Mở rộng đối tượng được vay ưu đãi mua nhà

TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, cần mở rộng đối tượng được hưởng lãi suất ưu đãi, thay vì chỉ giới hạn ở phân khúc nhà ở xã hội và dành cho người thu nhập thấp hiện nay.

TS
TS. Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia
 
Việc triển khai gói tín dụng lãi suất ưu đãi 30.000 tỷ đồng để hỗ trợ người thu nhập thấp mua nhà ở đến nay vẫn còn khá chậm. Theo ông, tác dụng của gói tín dụng này có được như kỳ vọng?

 

Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng chưa thấm vào đâu với thị trường bất động sản đang trong tình trạng đóng băng hiện nay. Để chương trình kích cầu tín dụng có tác động đến thị trường nhà, đất, cần có biện pháp mạnh hơn và mở rộng đối tượng được hưởng mức lãi suất ưu đãi 6%/năm để mua nhà ở.

 

Cụ thể, với khu vực tại TP.HCM và Hà Nội, những nơi có nhu cầu cao về nhà ở và nhu cầu của khách hàng luôn tăng cao, thì phải có chính sách mở rộng hỗ trợ.

 

Thay vì chỉ có người thu nhập thấp mới được hưởng ưu đãi, khách mua căn hộ có giá trị từ 1 tỷ đồng trở xuống, cần được ngân hàng xem xét hỗ trợ lãi suất vay mua nhà.

 

Ở các tỉnh, thành phố khác, khách mua căn hộ có giá trị 500 – 700 triệu đồng cũng nên được hưởng lãi suất ưu đãi nói trên, thì kích được cầu trên thị trường bất động sản.

 

Theo ông, khó khăn nhất trong việc triển khai gói vốn 30.000 tỷ đồng hiện nay là gì?

 

Khó khăn nhất là xác nhận khách hàng có thu nhập thấp. Theo tôi, với cách làm hiện nay, sẽ rất khó thành công, vì ở Việt Nam, không dễ để xác định được mức thu nhập nào là thấp. Hơn nữa, cũng không dễ xác định nhà ở thế nào là nhà ở xã hội.

 

Đánh giá của ông về thị trường bất động sản trong ngắn hạn?

 

Thị trường bất động sản Việt Nam đã méo mó trong một thời gian dài, giá bất động sản được đẩy lên khá cao trong nhiều năm. Tuy nhiên, khác với các nước trên thế giới, thị trường nhà, đất Việt Nam vẫn còn nhiều lợi thế, khi phân khúc nhà ở có giá trị trên dưới 1 tỷ đồng/căn rất hút khách hàng. Trong khi đó, lượng cung của phân khúc này chưa được thị trường đáp ứng đủ, nên còn nhiều dư địa để khai thác.

 

Vậy giải pháp trong thời gian tới là gì, thưa ông?

 

Thị trường bất động sản khó có thể kỳ vọng tan băng trong thời gian ngắn, ít nhất cũng phải 2 - 3 năm nữa mới có thể hồi phục. Với các giải pháp kích cầu bằng tín dụng, sẽ làm ấm dần thị trường nhà, đất. Sau đó, mới có thể kỳ vọng các phân khúc cao cấp hơn phục hồi khi kinh tế tăng trưởng, nợ xấu của ngành ngân hàng được giải quyết và tín dụng tăng trở lại.

 

Hiện các ngân hàng cũng rộng cửa hơn trong cho vay bất động sản so với trước đây. Trước mắt, nhà băng chỉ tập trung cho khách hàng cá nhân mua nhà để ở, nhưng về dài hạn, khi nợ xấu được giải quyết và thị trường bất động sản ấm lên, thì việc rót vốn cho chủ đầu tư để triển khai dự án cũng sẽ được ngân hàng xem xét. Tuy nhiên, về phía chủ đầu tư, cũng cần điều chỉnh giá bán về mức hợp lý hơn nữa, thì mới kích thích được nhu cầu từ khách hàng.

 

Theo Thùy Vinh

Đầu tư