Mở thêm nhiều kênh đầu tư vào hạ tầng

Hàng loạt dự án đầu tư công tới đây phải chuyển đổi hình thức đầu tư với sự tham gia của các thành phần kinh tế khác, thậm chí có những dự án sẽ phải bán lại phần vốn của Nhà nước...

Mở thêm nhiều kênh đầu tư vào hạ tầng - 1
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh.
 
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh đã khẳng định như vậy và cho biết: Theo tính toán, chỉ riêng các công trình đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ (TPCP) đang dở dang, nhu cầu vốn để hoàn thành số công trình này trong giai đoạn 2011-2015 đã lên đến 500.000 tỉ đồng.

 

Trong khi đó, theo nghị quyết của Quốc hội, vốn TPCP phát hành trong giai đoạn này không được vượt quá 225.000 tỉ đồng, mà trong năm 2011 chúng ta đã sử dụng hết 45.000 tỉ đồng.

 

Như vậy trong bốn năm còn lại, từ 2012-2015, nguồn vốn TPCP có thể phân bổ đến năm 2015 chỉ còn 180.000 tỉ đồng, đáp ứng khoảng 36% nhu cầu. Gần hai phần ba số công trình đầu tư từ vốn TPCP, chưa kể một số lượng lớn các công trình đầu tư từ nguồn vốn ngân sách khác, sẽ không thể tiếp tục triển khai mà phải chuyển sang các hình thức khác.

 

Việc xây dựng và thẩm định danh mục các dự án sẽ được phân bổ vốn TPCP giai đoạn 2012-2015 sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông?

 

Trước hết, các bộ, ngành và địa phương có dự án đầu tư vốn từ nguồn TPCP phải có trách nhiệm tổ chức rà soát và lập danh mục các dự án, gồm các dự án hoàn thành, đã bàn giao và đưa vào sử dụng trước ngày 31-12-2011 nhưng chưa bố trí đủ vốn; danh mục dự án có khả năng hoàn thành trong năm 2012, trong năm 2013 và danh mục các dự án còn lại.

"Cắt giảm đầu tư công nhưng cũng phải mở ra những kênh đầu tư mới để bù đắp khoản cắt giảm này, đó là kêu gọi các thành phần kinh tế khác cùng tham gia hoặc bán lại dự án. Nhà nước không nhất thiết phải ôm các dự án hay công trình có khả năng thu hút được các nguồn vốn khác trong xã hội" - Bộ trưởng Bùi Quang Vinh.

 

Việc bố trí vốn sẽ thực hiện theo thứ tự ưu tiên, trong đó những dự án cần và có khả năng hoàn thành trong năm 2012, nếu còn vốn mới tiếp tục phân bổ cho những dự án hoàn thành trong năm 2013. Tiêu chí để xem xét là tiến độ ghi trong quyết định đầu tư, khả năng cân đối vốn và khả năng hoàn thành của công trình theo tiến độ. Căn cứ trên cơ sở này, Bộ Kế hoạch - đầu tư cùng Bộ Tài chính sẽ xem xét, dự kiến phương án phân bổ vốn để trình Thủ tướng Chính phủ.

 

Với việc gần 70% số dự án còn lại trong danh mục các dự án đầu tư từ nguồn vốn TPCP sẽ không được tiếp tục bố trí vốn, trong khi các dự án này đang được đầu tư dở dang, theo ông, đâu là giải pháp để tránh lãng phí?

 

Đây là vấn đề gây đau đầu không chỉ đối với những bộ, ngành và địa phương có các dự án mà cả Chính phủ. Nếu dự án đã đầu tư dở dang mà không thể tiếp tục thực hiện không những gây lãng phí mà còn bức xúc đối với người dân.

 

Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Chính phủ, những dự án còn lại trong nhóm này cũng phải được tính toán các phương án xử lý phù hợp, đó là chuyển đổi hình thức đầu tư, thậm chí có thể bán lại cho các thành phần kinh tế khác tiếp tục thực hiện...

 

Tôi lấy ví dụ, đối với các dự án có khả năng sinh lợi nhưng không thể bố trí nguồn vốn được, các bộ ngành và địa phương rà soát, lập danh sách để kêu gọi các thành phần kinh tế khác tham gia, không hạn chế đối tượng trong và ngoài nước, tất nhiên trên cơ sở xem xét các doanh nghiệp có tiềm lực và kinh nghiệm. Các hình thức chuyển đổi có thể áp dụng như BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), BT (xây dựng - chuyển giao), PPP (đầu tư theo hình thức đối tác công - tư)... Ngoài ra, một số dự án có thể được bán lại cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

 

Nói tóm lại, những dự án còn lại sẽ được tạo điều kiện chuyển đổi hình thức đầu tư, kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia từng dự án cụ thể, trong đó Nhà nước có thể rút toàn bộ vốn đã đầu tư hoặc Nhà nước góp một phần vốn đã đầu tư cùng doanh nghiệp tiếp tục đầu tư và cùng khai thác, Nhà nước chuyển nhượng toàn bộ vốn đã đầu tư vào dự án cho chủ đầu tư mới. Tất nhiên, không loại trừ những dự án không thể chuyển đổi và phải hoãn lại đến sau năm 2015. Nhưng tôi cho rằng chúng ta phải chấp nhận điều này, khi mà yêu cầu đảm bảo an ninh tài chính, kiềm chế lạm phát... đang được đặt lên hàng đầu.

 

Theo ông, làm thế nào để vẫn đạt được mục tiêu giảm dần đầu tư công, nhưng vẫn đảm bảo được nhu cầu đầu tư hạ tầng cho phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới?

 

Có thể nói hầu hết các công trình đầu tư hiện nay từ đường sá, cầu cống, bệnh viện, trường học... đều cần thiết, do VN vẫn là một quốc gia đang phát triển. Hạ tầng kỹ thuật có tốt thì kinh tế mới phát triển được. Tuy nhiên, theo tôi, quan điểm đầu tư công tới đây cần có sự thay đổi, Nhà nước không thể ôm đồm hết 100% mà phải huy động nguồn lực từ nhiều thành phần kinh tế khác.

 

Tôi lấy ví dụ, nhiều dự án về giao thông như đường bộ, đường sắt, các dự án về cụm cảng, trường học hay bệnh viện... hoàn toàn có thể thu hút được sự tham gia của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nếu thấy cần thiết, Nhà nước chỉ đầu tư một phần vốn theo kiểu hợp tác công - tư, trong đó Nhà nước chỉ đầu tư tối đa 30% giá trị công trình, chủ yếu phục vụ khâu giải phóng mặt bằng hoặc hỗ trợ tài chính, còn lại là các doanh nghiệp tham gia và cùng thu hồi vốn.

 

Theo Hải Đăng
Tuổi trẻ