1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Lương tối thiểu phải 600.000 đồng mới đủ sống

Phát biểu vào sáng 15/9, TS Nguyễn Hữu Dũng, Viện trưởng Khoa học Lao động và Xã hội, người tham gia xây dựng mức lương tối thiểu chung, đánh giá: “Mức 450.000 đồng một tháng gần sát với mặt bằng tiền công trên thị trường, nhưng so với nhu cầu sống tối thiểu của người dân vẫn thấp”.

Thưa ông, nhìn nhận cả một quá trình cải cách tiền lương, mức tăng tối thiểu thêm 100.000 đồng là cao nhất từ trước đến nay. Tại sao lại có bước "đột phá" như vậy?

 

Đợt tăng lương tối thiểu này vẫn nằm trong đề án cải cách tiền lương (2003-2007), nhưng có xu hướng đẩy nhanh tốc độ, tiến tới năm 2010 hợp nhất các mức lương tối thiểu của các loại hình doanh nghiệp. Sang năm, nếu có điều kiện thì phải tăng nhiều hơn nữa.

 

Việc tăng lương phải tính đến 3 yếu tố, tăng trưởng kinh tế (7,5-8%), tốc độ trượt giá (gần bằng tốc độ tăng trưởng), và đảm bảo lộ trình thống nhất tiền lương tối thiểu giữa các loại hình doanh nghiệp.

 

Tăng nhanh quá sẽ gây khó khăn cho khối doanh nghiệp vừa và nhỏ. Với khối sự nghiệp nếu không xã hội hóa thì ngân sách nhà nước sẽ không kham nổi nếu đẩy quá nhanh tốc độ tăng lương.

 

Dù tốc độ tăng lương có nhanh, nhưng với mức lương này, người lao động vẫn không đủ sống?

 

Tăng lương không phải là “thủ phạm” dẫn đến tăng giá tiêu dùng.

 

Về việc người dân lo ngại tăng lương sẽ đẩy giá sinh hoạt lên cao, TS Nguyễn Hữu Dũng khẳng định, tăng giá sinh hoạt chủ yếu do tâm lý, chứ không phải do tăng lương tối thiểu.

 

Thứ nhất là do hàng hóa tiêu dùng hiện nay không thiếu, nên nhu cầu chi tiêu có tăng cũng không làm mất cân đối cán cân cung-cầu, vì thế không thể đẩy giá lên cao.

 

Thứ hai là lượng tiền không in thêm để đưa vào lưu thông.

 

Việc tăng giá một số mặt hàng tại thời điểm hiện nay chủ yếu do tâm lý và do tác động của việc tăng giá đầu vào sản xuất (một số giá nguyên liệu, giá hàng nhập khẩu).

Mức tăng 450.000 đồng một tháng gần sát với mặt bằng tiền công trên thị trường, nhưng so với nhu cầu mức sống tối thiểu vẫn thấp. Tại thời điểm hiện nay, nếu đảm bảo mức sống tối thiểu của người dân thì lương tối thiểu phải đạt 600.000-650.000 đồng một tháng. Còn nếu đáp ứng với mặt bằng tiền công, tiền lương trên thị trường thì phải khoảng 500.000 đồng một tháng.

 

Tuy nhiên, như tôi đã nói, tăng lương còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đó là khả năng chi trả của ngân sách nhà nước (cho khối hành chính sự nghiệp), là sự khó khăn của nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nếu tách lương tối thiểu của khối hành chính sự nghiệp ra khỏi lương tối thiểu chung thì có thể đẩy nhanh tốc độ tăng lương.

 

Vấn đề tách lương tối thiểu của khối hành chính sự nghiệp ra khỏi lương tối thiểu chung có được đặt ra trong chương trình cải cách tiền lương tiếp theo, khi đề án năm 2003-2007 kết thúc?

 

Sau năm 2007, vấn đề quan trọng nhất là thống nhất mức lương tối thiểu của khu vực sản xuất kinh doanh, còn lương của khối hành chính sự nghiệp cũng phải xem xét. Chúng tôi đang nghiên cứu việc tách này, nhưng thực tế để tách thì không đơn giản vì liên quan đến chính trị, xã hội.

 

Hiện lương tối thiểu chung vẫn là cơ sở để tính trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội. Đó là cái dở vì mỗi lần tăng lương tối thiểu sẽ phải điều chỉnh một loạt lương hưu, trợ cấp. Về lâu dài phải tách lương hưu, hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội ra khỏi lương tối thiểu, mà chỉ tính trên cơ sở trượt giá, mức sống của người dân.

 

Theo đề án cải cách tiền lương, năm 2007, tiếp tục tăng lương tối thiểu chung. Viện đã đề xuất mức tăng như thế nào?

 

Theo nghiên cứu của chúng tôi, đến năm 2007 mức lương tối thiểu phải tăng lên 700.000 đồng mới sát với mặt bằng tiền công trên thị trường và nhu cầu sống tối thiểu của người dân. Nhưng nếu xem xét tới khả năng chi trả của ngân sách nhà nước thì cùng lắm năm 2007, mức lương tối thiểu tăng tối đa lên 550.000 đồng, mạnh hơn là 580.000-600.000 một tháng.

 

Với tốc độ tăng như thế này thì đến năm 2010, khi hợp nhất lương tối thiểu của các loại hình doanh nghiệp, mức lương phải đạt 1 triệu đồng một tháng.

 

Theo Hồng Khánh

VnExpress