TGĐ Eximbank và ông Nguyễn Quốc Hương, Phó TGĐ Eximbank với mục tiêu xây dựng dự án với một lộ trình đảm bảo rằng Eximbank sẽ thay đổi, mang lại giá trị cho nhân viên, cổ đông và khách hàng.

Dự thảo tài liệu phục vụ phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2017 của Eximbank cũng nhắc đến kế hoạch chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín
Dự thảo tài liệu phục vụ phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2017 của Eximbank cũng nhắc đến kế hoạch chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín

Dự án “New Eximbank” được xây dựng và triển khai trong vòng 24 tháng, huy động một lực lượng nhân sự chủ chốt và bao quát trên tất cả các lĩnh vực hoạt động của ngân hàng.

Exmbank có Văn phòng Quản lý Dự án (PMO) theo dõi tiến độ của tất cả các tiểu dự án trong khi tham gia sâu vào một số tiểu dự án quan trọng. PMO báo cáo cho Ban chỉ đạo để dự án New Eximbank hoàn toàn phù hợp với mục tiêu dài hạn của Eximbank.

Mục tiêu của dự án là đưa Eximbank giành lại vị thế dẫn đầu thị trường về Tài chính Thương mại, tăng cường năng lực giải pháp cũng như xây dựng được cơ sở khách hàng vững chắc gồm các tập đoàn lớn và FDI.

Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, Eximbank tập trung vào những cải tiến đáng kể về năng suất lao động, hiệu quả về chi phí, thời gian xoay vòng của qui trình, và ngân hàng kỹ thuật số.

"Chúng tôi thay đổi toàn bộ tổ chức để Hội sở hỗ trợ đơn vị kinh doanh hiệu quả hơn và tăng cường khả năng phát triển các chiến lược. Chúng tôi cũng hướng đến việc thiết lập hệ thống nhân sự công bằng và minh bạch để khuyến khích nhân viên", một lãnh đạo Eximbank nói.

Dự thảo tài liệu phục vụ phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2017 của Eximbank cũng nhắc đến kế hoạch chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - Mã: STB) mà Eximbank đang sở hữu. Hiện số lượng cổ phần mà Eximbank đang nắm hơn 165 triệu cổ phiếu STB, tương đương 8,76% cổ phần Sacombank.

Việc chuyển nhượng cổ phần STB này nhằm đảm bảo: “Ngân hàng thương mại chỉ được mua, nắm giữ cổ phiếu của một tổ chức tín dụng khác dưới 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết của tổ chức tín dụng khác đó” như quy định tại Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước.

Báo cáo tài chính của Eximbank cho thấy, kết thúc năm 2016, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn tại Eximbank là 53,23%. Tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi là 79,23%. Hệ số an toàn vốn (CAR) hợp nhất là 17,12%. Lợi nhuận trước thuế đạt gần 400 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu dưới 3%.

Kế hoạch năm 2017, Eximbank đặt lợi nhuận trước thuế đạt 600 tỷ đồng, tăng trưởng 53% so với kết quả thực hiện năm 2016. Eximbank dự kiến sẽ tăng trưởng quy mô tổng tài sản lên 150.000 tỷ đồng. Huy động vốn đạt 120.000 tỷ đồng. Tổng dư nợ cấp tín dụng đạt 108.875 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu ở mức dưới 3%.

Công Quang