Mỏ quặng sắt ở Australia Hòa Phát vừa mua làm ăn ra sao?

(Dân trí) - Theo Argus, các chủ sở hữu trước đây của mỏ Roper Valley đã phải vật lộn để duy trì sản xuất ở mức chi phí tương đối cao trong khi hoạt động ở mức thấp.

Mỏ quặng sắt ở Australia Hòa Phát vừa mua làm ăn ra sao? - 1

Theo Hòa Phát, mỏ Roper Valley có trữ lượng 320 triệu tấn với công suất khai thác 4 triệu tấn/năm (Ảnh: NTIO).

Tập đoàn Hòa Phát vừa mua dự án quặng sắt Roper Valley của Australia ở lãnh thổ phía Bắc (NT). Đây là một phần trong kế hoạch nhằm đảm bảo nhu cầu quặng sắt ít nhất 10 triệu tấn/năm của tập đoàn này thông qua quyền sở hữu mỏ của Australia. Tuy nhiên, chi tiết giá trị giao dịch vẫn chưa được tiết lộ.

Tập đoàn do ông Trần Đình Long làm Chủ tịch HĐQT cũng đang tìm cách mua lại các mỏ than cốc của Australia để tự chủ về nguồn nguyên liệu thép chủ chốt.

Hiện các dự án và mỏ quặng sắt ở Australia được giao dịch ở mức cao do giá sắt thép trên thị trường đang cao. Trong khi đó, một số mỏ than cốc được rao bán với giá rẻ hơn do lệnh cấm nhập khẩu than Australia của Trung Quốc.

Theo một thỏa thuận ban đầu được ký kết hồi tháng 2, Ủy ban Đầu tư nước ngoài Liên bang Australia đã chấp thuận cho Tập đoàn Hòa Phát mua lại dự án quặng sắt Roper Valley, được biết đến với tên gọi Roper River của Công ty Al Rawda Resources của UAE. Mỏ này có trữ lượng 320 triệu tấn với công suất khai thác 4 triệu tấn/năm, theo Hòa Phát.

Tuy nhiên, theo Argus, các chủ sở hữu trước đây của mỏ Roper Valley đã phải vật lộn để duy trì sản xuất ở mức chi phí tương đối cao trong khi hoạt động ở mức thấp.

Công ty Al Rawda đã mua lại dự án Roper River từ các nhà quản lý từ năm 2016 thông qua công ty con tại Australia là Northern Territory Iron Ore. Năm 2018, công ty này đã nộp đơn lên chính quyền NT để mở lại mỏ song từ đó đến nay mỏ này vẫn chưa được hoạt động trở lại.

Chủ sở hữu trước của mỏ này là Sherwin Iron - một trong những công ty khai thác các mỏ quặng sắt nhỏ đầu tiên tại Australia - đã tham gia quản lý dự án này từ tháng 7/2014 khi giá quặng có hàm lượng 62% sắt ở mức 95 USD/tấn tại Trung Quốc. Mỏ này có chi phí tương đối cao và chỉ xuất xưởng khoảng 300.000 tấn quặng chứa hàm lượng trung bình 58,5% sắt. Điều này khiến giá bị giảm mạnh so với mức giá quặng có hàm lượng 62% sắt. Sau đó, mỏ này đã được chuyển cho các nhà quản lý địa phương.

Roper River khi đi vào hoạt động được ước tính có trữ lượng 488 triệu tấn. Trong khi đó, Sherwin Iron dự báo mỏ có tiềm năng sản xuất được  81 triệu tấn quặng chứa trung bình 57% sắt.

Hiện chi phí sản xuất ở Australia đã thấp hơn nhiều so với năm 2014. Tuy nhiên, mức chi phí này đang bắt đầu tăng lên khi việc đóng cửa biên giới nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 khiến cho việc thu hút lao động có tay nghề cao trở nên khó khăn hơn. Trong khi đó, giá quặng sắt đang tiến sát mức cao kỷ lục khiến cho nhiều dự án đang nằm im lâu nay rục rịch sản xuất trở lại.