Metro "bán mình": 900 triệu USD, được hay mất?
Thương vụ chuyển nhượng Metro Cash& Carry Vietnam cho Tập đoàn BJC với giá khoảng 900 triệu USD vẫn đang gây ra nhiều tranh cãi.
Trao đổi về điều này, ông Phạm Tất Thắng- Nghiên cứu viên cao cấp Bộ Công Thương cho rằng, cần có một cái nhìn khác quan. Trước hết phải thấy mua bán, sáp nhập DN là một hoạt động bình thường trong kinh doanh và thương vụ bán Metro Việt Nam cho BJC nằm trong chiến lược kinh doanh của cả hai bên.
Phần lớn hàng hóa Metro phân phối là của Việt Nam. |
Vì thế, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, thắng – thua và được - mất phải do chính người trong cuộc cảm nhận và phụ thuộc vào chính chiến lược của họ.
12 năm trước, Metro là một trong những tập đoàn lớn đầu tiên vào Việt Nam. Nhìn lại lịch sử hoạt động của Metro tại Việt Nam, ông Thắng cho rằng, thời điểm đó, việc lôi kéo được những “ông lớn” vào thị trường Việt Nam là điều rất tốt. Có khi nào chúng ta đặt ngược lại câu hỏi: Nếu không có sự đi tiên phong của Metro vào thị trường Việt Nam, thì thị trường bán lẻ Việt Nam có đủ thông tin để hấp dẫn, thu hút các nhà bán lẻ nổi tiếng sau này hay không?.
Thậm chí, ông Thắng lấy ví dụ, 12 năm trước, dù được ưu đãi nhưng nếu Nhà nước giao một mảnh đất xung quanh chỉ là đồng ruộng như vị trí hiện nay của Metro Thăng Long ở đường Phạm Văn Đồng (Hà Nội) cho một DN Việt để họ xây dựng nên một siêu thị liệu có ai đủ sức nhận. Và cứ thế, để đầu tư được 19 cơ sở như thế nhà đầu tư phải bỏ một chi phí không hề nhỏ.
“Trong một “cuộc chơi” có được, có mất. Chúng ta nên nhìn nhận một cách công bằng. Khi Metro có mặt đã tạo ra một sự cạnh tranh khốc liệt hơn trên thị trường nội địa. Nhưng chính điều đó sẽ đã buộc các DN trong nước phải quyết liệt hơn trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh để củng cố và phát triển được ngay trên sân nhà. Thực tế, không thể phủ nhận chính sự có mặt của các nhà phân phối nước ngoài nói chung và Metro nói riêng đã có tác động rất lớn đến thị trường phân phối Việt Nam phát triển”, ông Thắng nói.
Metro vào Việt Nam và nhanh chóng phát trển một hệ thống bán lẻ mạnh khắp cả nước nhưng điều gây nhiều nghi ngờ nhất của Metro là liên tục phát triển nhưng liên tục bị lỗ. Trong suốt 12 năm qua chỉ có 1 năm duy nhất Metro báo lãi. Từ đây, trong dư luận đặt ra nghi vấn Metro chuyển giá, trốn thuế thu nhập doanh nghiệp.
Tiết lộ thông tin quanh vấn đề này, ông Thắng cho biết, sau khi Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đặt câu hỏi về vấn đề này, phía Metro giải thích rằng, chi phí để đầu tư một trung tâm bán sỉ rất lớn. Trong khi những năm gần đây số lượng siêu thị mở mới nhiều, DN phải cạnh tranh gay gắt nên phải mất trung bình 3 năm kể từ khi khai trương mới có lãi. Khi các trung tâm lại mở liên tiếp nhau, hoạt động chưa ổn định ngay nên công ty bị lỗ kéo dài. Tuy nhiên, đây là giải thích từ phía DN song cần phải có sự vào cuộc của các nhà quản lý Việt Nam để có sự giải thích thỏa đáng nhất.
Trước thực tế, Metro Cash & Carry luôn nằm trong “tầm ngắm” của cơ quan thuế, vì hầu như không nộp đồng thuế TNDN nào cho ngân sách nên khi thương vụ chuyển giao diễn ra đã có nhiều lo ngại về những thiệt hại gắn liền với nghi ngờ gian lận thuế và thậm chí chuyển giá của DN này đã được đặt ra.
Tuy nhiên, theo ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó tổng giám đốc Dịch vụ tư vấn thuế, Công ty Kiểm toán và Tư vấn Deloitte Vietnam, trước khi việc chuyển nhượng hệ thống Metro Vietnam hoàn tất, theo quy định về quản lý thuế, Metro Cash & Carry phải thực hiện quyết toán thuế với cơ quan thuế. Vấn đề là, trong quá trình quyết toán thuế, cơ quan thuế có nghi ngờ, tiến hành thanh tra và phát hiện ra hoạt động chuyển giá của Metro Vietnam hay không. Nếu không có bằng chứng chứng minh có hoạt động chuyển giá, thì khó có thể yêu cầu DN này điều chỉnh lợi nhuận để nộp thuế.
Ông Tuấn cũng lưu ý rằng: “gian lận thuế và chuyển giá không đồng nhất với nhau. Chính vì vậy, đừng nghĩ, DN có hoạt động chuyển giá là có gian lận về thuế và cũng không nên suy diễn rằng, gian lận thuế ở khu vực DN FDI diễn ra phổ biến. Hiện nay, hoạt động thanh tra chống chuyển giá của ngành thuế ngày càng hiệu quả hơn và hành vi gian lận thuế hay chuyển giá sẽ đươc kiểm soát một cách chặt chẽ hơn
Bên cạnh đó, trước lo ngại, vụ chuyển nhượng Metro sẽ mở đường cho hàng Thái Lan tràn vào Việt Nam, ông Thắng phân tích, khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN được thành lập, các DN Việt Nam có cơ hội mở rộng thị trường, nhưng cũng gặp không ít thách thức, không chỉ đối mặt với làn sóng hàng Thái Lan mà còn với hàng hóa đến từ nhiều nước khác. Bởi vậy, các DN trong nước cần làm ăn bài bản, có chiến lược dài hạn và liên kết chặt chẽ với nhau thì mới hy vọng nâng cao được năng lực cạnh tranh.
“Chúng ta đang vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tuy nhiên, chỉ khi các DN Việt Nam giải quyết được gốc rễ của vấn đề là có hàng hóa chất lượng phù hợp, giá cả hợp lý với từng đối tượng tiêu dùng thì hàng Việt mới có thể trở thành sự lựa chọn số 1 của người Việt”, ông Thắng nhấn mạnh.