Lượng kiều hối năm nay ước đạt gần 4 tỷ USD
Theo Vụ quản lý ngoại hối thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, lượng kiều hối chuyển về nước năm nay đạt kỷ lục với gần 4 tỷ USD, tăng từ 20 đến 25% so với năm ngoái.
Theo các chuyên gia ngân hàng, kiều hối thực sự là nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế đất nước và đang có nhiều thuận lợi để đột phá trong tương lai.
Những năm gần đây, chính sách kiều hối được điều chỉnh theo hướng cởi mở hơn, tạo thêm thuận lợi cho cả người gửi và người nhận. Đây được coi là nguyên nhân chính tạo nên sự tăng trưởng ngoạn mục về lượng kiều hối chuyển về nước.
Nếu trước đây lượng ngoại tệ gửi về nước hạn chế, người nhận phải chịu thuế thu nhập, cơ chế thành lập dịch vụ kiều hối khá ngặt nghèo, thì nay, lượng ngoại tệ gửi về không hạn chế số lượng, người nhận có thể nhận tiền ngay tại nhà và được quyền lựa chọn loại tiền, không phải đóng thuế và bất kỳ loại phí nào.
Đặc biệt, từ năm 2003, Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng thương mại cổ phần được thành lập công ty kiều hối trực thuộc, có tư cách pháp nhân, hạch toán độc lập bằng vốn tự có, và điều kiện thành lập các văn phòng đại diện ở nước ngoài để xúc tiến các kênh kiều hối cũng thuận lợi hơn.
Số đơn vị dịch vụ chi trả kiều hối từ 40 vào năm ngoái đã tăng lên gần 100 đơn vị, tổ chức trong và ngoài nước. Ngoài Công ty kiều hối Đông Á (trực thuộc Ngân hàng Đông Á - EAB), Ngân hàng Á Châu (ACB) và Ngân hàng Xuất nhập khẩu (Eximbank) chiếm ưu thế trên thị trường kiều hối, trong năm 2005, một số "gương mặt" mới về dịch vụ cũng đã có bước phát triển mạnh cả về chất lượng lẫn số lượng.
Điển hình nhất là Ngân hàng quốc tế (VIB Bank), chỉ trong một tháng cuối năm đã kết nối 2 kênh chuyển tiền nhanh quy mô lớn từ gần 100 quốc gia trên thế giới về Việt Nam. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) cũng không ngừng phát huy thế mạnh với khoảng 2.200 chi nhánh, điểm chi trả kiều hối trên toàn quốc.
Ngoài ra, việc cho phép Việt kiều trở về nước mua nhà, đất cũng đã bước đầu được triển khai, tạo thêm kênh dẫn vốn chính thống với khối lượng lớn.
Cuối tháng 9 vừa qua, việc Thủ tướng ký quyết định nâng tỷ lệ sở hữu cổ phiếu trong các công ty cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài (trong đó có Việt kiều) lên 49% thay vì mức 30% như trước đây cũng đã mở ra một kênh mới cho Việt kiều đầu tư về nước.
Trước đây kiều hối gửi về chủ yếu để cải thiện cuộc sống nhưng nay được đầu tư vào các hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước.
Ở một số thị trường xuất khẩu lao động lớn của Việt Nam trong những năm gần đây như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc và Malaysia, kiều hối chủ yếu tập trung chuyển về khu vực nông thôn đã trực tiếp giúp cải thiện đời sống gia đình của người đi xuất khẩu lao động và mang giá trị tích lũy cho nền kinh tế trong thời gian tới. Còn những thị trường truyền thống như Mỹ, Canada, Pháp, Đức và Úc, kiều hối thực sự là một kênh dẫn vốn đầu tư vào những lĩnh vực kinh doanh cụ thể trong nước.
Theo TTXVN