Minh bạch với "đất vàng": Sao không đấu thầu?

UBND TPHCM vừa chấp thuận giao 4.953 m2 “đất vàng” tại số 8 - 12 Lê Duẩn cho Công ty cổ phần Hòn Ngọc Viễn Đông. Đây là điều bất ngờ, vì trước đó chưa lâu, Chủ tịch Lê Hoàng Quân đã chỉ đạo chuẩn bị đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư cho khu đất này...

Trường hợp “khó hiểu”

Khu đất 8-12 Lê Duẩn nằm ở khu trung tâm TPHCM, với ba mặt tiền đường Lê Duẩn, Hai Bà Trưng và Nguyễn Văn Chiêm. Một vị trí đắc địa.

Khi chủ trì cuộc họp để nghe các ngành liên quan đề xuất các mặt bằng xây khách sạn cao cấp (cuối năm 2007), Chủ tịch Lê Hoàng Quân đã thống nhất chủ trương xây cao ốc có chức năng trung tâm thương mại và khách sạn 5 sao tại khu đất này.

Cũng tại cuộc họp trên, Chủ tịch Lê Hoàng Quân đã giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan để thực hiện việc đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư cho khu đất. Nhưng miếng đất này quá đẹp nên bốn công ty đang thuê sử dụng đã cầu cứu đến sự can thiệp của cơ quan chủ quản.

Thế là đầu năm 2008, Bộ Công Thương đề nghị UBND TPHCM cho 4 công ty này được làm chủ đầu tư dự án hoặc mua chỉ định khu đất. Nhưng chính quyền TPHCM đã từ chối đề nghị của Bộ Công Thương, vì cho rằng khu đất thuộc tài sản nhà nước, do Công ty quản lý kinh doanh nhà thành phố quản lý và cho thuê.

Chính quyền thành phố viện dẫn Quyết định 09 của Thủ tướng Chính phủ (về việc sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước), theo đó, việc bán tài sản, chuyển nhượng quyền sử dụng đất của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, công ty nhà nước phải thông qua hình thức đấu giá.

Trên thực tế khu đất số 8-12 Lê Duẩn đã không được chính quyền thành phố đấu giá cũng như đấu thầu chọn nhà đầu tư (dù có rất nhiều nhà đầu tư muốn đầu tư), mà được giao cho Công ty cổ phần Hòn Ngọc Viễn Đông - một doanh nghiệp mới được thành lập gồm 3 cổ đông là Công ty Quản lý kinh doanh nhà thành phố (đơn vị đang được thành phố giao quản lý và cho thuê khu đất này), Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn và Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn. Vì sao như thế thì cho đến nay chính quyền thành phố chưa đưa ra lời giải thích nào.

Ông Đặng Văn Khoa, Đại biểu Hội đồng nhân dân TPHCM, cho rằng quyết định của chính quyền thành phố về khu “đất vàng” này là quá tùy tiện.

Theo ông Khoa, không riêng khu đất 8-12 Lê Duẩn, tất cả các khu “đất vàng” trên địa bàn thành phố là tài sản quốc gia vì vậy chính quyền thành phố cần phải tổ chức đấu thầu công khai, minh bạch để sử dụng sao cho có hiệu quả nhất. “Việc giao đất không qua đấu giá, đấu thầu rất dễ dẫn đến tiêu cực”, ông Khoa nói.

Ông Lê Hiếu Đằng, Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM, cho rằng do các khu “đất vàng” hiện nay được giao cho nhà đầu tư một cách không rõ ràng nên người dân có quyền nghi ngờ về tính minh bạch.

Bất nhất giao đất và đấu thầu?

Còn nhớ hồi giữa năm ngoái, khi nhu cầu đầu tư cao ốc trong khu trung tâm thành phố tăng cao, chính quyền đã công bố các dự án cao ốc tại 20 ô phố, là những khu “đất vàng”, để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư.

Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng vào việc tham gia đấu thầu các dự án này nhưng thực tế diễn ra không như mong đợi của họ. Vì ngay sau khi các ô phố được công bố, nhiều ô phố trong số này đã “có chủ”.

Nhiều khu “đất vàng” trị giá hàng trăm triệu USD giống như khu 8-12 Lê Duẩn cũng đã được chính quyền TPHCM giao cho một số nhà đầu tư mà không có đấu thầu như dự định ban đầu. Ngay cả khi việc tổ chức đấu thầu đối với các khu “đất vàng” diễn ra, cách thức tiến hành cũng còn nhiều điều để bàn.

Kết quả đấu thầu khu đất tại tam giác Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão và Nguyễn Thái Học vừa được chính quyền thành phố công bố chưa thật sự thuyết phục các nhà đầu tư, nhất là về tính minh bạch trong đấu thầu, khiến một số nhà đầu tư bất bình.

Theo quy hoạch của thành phố, khu đất rộng 13.000 mét vuông này sẽ được đầu tư xây dựng cao ốc 55 tầng.

Ngay sau khi mở thầu có đến 100 nhà đầu tư mua hồ sơ dự thầu - cho thấy khu đất có sức hút rất lớn - dù giá sàn đầu tư là 4.700 tỉ đồng. Sau các vòng sát hạch của Hội đồng đấu thầu, còn lại hai nhóm nhà đầu tư vào “vòng chung kết” là liên danh Thái Sơn (gồm 8 nhà đầu tư) và liên danh Khánh Gia (gồm 5 nhà đầu tư). Cuối cùng, Hội đồng đấu thầu đã chọn liên danh Thái Sơn là chủ đầu tư khu “đất vàng” này.

Ông Thái Văn Rê, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, kiêm Chủ tịch Hội đồng đấu thầu, thừa nhận việc đấu thầu các khu đất chưa có tiền lệ nên có nhiều vấn đề phát sinh.

Tuy nhiên, theo ông, việc đấu thầu này đã thể hiện sự minh bạch và bình đẳng hơn cho các nhà đầu tư muốn đầu tư vào các khu “đất vàng”; đồng thời đem về cho ngân sách thành phố hàng ngàn tỉ đồng mà nếu giao đất thì không thể nào có được.

Trong khi đó liên danh Khánh Gia cho biết đang khởi kiện quyết định công nhận kết quả đấu thầu của chính quyền thành phố, vì cho rằng việc đấu thầu thiếu công bằng, minh bạch.

Tiền hỗ trợ ngân sách trong việc đấu thầu là tiền gì?

Kết quả đấu thầu hai khu đất (Văn Thánh và khu tam giác Trần Hưng Đạo - Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Thái Học) thu về cho thành phố hơn 2.000 tỉ đồng. Thế nhưng trong cuộc đấu thầu, số tiền này được gọi là tiền hỗ trợ cho ngân sách thành phố của các nhà đầu tư.

Việc quy định phải có sự hỗ trợ cho ngân sách thành phố trong hồ sơ đấu thầu dự án như hiện nay có lẽ không ổn. Có thể nói, việc đóng góp cho ngân sách thành phố khi nhà đầu tư thực hiện các dự án cao ốc là cần thiết - để thành phố đầu tư vào hạ tầng - nhưng cần phải có quy định rõ ràng, không thể gọi là tiền hỗ trợ.

Thiết nghĩ, khi nhà đầu tư thực hiện các cao ốc, đồng nghĩa với việc gây sức ép lên hạ tầng đô thị (tăng nhu cầu về điện, nước, rác thải...). Vì vậy nhà đầu tư phải có nghĩa vụ đóng thuế để Nhà nước đầu tư cải thiện hệ thống hạ tầng đô thị. Cho nên, cần có luật để quản lý việc thu phí đầu tư hạ tầng do sức ép từ dự án gây ra.

Theo Quang Chung
Thời báo Kinh tế Sài Gòn