"Mổ xẻ" vấn đề thép Trung Quốc giá rẻ!
Tại sao thép Trung Quốc (TQ) lại có giá rẻ đến như vậy và việc khởi kiện doanh nghiệp TQ bán phá giá thép tại thị trường Việt Nam có khả thi? Bài viết của TS Phan Minh Ngọc (Khoa kinh tế Đại học Kyushu, Nhật Bản) dưới đây sẽ trả lời những câu hỏi này.
Từ thiếu chuyển sang “đại” thừa
Đến năm 2004, TQ vẫn là nước nhập khẩu thép, lên tới 40 triệu tấn/năm, trong khi tổng mức tiêu thụ trong nước là trên 300 triệu tấn, tương đương 30% nhu cầu thép toàn cầu.
Trước đó, từ thập niên 1990, Chính phủ TQ đã áp dụng nhiều biện pháp khuyến khích phát triển ngành thép để gia tăng lượng cung trong nước như hoàn thuế, trợ cấp trực tiếp, cho vay ưu đãi, trợ giúp kỹ thuật, cấp vốn nghiên cứu và ứng dụng khoa học, cung cấp tín dụng xuất khẩu...
Kết quả là từ năm 2005, TQ đã trở thành nước xuất khẩu thép. Riêng năm tháng đầu năm 2006 TQ đã xuất gần 13 triệu tấn thép, tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tham vọng của TQ chiếm 40% sản lượng thép toàn cầu, tương đương trên 400 triệu tấn, sắp trở thành hiện thực khi mà sản lượng dự đoán trong năm nay sẽ đạt tới 390 triệu tấn, và sẽ còn tiếp tục tăng lên khoảng 400 - 419 triệu tấn trong năm sau với hơn 800 hãng sản xuất thép.
Chưa dừng lại ở đây, các dự án mới đang được triển khai sẽ tung ra thêm khoảng 119 triệu tấn/năm từ nay đến năm 2008.
Trong khi cung tăng mạnh thì ngược lại cầu lại giảm. Nhu cầu tiêu thụ nội địa TQ có xu hướng giảm trong các năm tới, trong đó có nguyên nhân các công trình xây dựng phục vụ Olympic năm 2008 theo kế hoạch phải hoàn thành trong năm nay.
Người ta dự đoán chỉ riêng trong năm nay TQ sẽ thừa tới 50 triệu tấn thép. Đầu tháng chín, giá FOB thép cuộn TQ chào bán là 420 USD/tấn thì chỉ một hai tuần sau đó đã giảm còn 360-380 USD/tấn, thấp hơn 50 USD so với giá bán thép cùng chủng loại và chất lượng của các nhà sản xuất khác trên thế giới.
Diễn biến này đã gây áp lực buộc các nhà sản xuất thép quốc tế phải tính toán giảm giá và xu hướng này sẽ còn diễn ra trong vài năm tới.
Mỹ cũng phải... “bó tay”
Một số ít quốc gia, trong đó có Úc và Indonesia, đang tiến hành điều tra xem TQ có bán phá giá thép tại những thị trường này không. Nhưng sự việc đang diễn ra theo chiều hướng bất lợi cho các nước này.
Mỹ cũng đã từng bị xử thua trong cả năm vụ kiện doanh nghiệp TQ bán phá giá thép (thép ống) và đòi áp dụng các biện pháp tự vệ theo qui định của nghị định thư WTO.
Ủy ban thương mại quốc tế của Mỹ đành phải đề xuất áp đặt hạn ngạch nhập khẩu như là một biện pháp đối phó thay cho các vụ khiếu kiện bất thành. Tuy nhiên, nếu có được chính quyền Bush thông qua thì đây cũng chỉ là một biện pháp bất thường.
Mặc dù các nước đều biết và phàn nàn việc Chính phủ TQ trợ cấp cho ngành thép nhưng có rất ít cơ sở để tiến hành các vụ kiện như Mỹ đã làm. Không có mấy loại trợ cấp của TQ cho ngành thép có thể liệt vào dạng trợ cấp “đèn đỏ”, phần lớn là những loại trợ cấp đang được áp dụng mà theo luật của WTO, chúng không bị cấm áp dụng.
Với trường hợp của VN, không có mấy lựa chọn khả thi ngoài giải pháp cắt giảm chi phí sản xuất để hạ giá thành phẩm, thu hẹp khoảng cách chênh lệch với thép nhập khẩu TQ. Con số chênh lệch 300.000 đồng/tấn hiện nay không phải quá lớn (so với mức chênh lệch trên thế giới lên đến 50 USD - tương đương 800.000 đồng).
Theo một số chuyên gia, các nhà sản xuất VN vẫn còn nhiều khả năng cắt giảm được chi phí nếu thật sự muốn, như chủ động nguồn phôi, cắt giảm chi phí gia công từ phôi...
Có nên khởi kiện bán phá giá?
Việc khởi kiện doanh nghiệp TQ bán phá giá thép vào thị trường VN là không khả thi như một số nước đã làm, chưa kể năng lực điều tra của VN có hạn. Cũng không thể áp đặt hạn ngạch nhập khẩu hoặc nâng thuế nhập khẩu vì hai lý do.
Thứ nhất là nó không có cơ sở pháp lý quốc tế chắc chắn, do đó có thể châm ngòi cho một cuộc chiến về thương mại giữa hai nước, và những biện pháp trả đũa do TQ đưa ra có thể phá vỡ các cam kết thương mại song phương.
Thứ hai, việc làm này chỉ bảo vệ lợi ích cho các nhà sản xuất thép nhưng bất công với người tiêu dùng vì các nhà sản xuất thép có trong tay những lựa chọn khả thi để giảm giá thành nhưng không muốn áp dụng.
Cũng phải cân nhắc trước khi điều tra chống bán phá giá, đó là không thể phủ nhận một thực tế là TQ công khai không ủng hộ việc sản xuất để rồi xuất khẩu tràn lan thép ra thế giới.
Họ đã tích cực trong việc kiềm chế tăng trưởng nóng của ngành thép như cắt giảm trợ cấp sản xuất thép tấm và thép thỏi, xóa bỏ mức hoàn thuế 3% cho thép xuất khẩu, tăng cường tái cơ cấu và sáp nhập các doanh nghiệp, tiến hành xóa sổ các doanh nghiệp qui mô nhỏ (sản xuất hơn 100 triệu tấn thép) không đáp ứng được các tiêu chuẩn công nghệ và môi trường, dừng cho vay xây dựng lò luyện than cốc...
Những biện pháp này không giảm ngay sản lượng thép TQ nhưng cho thế giới biết rằng Chính phủ TQ muốn ổn định và tăng cường tính bền vững của ngành thép TQ và thế giới.
Theo TS Phan Minh Ngọc
Báo Tuổi trẻ