1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

“Mổ xẻ” tác động kinh tế của cúm A/H1N1

Nhiều nghiên cứu đã cho thấy một bức tranh tối màu về khả năng gây hại của dịch cúm A/H1N1 (hay còn gọi là cúm lợn) đang diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu thời gian này đối với nền kinh tế thế giới.

“Mổ xẻ” tác động kinh tế của cúm A/H1N1 - 1
Nhân viên bán hàng và khách cùng đeo khẩu trang phòng cúm lợn
trong một siêu thị ở Mexico (ảnh: Getty Images/Economist).
 
Chẳng hạn, theo tính toán do các nhà kinh tế của Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra hồi năm ngoái, một trận đại dịch với tỷ lệ tử vong ở người ngang bằng với tỷ lệ tử vong do dịch cúm Tây Ban Nha tấn công thế giới năm 1918 - 1919 có thể khiến GDP toàn cầu sụt giảm tới 4,8%.

Mặc dù những nghiên cứu kiểu như vậy có thể giúp nhận diện được những tác động kinh tế của dịch cúm A/H1N1, nhiều chuyên gia tin rằng, suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay sẽ khiến tác động kinh tế của dịch cúm này không khủng khiếp như dự báo.

Lý do là, nền kinh tế thế giới - dù cho dịch cúm có xảy ra hay không - thì cũng đã đang ở trong quá trình sụt giảm, tương tự như đã chịu tác động của một trận dịch lớn.

Các nhà kinh tế lập luận, một trận dịch có thể tác động tới cả tình hình nguồn cung và nhu cầu của thế giới, nhưng bản thân hai yếu tố này ở thời điểm hiện tại đã chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi tình hình bất ổn và những mối lo sợ đang hiện hữu trong tình hình suy thoái hiện nay, trong đó có cả khả năng xuất hiện của một trận dịch trên diện rộng.

Những bất ổn và lo sợ này khiến chi tiêu của người tiêu dùng sụt giảm và hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp bị đình lại.

Những gì mà châu Á đã trải qua với dịch SARS đã chứng minh cho tác động của bệnh dịch đối với tình hình nhu cầu. Dịch SARS đã khiến tiêu dùng cá nhân tại những nền kinh tế xảy ra dịch sụt giảm mạnh. Người dân châu Á ở những nước có dịch khi đó đã tránh việc đi ra ngoài, giống như ở Mexico hiện nay.

Vào ngày 29/4 vừa qua, Tổng thống Mexico Felipe Calderón đã ra lệnh ngừng tất cả những hầu hết mọi hoạt động trên phạm vi toàn quốc từ ngày 1/5 tới ngày 5/5.

Các sự kiện thể thao và các buổi hòa nhạc bị hủy bỏ, các quán bar và câu lạc bộ bị đóng cửa, và xu hướng không ra ngoài của người dân đã khiến ngành dịch vụ và bán lẻ của thành phố Mexico City thiệt hại 55 triệu USD mỗi ngày kể từ ngày 24/4 - thời điểm mà chính quyền bắt đầu đóng cửa các trường học.

Con số thiệt hại này được dự kiến sẽ tăng gấp đôi sau khi lệnh đóng cửa được áp dụng cho các nhà hàng.

Thị trường tài chính cũng phản ứng mạnh trước tin dịch cúm A/H1N1 bùng phát. Đồng Peso của Mexico đã mất giá 5,5% so với USD kể từ khi tình trạng khẩn cấp được ban bố tới ngày 30/4.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Mexico Agustín Carstens dự báo, dịch cúm này có thể khiến GDP của Mexico giảm 0,3 - 0,5% nếu dựa trên những gì mà châu Á đã trải qua ở các trận dịch trước.

Nhà kinh tế Luis Flores tại Ngân hàng IXE của Mexico thì cho rằng, thâm hụt ngân sách của Chính phủ Mexico năm nay có thể tăng thêm 0,7% GDP.

Dịch cúm A/H1N1 hiện nay xảy ra khi niềm tin của người tiêu dùng trên thế giới đã ở mức thấp. Do đó, bất kỳ sự giảm sút nhu cầu nào nếu có do cúm A/H1N1 gây ra sẽ nhỏ hơn so với sự sụt giảm nhu cầu do dịch SARS gây ra. Khi xảy ra dịch SARS, số khách đi bằng đường hàng không tới Hồng Kông đã giảm gần 2/3 trong gần 1 tháng trời.

Tuy nhiên, nếu trở thành đại dịch, cúm A/H1N1 sẽ làm suy giảm những tia hy vọng về sự phục hồi nhanh chóng của kinh tế toàn cầu khỏi giai đoạn suy thoái hiện nay. Thêm vào đó, dịch cúm này sẽ khiến người ta càng có thêm lý do để tin rằng, tình trạng kinh tế u ám hiện nay sẽ còn tiếp diễn.

Tình trạng bất ổn do bệnh dịch gây ra cũng có thể khiến hoạt động đầu tư giảm sút. Sự lo ngại về mức độ an toàn, dù có lý hay không, cũng gây ra những rủi ro cho hoạt động thương mại.

Hiện Trung Quốc đã cấm nhập khẩu thịt lợn từ Mexico, mặc dù không có bằng chứng nào cho thấy thịt lợn làm lây lan virus cúm. Thương mại toàn cầu vốn đã đang sụt giảm mạnh, do đó, những phản ứng tương tự lan rộng có thể khiến sự sụt giảm này tăng tốc thêm.

Khả năng phát sinh những tác dụng phụ của bệnh dịch đối với phía nguồn cung chủ yếu phụ thuộc vào số người mắc bệnh hoặc chết do bệnh.

Những người mắc bệnh không thể làm việc, trong khi những người khác phải dành thời gian để chăm sóc họ. Điều này có tác động ngay lập tức tới quy mô của lực lượng lao động, nhưng hậu quả sau đó có thể kéo dài nhiều năm.

Khó có thể tính được chi phí cho những người chết và nhập viện vì bệnh dịch trên phạm vi toàn thế giới nếu chưa có thông tin về chi phí y tế ở từng nước. Tuy nhiên, một số chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào năm 1999 đã ước tính rằng, một trận đại dịch ảnh hưởng tới 15-35% dân số Mỹ có thể gây thiệt hại 71,3-166,5 tỷ USD (tính theo sức mua của đồng USD vào năm 1999).

Phần lớn thiệt hại này đến từ sự giảm sút sản lượng lao động mà người những người ốm và chết vì dịch lẽ ra đã đem lại. Tuy nhiên, do kinh tế thế giới đang ở trong tình trạng sụt giảm tăng trưởng, số người thất nghiệp hiện đã cao hơn so với những thời điểm bình thường.

Điều này có nghĩa là, có thể thiệt hại mà cúm A/H1N1 gây ra thêm cho nền kinh tế Mỹ sẽ nhỏ hơn so với con số mà các chuyên gia WHO đã đưa ra như trên.

Dịch cúm A/H1N1 hiện nay và những lo ngại đi cùng xuất hiện khi kinh tế thế giới đang ở trong giai đoạn suy thoái tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ 2, nên tình trạng suy thoái hiện có rất có thể sẽ khiến tác động của dịch cúm A/H1N1 sẽ không tồi tệ như trong trường hợp dịch xảy đến trong điều kiện bình thường.

Trong trường hợp xảy ra đại dịch, có lẽ đây sẽ là điều duy nhất mà thế giới cảm thấy được an ủi.

Theo Mai Phương
The Economist/VnEconomy