Mất tiền tỉ vì quên... tài sản vô hình

Hiện nay, ở Việt Nam rất nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức được vai trò của tài sản vô hình (tạm gọi là tài sản được tạo ra từ thành quả lao động trí óc). Môi trường pháp lý để bảo hộ tài sản vô hình đang còn nhiều bất cập. Vì vậy, rất nhiều doanh nghiệp đã mất những tài sản khổng lồ.

Cảnh báo này được đưa ra tại hội thảo Định giá tài sản trí tuệ - tài sản vô hình của doanh nghiệp, do UBND TPHCM cùng Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức vào cuối tuần qua.

 

Giá trị hàng trăm tỉ đồng được bán với giá 3,2 tỉ đồng

 

Tiến sĩ Nguyễn Trọng, Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học - Công nghệ và Quản lý TPHCM, đã đưa ra trường hợp cụ thể: Công ty Tràng Tiền (Hà Nội) khi cổ phần hóa có tính đến tài sản vô hình dưới tên gọi là giá trị lợi thế. Công ty Tràng Tiền tọa lạc trên diện tích 1.500 m2 ngay trung tâm Hà Nội. Toàn bộ cơ ngơi của doanh nghiệp này được định giá 3,2 tỉ đồng.

 

Chỉ một thời gian ngắn sau cổ phần hóa, cổ phiếu của doanh nghiệp này đã tăng lên vài chục lần, 80% cổ phiếu của người lao động ở đây đã bị các ông chủ tư nhân mua lại. Chỉ riêng giá trị sử dụng đất của doanh nghiệp này đã lên đến nhiều trăm tỉ đồng. Đó là tài sản khá hữu hình mà nhiều doanh nghiệp khi cổ phần hóa đã không nhìn thấy.

 

Hay như trường hợp của Vina Phone. Hiện nay theo đánh giá sơ bộ của phía Việt Nam, giá trị của Vina Phone khoảng 1 tỉ USD. Trong khi đó theo đánh giá của giới bưu chính viễn thông quốc tế, giá trị của Vina Phone hiện nay ít nhất cũng phải 3 tỉ USD.

 

Nguyên nhân đánh giá tài sản vô hình của doanh nghiệp thấp, theo nhiều ý kiến tại hội thảo là do trong nước thiếu những doanh nghiệp định giá tài sản vô hình có kinh nghiệm. Có tổng công ty thuê kiểm toán trong nước định giá tài sản hữu hình của doanh nghiệp lên đến 3.700 tỉ đồng. Trong khi đó, tài sản vô hình chỉ có 6,6 tỉ đồng là tỉ lệ không hợp lý.

 

Tài sản vô hình chưa được ghi nhận là tài sản

 

Luật sư Nguyễn Thị Phi Nga -Văn phòng Luật sư Phạm và Liên danh:

 

Tài sản của doanh nghiệp nhìn chung có thể chia làm hai loại: tài sản hữu hình và tài sản vô hình. Tài sản hữu hình bao gồm: nhà xưởng, máy móc, tài chính và cơ sở hạ tầng. Tài sản vô hình bao gồm danh tiếng, tinh thần và văn hóa ứng xử của đội ngũ nhân lực, bí quyết kinh doanh và bí quyết kỹ thuật, sáng chế, giải pháp kỹ thuật, kiểu dáng công nghệ, nhãn hiệu hàng hóa và các thành quả vô hình khác.

 

Tài sản vô hình đang trở thành yếu tố quyết định giá trị doanh nghiệp.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Viễn, Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TPHCM, đã nhận định, giá trị tài sản vô hình chỉ có giá trị thật sự khi được pháp luật bảo hộ. Trên thế giới, giá đĩa CD hợp pháp khoảng 20 USD, trong khi giá đĩa lậu chỉ khoảng 1 USD. Nhưng để đĩa hợp pháp bán được 20 USD, nạn đĩa lậu phải được xử lý.

 

Theo nghiên cứu của Liên minh Doanh nghiệp phần mềm, mặc dù đã giảm nhưng Việt Nam hiện là nước đứng đầu trong 10 nước vi phạm bản quyền phần mềm lớn nhất thế giới. Năm 2005, thị trường Việt Nam bị thiệt hại 38 triệu USD do phần mềm trái phép. Con số này năm 2004 là 55 triệu USD. Nguyên nhân chắc không gì khác ngoài lý do pháp luật chưa nghiêm khắc với nạn sao chép lậu.

 

Ông Lê Phụng Hào - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Kinh Đô, đã nêu thực tế, Luật Dân sự, Luật doanh nghiệp đã thừa nhận tài sản vô hình. Luật Sở hữu trí tuệ cũng đã ban hành. Nhưng thực tế, các luật này vẫn chưa đi vào cuộc sống. Các biện pháp chế tài, xử phạt để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ còn rất hạn chế và chậm chạp, chưa nghiêm minh, thiếu hiệu quả.

 

Hệ thống văn bản pháp luật về chuẩn mực kế toán và hướng dẫn hạch toán phục vụ cho việc kinh doanh quyền sở hữu trí tuệ còn rất bất cập, không theo kịp nhu cầu phát triển của nền kinh tế. Ví dụ, theo Quyết định số 149/2001 của Bộ Tài chính, các tài sản cố định vô hình không được ghi nhận là tài sản. Hay Quyết định số 206/2003 của Bộ Tài chính chưa có quy định thương hiệu là tài sản cố định vô hình nên chưa có hướng dẫn để hạch toán.

 

Theo Dũng Tuấn

Báo Người lao động