1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

M&A trong lĩnh vực ngân hàng sẽ “nở rộ” trong nửa cuối năm

(Dân trí) - Có 15 trong số 39 ngân hàng TMCP đã có đối tác chiến lược cùng ngành và còn 3 ngân hàng nằm trong diện kiểm soát đặc biệt nên dự báo xu hướng M&A sẽ sôi động vào thời gian tới.

Với xu hướng M&A, số lượng NHTM đến 2017 sẽ chỉ còn 13-15 tổ chức.
Với xu hướng M&A, số lượng NHTM đến 2017 sẽ chỉ còn 13-15 tổ chức.

Tại báo cáo Tổng hợp tình hình tài chính, tiền tệ trong nước và thế giới 6 tháng đầu năm 2013, Trung tâm Thông tin Công nghiệp và thương mại (Bộ Công thương) nhận định, trong 6 tháng cuối năm, ngành ngân hàng Việt Nam sẽ đối mặt với giai đoạn quan trọng của quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu. 

Với xu hướng phục hồi tốt hơn của kinh tế thế giới, thị trường tài chính, tiền tệ, ngân hàng thế giới ổn định hơn thì các doanh nghiệp nước ngoài sẽ đẩy mạnh hoạt động mua, bán, sáp nhập (M&A) trong khi các doanh nghiệp, ngân hàng Việt Nam lại đang được các nhà đầu tư quan tâm.

Bộ Công thương cho rằng, nửa cuối năm nay cũng như các năm tiếp theo, hoạt động M&A ngành tài chính, ngân hàng sẽ sôi động hơn do nằm trong lộ trình tái cấu trúc ngành này. 

Theo đó, số lượng các NHTM sẽ được giảm từ con số 39 trong hiện tại còn 13-15 ngân hàng vào năm 2017. 

Mới đây, việc Chính phủ có chủ trương nâng hạn mức sở hữu nước ngoài lên trên 30% và thực tế đã có tiền lệ cho trường hợp của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), nên Bộ Công thương đánh giá, các trường hợp khác cũng có điều kiện thuận lợi để diễn ra sớm. 

Có 15 ngân hàng trong tổng số 39 ngân hàng TMCP hiện nay có đối tác chiến lược cùng ngành và còn 3 ngân hàng nằm trong diện kiểm soát đặc biệt có nhu cầu sáp nhập, hoặc chuyển nhượng cho đối tác nước ngoài. Vì vậy, M&A trong năm nay và những năm tiếp theo sẽ vẫn sôi động.

Ngoài ra, sau khi Chính phủ cho phép các định chế tài chính cả trong và ngoài nước mua lại hoặc sáp nhập với các ngân hàng bán lẻ gặp khó khăn trong nước thì M&A trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng cũng được dự báo cũng sẽ diễn ra sôi động trong thời gian tới. Điển hình như trường hợp PVFC công bố sáp nhập với Ngân hàng Phương Tây.

Kinh tế khó khăn là cơ hội để mua tài sản với giá “hời”

Cũng theo nhận định của Bộ Công thương, các lĩnh vực khác như bất động sản, thực phẩm và đồ uống… cũng sẽ chứng kiến làm sóng M&A vào thời gian tới do có nhiều yếu tố thuận lợi, trong đó, tín hiệu dần gỡ khó về chính sách là điểm nhấn nổi bật.

M&A tại các lĩnh vực nở rộ giữa bối cảnh kinh tế khó khăn (ảnh minh họa).
M&A tại các lĩnh vực nở rộ giữa bối cảnh kinh tế khó khăn (ảnh minh họa).

Bộ Công thương cho rằng, nửa đầu năm, với sự phục hồi chậm của kinh tế thế giới,  hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp tại nhiều nước đang khó khăn. 

Thế nhưng, đây cũng là thời điểm thuận lợi để các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh tìm kiếm cơ hội mua lại, sáp nhập để mở rộng quy mô với chi phí rẻ và điều kiện được ưu đãi do Chính phủ các nước nới lỏng quy định, tạo điều kiện để thúc đẩy hoạt động M&A nhằm hỗ trợ hoạt động tái cơ cấu trong nước. 

Tại Việt Nam, chỉ riêng trong quý I/2013 đã có tới 10 thương vụ đầu tư nước ngoài.

Các thương vụ M&A điển hình có thể kể đến Quỹ đầu tư KKR của Mỹ nâng sở hữu từ 10% lên 18% tại Masan Consumer, với giá trị tăng thêm là 200 triệu USD. Mekong Capital thoái 6,7% vốn cổ phần tại CTCP Thế giới di động cho một nhà đầu tư tài chính với giá lên tới 110 triệu USD.

Bên cạnh đó, Tập đoàn Vingroup cũng thực hiện chuyển nhượng thành công Tổ hợp trung tâm thương mại - khách sạn Vincom Center A TP. HCM cho CTCP Tập đoàn Phát triển hạ tầng và bất động sản Việt Nam (VIPD), với tổng giá trị giao dịch lên tới 470 triệu USD...

Dữ liệu của Bộ Công thương cho thấy, Nhật Bản vẫn duy trì vị trí dẫn đầu trong đầu tư cổ phần vào các doanh nghiệp Việt Nam. 

Bên cạnh các thương vụ lớn, nhà đầu tư Nhật Bản đã và đang tìm kiếm các doanh nghiệp Việt Nam ở những ngành chuyên sản xuất - kinh doanh một số sản phẩm cụ thể. Chẳng hạn, Tập đoàn Shidax đầu tư mua lại 35% cổ phần của Galaxy TSC, một công ty chuyên cung cấp dịch vụ ăn uống trọn gói.

Theo nhận định của Bộ Công thương, M&A vẫn tiếp tục “nóng” lên trong 6 tháng cuối năm giữa bối cảnh đang có xu hướng chuyển dịch từ đầu tư trực tiếp sang đầu tư gián tiếp qua M&A. 

Đặc biệt khi các doanh nghiệp Việt Nam vẫn có mức định giá hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài do những khó khăn mang tính đặc thù của Việt Nam, nhất là chi phí lãi vay cao, nhiều doanh nghiệp chưa có chiến lược phát triển rõ ràng...

 Hơn nữa, các yếu tố làm cản trở quá trình M&A cũng đã giảm và khung pháp lý đang dần trở nên thông thoáng hơn.

Bích Diệp