Microsoft - FPT “bắt tay” chiến lược
Theo ông Christophe Deriac, Tổng giám đốc Microsoft Việt Nam, Microsoft sẽ cùng với FPT xây dựng trung tâm năng lực cạnh tranh của Microsoft (MCC) tại FPT từ quý I/2006.
Trung tâm này được thực hiện theo mô hình cùng đầu tư, sẽ chịu trách nhiệm đào tạo và ứng dụng toàn diện các kỹ năng mới nhất của Microsoft, giúp đào tạo ra những chuyên gia vững vàng về công nghệ Microsoft.
FPT hiện cũng là công ty đầu tiên thực hiện mô hình MCC với tập đoàn Microsoft và mô hình này cũng thể hiện cam kết của Microsoft trong việc hỗ trợ Việt Nam đào tạo đội ngũ chuyên gia kỹ thuật.
Theo dự kiến, FPT sẽ cử từ 15-20 cán bộ học về công nghệ Microsoft do các chuyên gia của Microsoft giảng dạy. Khóa học sẽ được tiến hành trong khoảng 6 tháng và tiếp tục thực hiện các dự án thử nghiệm trong 6 tháng tiếp theo.
Sau khi đã có trình độ vững vàng, đội ngũ này sẽ tiếp tục sử dụng để đào tạo tiếp cho các học viên khác. Mục tiêu là có được một đội ngũ nắm vững về công nghệ Microsoft, từ đó có thể đưa lực lượng này ra tác chiến tại các nước khác trong khu vực.
Ngoài việc xây dựng trung tâm MCC, hai bên sẽ hợp tác trong các lĩnh vực bao gồm mảng dự án chuyển đổi và tái phát triển ứng dụng từ Lotus Notes sang công nghệ Microsoft trong khu vực Đông Nam Á; hợp tác về các giải pháp cho Chính phủ và các bộ, ngành tại Việt Nam; hợp tác xây dựng mô hình tối hưu triển khai cơ sở hạ tầng trên nền công nghệ Microsoft trong khu vực; hợp tác trong mảng dự án phát triển phần mềm ứng dụng cho công nghệ thông tin di động và thiết bị nhúng; hợp tác triển khai các giải pháp của Microsoft cho mảng doanh nghiệp tại Việt Nam và trong khu vực.
Ngoài ra, Microsoft cũng sẽ hỗ trợ triển khai chương trình giảng dạy cho Trường Đại học Tư thục FPT và các hoạt động đào tạo, thi chứng chỉ Microsoft tại Việt Nam.
Ông Trương Gia Bình, Tổng giám đốc FPT cho biết: FPT hiện đang triển khai một hợp đồng với một khách hàng là một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực dầu khí về chuyển đổi và tái phát triển ứng dụng từ Lotus Notes sang công nghệ Microsoft rất lớn tại Malaysia có trị giá lên tới nhiều triệu USD. Việc hợp tác trên được xem là tự nhiên và có lợi cho cả hai bên.
Ông Nguyễn Thành Nam, Giám đốc Công ty Phần mềm FPT (FPT Software) nhận xét: bản chất quan hệ đối tác là có lợi cho nhau. Microsoft cung cấp công nghệ phần mềm còn các công ty Việt Nam có thể đi cùng với Microsoft để chuyển công nghệ này tới các doanh nghiệp. Bản thân FPT Software cũng bắt đầu hợp tác với một công ty phần mềm lớn trong nước để phát triển hoạt động của mình ra nước ngoài.
Mong muốn của Microsoft là sử dụng FPT như mô hình mẫu chuẩn để các công ty khác noi theo. “Hy vọng qua sự hợp tác này, Việt Nam sẽ có cơ hội để trở thành điểm sáng về ICT trên bản đồ thế giới”, ông Christophe Deriac nói.
Theo Thanh Hà
Thời báo KTVN