1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Mất tiền oan vì vàng giả, vàng “ăn bớt”

Tình trạng gian lận tuổi vàng và vàng giả đang gây thiệt hại lớn cho người tiêu dùng. Trong khi đó, đến nay Việt Nam vẫn chưa có tiêu chuẩn cụ thể về chất lượng vàng...

Theo thông tin từ công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), đến buổi chiều ngày 27/8, các đại lý và cửa hàng SJC vẫn chưa nhận được yêu cầu nhờ kiểm tra và kiểm định lại vàng miếng loại 1 lượng từ phía người tiêu dùng.

Mất tiền oan vì vàng giả, vàng “ăn bớt” - 1
Vàng trang sức tại Việt Nam vẫn chưa có tiêu chuẩn về hàm lượng vàng. Ảnh có tính minh hoạ.

Ngoài số lượng vàng giả nhãn hiệu SJC đã phát hiện trong hai ngày 25 và 26/8, trong ngày 27/8 mạng lưới tiệm vàng phân phối sỉ và lẻ vàng miếng SJC tại TPHCM và trên cả nước vẫn chưa phát hiện thêm miếng vàng giả hiệu nào mang ra buôn bán. Nhịp điệu kinh doanh tại các tiệm vàng vẫn diễn ra bình thường.

Tìm cách chống vàng giả

Việc vàng giảm giá khoảng 50.000 đồng/lượng trong sáng 27/8, với mức mua vào - bán ra còn khoảng 28,94 - 28,98 triệu đồng/lượng cũng đã tác động đến nhịp điệu mua bán. Hiện tượng người dân có vàng đổ xô đi bán đã giảm, lượng mua vào ở các tiệm khu vực TPHCM chỉ bằng 50% so với sáng qua.

Công ty SJC cũng cho hay chiều 25/8/2010 đã làm việc với Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TPHCM và yêu cầu phía công an sớm điều tra, làm rõ vụ vàng giả.

Sáng 26/8, một cơ sở kinh doanh vàng ở quận 5 (TPHCM) thông báo cho công ty SJC biết có một người đàn ông mang 25 lượng vàng SJC nghi giả nhãn hiệu đến bán. Cơ quan điều tra tạm giữ đối tượng cùng tang vật để làm rõ.

Công ty SJC đang gấp rút hoàn tất các thiết kế mới cho bao bì và dự kiến đầu tháng 9/2010 này sẽ tung ra thị trường loại vàng SJC 1 lượng với bao bì hiện đại, có các chi tiết đặc biệt đòi hỏi đầu tư công nghệ cao, kỹ thuật phức tạp nhằm chống hiện tượng làm giả.

Ngoài ra, công ty SJC cũng đã gửi các thông tin phân biệt vàng thật - vàng giả cho mạng lưới bán vàng trên cả nước. Ông Đỗ Công Chính, phố giám đốc SJC cho biết, tất cả khuôn đúc vàng SJC trong 20 năm qua đều được lưu lại để có cơ sở đối chiếu, kiểm tra tiêu chuẩn miếng vàng.

Đây là lần đầu tiên việc làm vàng miếng giả hiệu SJC để kiếm thêm lợi nhuận qua hình thức gian lận tuổi vàng - tức dùng vàng 9,5- 9,7 tuổi thay cho vàng 10 tuổi - được phát hiện và thông tin nhanh chóng đến người tiêu dùng.

Người mua thiệt thòi

Trước đó, tình trạng gian lận tuổi vàng, chủ yếu là trong sản xuất vàng trang sức, đã từng được nêu lên tại hội nghị thường niên hội viên phía Nam nhiệm kỳ II của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) diễn ra tại TPHCM vào tuần trước (ngày 20/8).

Tại hội nghị này, một số ý kiến phản ánh các doanh nghiệp kinh doanh vàng trang sức trong nước đang lợi dụng việc chưa ban hành tiêu chuẩn chất lượng vàng nữ trang để gian lận tuổi vàng.

Theo đó, trang sức vàng đóng dấu 18K (vàng 7,5 tuổi) nhưng lại dùng nguyên liệu 6,5 tuổi hay 6,5 tuổi, thậm chí là vàng 6,1 tuổi. Thậm chí vàng trắng đóng dấu 18K, nhưng chỉ dùng vàng trên dưới 4 tuổi. Điều này đã gây thiệt hại cho người tiêu dùng và ảnh hưởng đến uy tín của ngành kim hoàn.

Theo kết quả khảo sát về tình trạng gian lận tuổi vàng mà SJC thực hiện, đã phát hiện tại khu vực Nha Trang có tình trạng tuổi vàng bị hạ xuống rất thấp. Cụ thể vàng 18K - tức 7,5 tuổi, các nơi khác phổ biến tình trạng còn 6,8, thấp nhất cũng 6,5 tuổi, nhưng ở thành phố biển này chỉ còn khoảng 5,5 tuổi. Còn vàng trắng thì tỉ lệ vàng chỉ còn khoảng 30%.

Theo một số người trong giới kinh doanh vàng trang sức trên thị trường hiện nay, buôn bán vàng có lãi được nhờ ba khoản: chênh lệch giá mua bán thị trường; tiền gia công sản xuất; và quan trọng nhất, mang lại khoản lãi lớn nhất là gian lận tuổi vàng.

Trong bối cảnh giá vàng càng cao, trang sức vàng thiếu tuổi càng nhiều. Mỗi phần trăm độ tinh khiết của vàng tương ứng với giá tiền nhất định mà giới kinh doanh gọi là 1 lai, thì bình quân bán một món trang sức ăn gian tuổi, người kinh doanh có lợi nhuận từ 2 - 3 lai trở lên.

Tình trạng này vẫn đang tiếp diễn. Bởi giá vàng càng cao, trang sức vàng thiếu tuổi sẽ mang lại lợi nhuận cho nhà kinh doanh càng nhiều. Thêm vào đó các kỹ thuật chế tác, các “hội” vàng (hợp kim pha vào vàng) mới còn tạo thêm cơ hội cho nhà kinh doanh khi các món nữ trang vàng 12 - 14K vẫn có thể đạt độ bóng, đẹp, màu như loại 18K.

Thế nhưng, hiện nay Việt Nam không có tiêu chuẩn cụ thể hàm lượng vàng trong vàng trang sức. Trang sức được xếp vào loại hàng hoá thông thường nên nhà kinh doanh được phép tự đăng ký và chịu trách nhiệm về chất lượng đăng ký. Người mua nữ trang phải chịu thiệt vì vàng thiếu tuổi, thậm chí nếu nơi bán không chịu mua lại thì khách hàng cũng không thể kiện vì không có qui định buộc người bán hàng chịu trách nhiệm về việc này.

Các doanh nghiệp yêu cầu VGTA có kiến nghị lên bộ Công thương, sớm ban hành tiêu chuẩn chất lượng vàng trang sức trên thị trường Việt Nam. Các nước như Ấn Độ, Malaysia... đều có bộ tiêu chuẩn vàng cho trang sức.

Theo Minh Thành
Báo SGTT

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm