Lương tối thiểu tăng lên 1,15 triệu đồng từ 1/7/2013

(Dân trí) - Kể từ ngày 1/7/2013, tiền lương tối thiểu sẽ được Chính phủ điều chỉnh tăng từ 1,05 triệu đồng/tháng lên 1,15 triệu đồng/tháng, tức tăng thêm 100 nghìn đồng/tháng so với hiện nay. Lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công cũng được điều chỉnh tăng bằng tỷ lệ tăng lương tối thiểu.

Lương tối thiểu tăng thêm 100.000 đồng/tháng từ 1/7/2013.
Lương tối thiểu tăng thêm 100.000 đồng/tháng từ 1/7/2013.

Lương tối thiểu sẽ tăng thêm 100 nghìn đồng/tháng

Chiều nay 10/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2013. Với 89,56% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua ba chỉ tiêu quan trọng là: Tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 816.000 tỷ đồng; Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 978.000 tỷ đồng; Mức bội chi ngân sách nhà nước là 162.000 tỷ đồng, tương đương 4,8% tổng sản phẩm trong nước (GDP.

Ngoài ra, Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua Dự thảo Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2013, với 90,96% đại biểu tán thành.

Theo dự thảo Nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua, Quốc hội giao Chính phủ điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu từ 1,05 triệu đồng/tháng lên 1,15 triệu đồng/tháng; điều chỉnh lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công tăng bằng tỷ lệ tăng lương tối thiểu từ ngày 01/7/2013.

Về việc tăng lương tối thiểu, nhiều ý kiến đề nghị bố trí ngân sách Nhà nước để thực hiện tăng lương tối thiểu theo lộ trình, góp phần bảo đảm đời sống cho người hưởng lương từ ngân sách. Để có nguồn làm lương, nhiều ý kiến đề nghị quyết liệt cắt, giảm những khoản chi không cần thiết như chi khánh tiết, lễ hội...; khai thác tối đa nguồn thu; đồng thời, tinh giản bộ máy hành chính.

Tiếp thu ý kiến đa số đại biểu Quốc hội, để góp phần bảo đảm đời sống cho người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, trợ cấp ưu đãi người có công trong điều kiện khó khăn hiện nay, UBTVQH đề nghị thực hiện một phần lộ trình tăng lương tối thiểu như trên. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh: “Để có nguồn làm lương cần quản lý chặt chẽ các khoản chi theo đúng dự toán đã được quyết định, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng. Đồng thời, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, nhất là các khoản chi tổ chức lễ hội, hội nghị, hội thảo, mua xe công, chi phí công tác trong nước và nước ngoài... để dành thêm nguồn thực hiện một phần lộ trình cải cách tiền lương”.

Phát hành không quá 60.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ

Theo dự thảo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2013 vừa được Quốc hội thông qua, Quốc hội yêu cầu Chính phủ thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, thận trọng, cơ cấu lại các khoản thu, chi, phối hợp đồng bộ với chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô; tạo điều kiện huy động, khai thác tích cực các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển, phục hồi, mở rộng sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ quản lý chặt chẽ các khoản chi, bảo đảm theo đúng dự toán đã được phê duyệt; chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng. Chính phủ cần triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, nhất là các khoản chi tổ chức lễ hội, hội nghị, hội thảo, mua xe công, chi phí công tác trong nước và nước ngoài; ưu tiên cho nhiệm vụ chính trị quan trọng, bảo đảm nguồn lực thực hiện chính sách an sinh xã hội. Tăng cường quản lý chi đầu tư xây dựng cơ bản, vốn trái phiếu chính phủ, chương trình mục tiêu quốc gia. Tập trung vốn cho trả nợ xây dựng cơ bản hoàn thành và các công trình, dự án hoàn thành trong năm 2013.

Trên cơ sở tổng mức vốn trái phiếu chính phủ được quy định tại Nghị quyết số 12/2011/QH13 của Quốc hội là 225.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2011-2015, căn cứ vào khả năng và hiệu quả sử dụng vốn, Chính phủ phát hành không quá 60.000 tỷ đồng vốn trái phiếu chính phủ trong năm 2013; đồng thời, thu hồi số vốn trái phiếu chính phủ đã ứng trước của năm 2013. Ngoài ra, Chính phủ cần phân bổ cụ thể đối với từng dự án, công trình trong Danh mục đã được quyết định, tập trung cho các dự án, công trình quan trọng, có khả năng hoàn thành trong năm 2013, khẩn trương thực hiện giao vốn trước ngày 31/12/2012.
 
Ông Phùng Quốc Hiển trong vòng vây của báo chí (ảnh: Việt Hưng).
Ông Phùng Quốc Hiển trong vòng vây của báo chí (ảnh: Việt Hưng).

Ông Phùng Quốc Hiển, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban tài chính, ngân sách của Quốc hội trong phần trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2013 cho hay: Dự toán thu ngân sách Nhà nước năm 2013 đã được xây dựng trên cơ sở dự báo lạm phát được kiểm soát, tốc độ tăng trưởng kinh tế dự kiến ở mức cao hơn năm 2012, các nguồn thu được dự toán ở mức khá tích cực, đồng thời, đã giao mức cao để các địa phương phấn đấu.

Trong đó, dự toán thu nội địa (trừ thu tiền sử dụng đất) tăng 15,1% so với ước thực hiện năm 2012. Mức dự toán này cao hơn tốc độ tăng thu nội địa những năm gần đây (năm 2011 tăng 14,3%, năm 2012 ước thực hiện tăng 10,7%). Bên cạnh đó, việc thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân nếu có hiệu lực từ 01/7/2013 sẽ làm giảm thu ngân sách Nhà nước khoảng 5.200 tỷ đồng; loại trừ yếu tố này thì dự toán thu nội địa (trừ thu tiền sử dụng đất) năm 2013 tăng 16,3% so ước thực hiện năm 2012.

Còn dự toán thu từ dầu thô đã được tính trên cơ sở dự kiến mức giá dầu bình quân cả năm 2013 là 90 USD/thùng, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội là giá tính dự toán cao nhất từ trước đến nay. Thực tế từ năm 2009 đến nay, giá dầu thô thế giới biến động phức tạp, phụ thuộc lớn vào tình hình kinh tế, chính trị thế giới và một số khu vực. Vì vậy, việc điều chỉnh tăng giá dự toán đối với dầu thô năm 2013 sẽ làm gia tăng rủi ro của cân đối ngân sách Nhà nước. Do vậy, xin Quốc hội chấp thuận cho giữ mức dự toán thu nội địa và thu từ dầu thô như phương án Chính phủ trình.

Về mức phát hành trái phiếu Chính phủ, ông Phùng Quốc Hiển cho rằng, vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước năm 2013 dự kiến thấp hơn so với năm 2012. Trong khi đó, nhiều dự án, công trình còn dở dang. Vì vậy, việc huy động thêm vốn để sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng các công trình trong năm 2013 là cần thiết. Mặt khác, năm 2013 phải dành 16.000 tỷ đồng vốn trái phiếu chính phủ để thu hồi vốn ứng trước từ năm 2012. Do vậy, tiếp thu ý kiến đại bieeur Quốc hội, đề nghị Quốc hội cho phép trong năm 2013 phát hành không quá 60.000 tỷ đồng trong tổng mức 225.000 tỷ đồng cho cả giai đoạn 2011-2015.

Nguyễn Hiền