Masan được Bank of America đánh giá là doanh nghiệp tiêu dùng hàng đầu ASEAN

Trường Thịnh

(Dân trí) - Bank of America (BofA) vừa công bố báo cáo, trong đó khuyến nghị nhà đầu tư mua cổ phiếu MSN. Giá mục tiêu cổ phiếu MSN theo nhận định của tổ chức tài chính này là 198.600 đồng.

Theo BofA, cổ phiếu MSN là một trong những cổ phiếu tốt nhất ASEAN trong lĩnh vực tiêu dùng. Masan đang đi đầu trong việc tận dụng lợi thế của việc thúc đẩy bán lẻ hiện đại và áp dụng kỹ thuật số tại Việt Nam

"Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng EBITDA của Tập đoàn Masan đạt 27%, tỷ lệ tăng trưởng CARG lợi nhuận ròng đạt 47% trong giai đoạn 2021-2025. Chúng tôi kỳ vọng ROE (tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) sẽ cải thiện từ mức 8% năm 2019 lên 18% năm 2025. Trong đó, 71% tăng trưởng EBITDA của tập đoàn đến từ mảng kinh doanh tiêu dùng - bán lẻ cốt lõi The CrownX", báo cáo của BofA nêu rõ.

Masan được Bank of America đánh giá là doanh nghiệp tiêu dùng hàng đầu ASEAN - 1
Bên trong nhà máy sản xuất hiện đại của Masan (Ảnh: DNCC).

Theo đánh giá của BofA, thị phần bán lẻ trực tuyến của WinCommerce (WCM), công ty thành viên của Masan, sẽ tăng từ mức 1-2% hiện nay lên 7-8% vào năm 2025. "Điều này được thúc đẩy bởi chiến lược hợp tác với Lazada (nền tảng bán lẻ của Alibaba tại Đông Nam Á) và các kênh riêng có của WCM.

BofA cho rằng, trong giai đoạn tăng trưởng tiếp theo, The CrownX dự kiến sẽ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trong vòng 3-5 năm tới. Masan sẽ tiếp tục mở rộng quy mô của các cửa hàng đa tiện ích (mini-mall) trên nền tảng "Point of Life", một hệ sinh thái tích hợp bán lẻ, giải khát, ngân hàng, dược phẩm, viễn thông. Điều này sẽ giúp cải thiện doanh số bán hàng/mét vuông và tỷ suất lợi nhuận của WinCommerce.

"Chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận EBITDA của WCM sẽ tăng trưởng 83% cho giai đoạn 2021-2025 do tỷ suất lợi nhuận tăng, công ty đã có lãi kể từ quý III/2021", BofA cho biết.

Masan được Bank of America đánh giá là doanh nghiệp tiêu dùng hàng đầu ASEAN - 2
Cửa hàng Vinmart+ mới theo mô hình tích hợp Techcombank, Phúc Long và Phano Pharma (Ảnh: DNCC).

Theo đánh giá của các chuyên gia, mặc dù lĩnh vực thương mại điện tử đang có tốc độ tăng trưởng nhanh tại Việt Nam, nhưng trên kênh thương mại điện tử, mới chỉ có các mặt hàng dạng không thiết yếu, giá trị cao và tần suất mua hàng thấp như thiết bị điện tử, thời trang, mỹ phẩm. Nhu yếu phẩm (đồ uống, thực phẩm) là lĩnh vực chiếm 50% thị trường bán lẻ và 25% chi tiêu của người tiêu dùng Việt nhưng chưa được phục vụ một cách đầy đủ trên kênh online.

Vì vậy, việc kết hợp sức mạnh giữa các cửa hàng bán lẻ hiện hữu của WCM (gần 3.000 điểm bán) với nền tảng online của Lazada sẽ thúc đẩy quá trình hiện đại hóa ngành bán lẻ của Việt Nam diễn ra nhanh chóng hơn.

Masan được Bank of America đánh giá là doanh nghiệp tiêu dùng hàng đầu ASEAN - 3
Masan đang sở hữu khoảng 3.000 cửa hàng Vinmart và Vinmart+ khắp cả nước (Ảnh: DNCC).

Masan đang đặt mục tiêu giai đoạn 2021-2025, doanh thu bán lẻ trực tuyến sẽ đóng góp khoảng 25% tổng doanh thu. Với sự hợp tác với Lazada, WinCommerce có thể tận dụng dữ liệu 20 triệu khách hàng của nền tảng thương mại điện tử này để gia tăng khả năng tiếp cận người tiêu dùng, gia tăng sự hiểu biết về khách hàng nhờ ứng dụng phân tích dữ liệu. Ngoài ra, việc hợp tác với Lazada sẽ giúp Masan tiết kiệm chi phí trong việc xây dựng nền tảng điện tử riêng để có thể nhanh chóng đưa các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu lên online.

Masan được Bank of America đánh giá là doanh nghiệp tiêu dùng hàng đầu ASEAN - 4
Cửa hàng Vinmart+ theo mô hình mini-mall (Ảnh: DNCC).

Tuần trước, HSBC cũng vừa công bố báo cáo lần đầu về Masan Group với định giá MSN ở mức 200.000 đồng/cổ phiếu. Báo cáo của HSBC cũng đánh giá cao việc WinCommerce hợp tác với nền tảng thương mại điện tử Lazada, giúp từng bước nâng tỷ trọng bán hàng trực tuyến của WinMart/WinMart+ đồng thời cải thiện tỷ lệ lợi nhuận. Các chuyên gia HSBC tin rằng, với việc mua lại mạng di động Reddi, Masan sẽ tạo nên một nền tảng cung cấp đa dạng sản phẩm dịch vụ cho người tiêu dùng.

Masan được Bank of America đánh giá là doanh nghiệp tiêu dùng hàng đầu ASEAN - 5
Sở hữu Reddi, Masan đặt mục tiêu số hóa nền tảng tiêu dùng - bán lẻ (Ảnh: DNCC).

Theo kết quả kinh doanh của Tập đoàn Masan vừa công bố hôm 19/1, doanh thu thuần hợp nhất của Masan đạt 88.629 tỷ đồng, tăng trưởng 14,8% so với mức 77.218 tỷ đồng năm 2020. Doanh thu thuần quý IV/2021 là 23.828 tỷ đồng, tăng 10,3% so với năm trước.

Masan được Bank of America đánh giá là doanh nghiệp tiêu dùng hàng đầu ASEAN - 6
Khách hàng mua thịt Meat Deli - thương hiệu do Masan phát triển (Ảnh: DNCC).

The CrownX (TCX), nền tảng tiêu dùng - bán lẻ tích hợp của Masan (hợp nhất WinCommerce - WCM và Masan Consumer Holdings - MCH) đạt doanh thu thuần 58.000 tỷ đồng năm 2021, tăng trưởng 6,9% so với năm trước. Trong đó, WCM đạt doanh thu thuần 30.900 tỷ đồng năm 2021.Doanh thu thuần MCH năm 2021 tăng 20%, đạt mức 28.764 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế phân bổ cho cổ đông của Masan năm 2021 tăng trưởng 593,8% đạt mức 8.561 tỷ đồng.