"Mách chiêu" kiểm tra vụ hoá đơn tiền điện tăng cao bất thường
(Dân trí) - Chuyên gia cho rằng, để đảm bảo quyền lợi của mình, khách hàng nên lắp thêm 1 công tơ riêng bên cạnh công tơ của ngành điện để có sự đối chiếu, giám sát về việc ghi chỉ số điện hàng tháng.
Liên tục thời gian gần đây, nhiều hộ gia đình phản ánh việc hoá đơn tiền điện tăng cao bất thường. Đặc biệt, sau nhiều vụ ghi nhầm chỉ số công tơ khiến tiền điện tăng vọt cả vài chục triệu đồng càng khiến nhiều người dân lo ngại sự sai sót sẽ xảy ra với mình.
GS. TSKH Trần Đình Long - Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam - cho biết: Một trong yêu cầu của việc ghi chỉ số công tơ là phải ghi đúng chu kỳ, ghi đủ, ghi chính xác, những trường hợp ghi sai số thể hiện thiếu trách nhiệm, làm việc cẩu thả của cán bộ điện lực.
Cũng theo ông Long, hiện nay, việc ghi chỉ số công tơ ở nhiều đơn vị điện lực đã được thực hiện tự động, dữ liệu từ công tơ điện được chuyển đến nơi lập hoá đơn, thanh toán tiền điện, song nhiều nơi vẫn chưa tự động hoá.
“Khi công tơ điện tử áp dụng phổ biến trong ngành điện, những sự cố này sẽ dần được khắc phục. Tất nhiên, để đảm bảo quyền lợi của mình, khách hàng nên lắp thêm một công tơ riêng bên cạnh công tơ của ngành điện, có sự giám sát về việc ghi chỉ số điện hàng tháng" - ông Long nói.
Còn theo ông Nguyễn Minh Đức - Ban pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), người dân vẫn có quyền mua công tơ từ những nơi được kiểm định chất lượng, để lắp đặt. Tuy nhiên trên thực tế rất ít khách hàng làm điều này.
Sau khi lắp công tơ, chủ động theo dõi chỉ số, ghi nhật ký công tơ theo chu kỳ của điện lực ghi trên hóa đơn tiền điện. Nếu chênh lệch số nhiều hơn hoặc ít hơn so với số mà ngành điện ghi nhận thì có thể khiếu nại, yêu cầu phía điện lực phúc tra.
Trao đổi với PV Dân trí, một đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết: Khách hàng có thể lắp công tơ để kiểm tra, đối chiếu với công tơ phía điện lực lắp đặt. Tuy nhiên, chỉ số công tơ này chỉ có ý nghĩa để đối chiếu, giám sát.
Về ý kiến cho rằng người dân có thể tự thuê lắp công tơ có kiểm định thay cho phía điện lực hay không, ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết, theo quy định của Luật Điện lực, đơn vị bán hàng phải có trách nhiệm cung cấp và lắp đặt hệ thống đo đếm. Việc lắp đặt công tơ là trách nhiệm của ngành điện lực.
Về việc người dân có thể đấu nối thêm một công tơ (ngay phía sau công tơ của ngành điện) để đối chứng việc ghi chỉ số điện hay không, theo lãnh đạo EVN "tất cả các thiết bị đo đều có sai số, sai số đó là sai số cho phép".
Phó Tổng Giám đốc EVN dẫn chứng: Công tơ của một khách hàng đang sử dụng bây giờ có sai số là 1%, nghĩa là mức độ chính xác của công tơ này là +1 hoặc – 1 (sai số đo đếm). Sai số này được quy định bằng Luật Đo lường.
Vì vậy, khi lắp 2 công tơ mà có một công tơ sai số là 0,5%, một công tơ 0,1% thì đó cũng là chuyện bình thường. Sai số đó là sai số tích luỹ, sai số này là sai số cho phép.
"Tất cả công tơ đưa lên lưới đều hợp chuẩn, phải được kiểm định và đảm bảo sai số cho phép. Đối với công tơ điện tử thì sai số rất nhỏ, không đáng kể" - ông Lâm cho biết.
Nguyễn Mạnh