1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Máy bay riêng hạng sang ngày càng “hút” nhà giàu Trung Quốc

(Dân trí) -Trong lúc tân Tổng bí thư Tập Cận Bình gia sức kêu gọi thực hành lối sống tiết kiệm, tránh lãng phí, giới nhà giàu Trung Quốc vẫn không ngừng mua sắm máy bay riêng hạng sang. Dự báo doanh số năm nay sẽ tăng vọt so với năm ngoái.

Hãng tin tài chính Bloomberg dẫn lời giám đốc điều hành Richard Koe của tập đoàn dữ liệu hàng không Wingx Advance Gmbh nhận định, trong năm nay doanh số máy bay cá nhân tại Trung Quốc sẽ đạt khoảng 40 chiếc, tăng mạnh so với mức 27 chiếc đã được đặt hàng trong năm ngoái.

Thị trường máy bay riêng Trung Quốc đang tăng trưởng mạnh
Thị trường máy bay riêng Trung Quốc đang tăng trưởng mạnh

Trong đó thương hiệu Gulfstream của General Dynamics Corp. dường như được giới nhà giàu Trung Quốc ưa chuộng hơn cả với 336 chiếc đã được bán.

Với việc số lượng tỷ phú tại Trung Quốc được dự báo sẽ vượt qua Đức trong năm tới để xếp hạng 2 thế giới, nhu cầu mua sắm máy bay riêng tại thị trường này được nhận định sẽ còn tăng mạnh, trong đó có cả những mẫu có giá khoảng 65 triệu USD/chiếc.

“Số lượng máy bay sẽ còn tăng rất cao do sự giàu lên của người dân”, Koe cho biết. “Sự phát triển hạ tầng và tăng trưởng kinh tế đang khuyến khích nhu cầu sở hữu máy bay riêng tại Trung Quốc”.

Vị CEO này thậm chí còn tin rằng Trung Quốc sẽ trở thành thị trường máy bay tư nhân lớn thứ 3 thế giới vào năm 2022, nhảy vọt từ vị trí bên ngoài Top 25 hiện nay. Cho dù Tổng bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi tránh “xa hoa”, nhu cầu này vẫn sẽ tăng lên, ông Koe khẳng định.

Ông Tập kể từ sau khi lên nắm quyền tháng 11 vừa qua đã mở chiến dịch cắt giảm chi tiêu của các quan chức cũng như các công ty quốc doanh. Đây là một trong những nỗ lực của chính quyền Bắc Kinh nhằm chống lại nạn tham nhũng, vốn bị xem là nguy cơ đe dọa với đảng cộng sản nước này.

Theo CEO Mykolas Rambus của công ty nghiên cứu thị trường Wealth-X, máy bay riêng chính là món hàng xa xỉ lớn nhất sau các tác phẩm hội họa được giới nhà giàu thế giới ưa chuộng. Những chiếc máy bay này có giá từ 17,2 triệu USD cho một chiếc Learjet của Bombardier Inc., tới khoảng 50 triệu USD cho chiếc Falcon 7X của Dassault Aviation SA. Nhưng cũng có không ít người chọn những máy bay lớn của Boeing hay Airbus và thiết kế lại nội thất để làm máy bay riêng.

“Nhà giàu” Trung Quốc thích thể hiện đẳng cấp bằng máy bay
“Nhà giàu” Trung Quốc thích thể hiện đẳng cấp bằng máy bay

Với giới nhà giàu Trung Quốc, sở hữu phi cơ riêng được xem như biểu tượng của sự giàu có, K.K Yong, phó chủ tịch của công ty Jetsolution International Services Ltd. tại Hong Kong nhận định. Một số người thậm chí còn có tới hai chiếc, một để đi lại trong nước và một để du lịch nước ngoài.

Hiện số lượng máy bay tư nhân Gulfstream tại Trung Quốc và Hong Kong đã đạt 110 chiếc, trong tổng số 2000 chiếc trên toàn thế giới. Đây là mẫu máy bay được nhiều tỷ phú thế giới, trong đó có CEO Larry Ellison của Oracle Corp. và nhà sáng lập Apple Steve Jobs lựa chọn. Theo người phát ngôn của Gulfstream, khoảng 23% số lượng đơn hàng toàn cầu của họ thuộc về khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Sự phát triển nhanh chóng của thị trường máy bay Trung Quốc đang lôi kéo ngày càng nhiều nhà sản xuất máy bay tới đây. Mới đây, tập đoàn Embraer của Brazil đã ký thỏa thuận sản xuất mẫu máy bay dành cho doanh nhân Legacy 600/650 với Tập đoàn công nghiệp hàng không của Trung Quốc. Dự kiến chiếc đầu tiên của liên doanh này sẽ được ra đời ra đời vào cuối năm nay.

Trung Quốc, với số lượng sân bay có khả năng đón máy bay tư nhân nhiều nhất châu Á, cũng đang có kế hoạch nới lỏng các quy định có thể giúp tăng nhu cầu sở hữu máy bay, CEO Koe khẳng định.

Thú chơi cũng lắm công phu

Hiện tại hầu hết không phận của nước này đang thuộc kiểm soát của quân đội. Tuy nhiên có thể trong thời gian tới việc kiểm soát sẽ được nới lỏng với không phận tầm thấp (dưới 3000m) sau khi một đạo luật mới được ban hành.

“Không phận tầm thấp hiện vẫn bị cấm trong khi cơ sở hạ tầng phục vụ việc cất cánh và hạ cánh tương đối kém”, kỹ sư Xu tại công ty trực thăng thủ đô Bắc Kinh khẳng định với tờ China Daily.

Ngoài ra, thủ tục mua máy bay tư nhân còn khá phức tạp, không đơn giản như việc mua ô tô. “Một người mua máy bay cá nhân phải thuê một công ty hàng không được cấp phép để quản lý máy bay của mình”, Xu cho biết thêm.

Nếu máy bay sử dụng cho mục đích thương mại, Cục quản lý hàng không Trung Quốc có quy định rất nghiêm ngặt. Trong khi đó đối với các máy bay phi thương mại, phi công phải đệ trình kế hoạch bay chi tiết, gồm thời gian, tuyến bay và đợi được phê chuẩn.

Bên cạnh đó, theo tờ Wuhan Morning Post, để có được một tấm bằng lái máy bay, một học viên sẽ phải chi ra ít nhất 200.000 nhân dân tệ (tương đương hơn 32.000 USD).

Thanh Tùng
Tổng hợp