Phú Yên:

Mía ngã, giá thấp, người trồng thấp thỏm lo thua lỗ

(Dân trí) - Đang vào vụ khai thác mía năm 2018 nhưng nhiều người trồng mía ở Phú Yên đứng ngồi không yên vì cây mía ngã (do bão số 12), công chặt tăng cao, cộng với giá mía giảm thấp đưa người trồng đến với nguy cơ thua lỗ.

Những năm gần đây, giá mía ở Phú Yên tương đối ổn định trên dưới 900 nghìn đồng/tấn, nên nhiều nông dân trồng mía ở địa phương này nhanh chóng mở rộng diện tích và đến nay đã lên đến 26.220 ha.

Trái với những năm trước, năm 2017 tỉnh Phú Yên hứng chịu cơn bão số 12 (tháng 11) đã tàn phá nhiều tài sản của người dân, trong đó hàng ngàn ha mía bị ngã đổ. Do mía ngã đổ dẫn đến sản lượng đường thấp, chi phí khai thác vận chuyển lại tăng cao, cùng đó nhà máy hạ giá thu mua nên người dân hết sức lo lắng trong vụ mùa này.


Mía được khai thác và bán với giá từ 770 – 800 nghìn đồng/tấn, thấp hơn năm ngoái hơn 100 nghìn đồng/tấn

Mía được khai thác và bán với giá từ 770 – 800 nghìn đồng/tấn, thấp hơn năm ngoái hơn 100 nghìn đồng/tấn

Trồng được 2 ha mía, ông Huỳnh Xuân Thọ, thôn Nhất Sơn, xã Hòa Hội, huyện Phú Hòa cho biết: Mía của nhà tôi được nhà máy đường KCP Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên bao tiêu nhưng cũng đang đứng trước nguy cơ thua lỗ vì giá phân bón và chi phí vận chuyển cao.

“Năm ngoái cũng làm ít cây mỳ nhưng thấy cây mía có lãi hơn nên gia đình chuyển sang trồng. Nào ngờ bão làm mía ngã, giảm sản lượng đường, nhà máy chỉ thu mua với giá 770 – 800 nghìn đồng/tấn thấp hơn năm ngoái hơn 100 nghìn đồng/tấn, trong khi đó giá nhân công hiện tại tăng cao nên tôi sợ không đủ vốn…” ông Thọ phân trần.

Nhiều diện tích mía người dân vẫn chờ giá tăng mới chặt bán
Nhiều diện tích mía người dân vẫn chờ giá tăng mới chặt bán

Còn theo ông Huỳnh Khắc Vũ, thôn Nhất Sơn, xã Hòa Hội, huyện Phú Hòa: Năm nay nếu hộ nào mà được nhà máy bao tiêu thì may ra mới có ít lãi, chứ hộ trồng mía tự phát, nhỏ lẻ thì chắc chắn thua lỗ vì giá phân bón và công vận chuyển lên quá cao. Dân ở đây mong muốn nhà nước có giải pháp để giá mía được ổn định, giúp người dân trồng mía có lãi.

Trước những khó khăn của người trồng mía, vừa qua UBND tỉnh Phú Yên đã yêu cầu các doanh nghiệp mía đường phải tạo cơ chế thu mua đặc thù đối với những vùng trồng mía bị ảnh hưởng sau bão số 12.

Tỉnh Phú Yên yêu cầu các doanh nghiệp mía đường cần có cơ chế thu mua đặc thù đối với diện tích mía bị ảnh hưởng sau bão số 12
Tỉnh Phú Yên yêu cầu các doanh nghiệp mía đường cần có cơ chế thu mua đặc thù đối với diện tích mía bị ảnh hưởng sau bão số 12

Ngoài ra, tỉnh Phú Yên cũng yêu cầu hai doanh nghiệp mía đường là Công ty Cổ phần mía đường Tuy Hòa và Công ty TNHH công nghiệp KCP Việt Nam tích cực nghiên cứu, hợp tác với các doanh nghiệp phân phối, tiêu thụ đường; liên kết khép kín sản xuất, tiêu thụ; phát triển sản phẩm sau đường, đa dạng hóa sản phẩm từ cây mía; hình thành vùng thâm canh mía tập trung, quy mô lớn và áp dụng cơ giới hóa, nghiên cứu nhập khẩu giống mía mới có năng suất, chất lượng cao … Mục tiêu nhằm giảm giá thành sản xuất, tăng thu nhập cho người dân.

Trung Thi

Mía ngã, giá thấp, người trồng thấp thỏm lo thua lỗ - 4