Mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia xử lý ngân hàng yếu kém

(Dân trí) - Bên cạnh quy định mức sở hữu cổ phần tối đa 20% của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tại ngân hàng nội sẽ không phải được sự chấp nhận của Thủ tướng thì mức trần 30% tại các tổ chức tín dụng cổ phần yếu kém cũng được dỡ bỏ.

Mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia xử lý ngân hàng yếu kém
Mức trần chung đối với các nhà đầu tư nước ngoài được nắm sở hữu tại ngân hàng Việt Nam đang ở mức 30%.

Theo Nghị định 69 của Chính phủ ban hành ngày 20/4/2007, tổng mức sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài và người có liên quan của các nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam chỉ được tối đa ở mức 30%.

Trong đó, một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài chỉ có thể sở hữu tối đa 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng Việt Nam nếu được Thủ tướng Chính phủ cho phép.

Tuy nhiên, tại văn bản gửi báo chí ngày 20/5, cơ quan điều hành tiền tệ cho biết, dự kiến, mức sở hữu cổ phần tối đa của một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài 20% sắp tới sẽ không phải được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, trong trường hợp đặc biệt, để thực hiện cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, Thủ tướng Chính phủ quy định tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài và người có liên quan của các nhà đầu tư nước ngoài đó tại một tổ chức tín dụng cổ phần yếu kém được cơ cấu lại vượt quá giới hạn quy định trên đối với từng trường hợp cụ thể.

Các quy định mới này được xây dựng tại Nghị định thay thế Nghị định 69 đang được NHNN trình Chính phủ ký ban hành. 

Nghị định mới căn cứ theo tỷ lệ mức sở hữu cổ phần của một cổ đông (15%) được quy định tại Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 và chủ trương khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào quá trình tái cơ cấu các ngân hàng cổ phần yếu kém tại Quyết định 254 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015”.

Bích Diệp